Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ cao thì cơ hội và nhu cầu việc làm của ngành Kỹ thuật phần mềm được xem là rất lớn. Trong những năm gần đây, ngành học này thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký tuyển sinh.
Vậy học Kỹ thuật phần mềm ra trường làm gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Học Kỹ thuật phần mềm ra trường làm gì?
Ngành Kỹ thuật phần mềm là ngành đào tạo những kiến thức liên quan đến quy trình phát triển phần mềm một cách chuyên nghiệp. Thông qua quy trình đó, bạn sẽ tạo ra những sản phẩm phần mềm đạt chất lượng cao, đáp ứng các nhu cầu của xã hội.
Công việc của các kỹ sư phần mềm chính là mô tả và lập trình (viết hướng dẫn) để máy tính có thể từng bước thay thế con người trong việc điều khiển thiết bị phần cứng, tự động hóa các quy trình, hỗ trợ con người các thao tác trong hoạt động giải trí, công việc.
Trong quá trình học, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu như: quy trình phát triển phần mềm, kỹ năng vận dụng các công cụ phần mềm vào việc hỗ trợ phát triển phần mềm khác.
Ngoài ra, sinh viên còn học thêm các bước thiết lập dự án về phần mềm như: thu thập yêu cầu, phân tích, thiết kế, lập trình, kiểm thử, vận hành và bảo trì phần mềm.
Cho nên, sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm bạn có thể đảm nhận một số vị trí việc làm như: Giám đốc kỹ thuật, Quản lý dự án, Lập trình viên, Kỹ sư cầu nối, Kiểm thử phần mềm, Kỹ sư đảm bảo chất lượng phần mềm, Quản lý dự án Công nghệ Thông tin, Quản lý kỹ thuật, Quản trị viên dự án phần mềm và CNTT.
Một số trường đào tạo Kỹ thuật phần mềm
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - năm 2023 xét ngưỡng điểm chuẩn của ngành Kỹ thuật phần mềm là 24,54 điểm (A00; A01). Trong khi đó, điểm chuẩn xét theo kết quả học bạ ngành này lấy đến 28,43 điểm (A00; A01).
Năm nay, trường tuyển sinh theo 4 phương thức: Xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc học THPT, xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Học phí bình quân trong năm học 2023 - 2024 là 20 triệu đồng/năm học. Mức học phí năm học tiếp theo tăng không quá 10% so với năm học liền trước.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và truyền thông (Đại học Thái Nguyên) - đang đào tạo 2 chương trình học liên quan đến ngành Kỹ thuật phần mềm với mức điểm chuẩn lần lượt là: Kỹ thuật phần mềm liên kết quốc tế - KNU 19,5 điểm và Kỹ thuật phần hệ đại trà lấy 18 điểm. Cả hai chương trình học đều xét tuyển khối A00; C01; C14; D01 .
Trường Đại Học Khoa Học (Đại Học Huế) tuyển sinh theo 2 phương thức xét tuyển dựa vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ bậc THPT.
Năm 2023, trường lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển đối với ngành Kỹ thuật phần mềm theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp là 16,5 điểm và phương thức xét học bạ là 19 điểm. Cả hai phương thức đều xét tổ hợp môn thi A00; A01; D01; D07.
Đại học Tôn Đức Thắng - năm 2023 xét ngưỡng điểm chuẩn của ngành Kỹ thuật phần mềm là 33,7 điểm, với 3 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01.
Năm nay, trường tuyển sinh theo 4 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên; xét tuyển dựa vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ bậc THPT; xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Mức học phí dự kiến năm học 2023 - 2024 mỗi sinh viên phải đóng là 28.800.000 đồng/năm học.
Đại Học Công Nghệ Thông Tin (Đại Học Quốc Gia TP.HCM) tuyển sinh ngành Kỹ thuật phần mềm theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế uy tín.
Với phương thức xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, năm 2023 mức điểm chuẩn của ngành này lấy 26,9 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01; D07.
Bình luận