Khai thác tiền sử được biết, bé H. có xem video hướng dẫn trên internet và tự mua cồn về đốt thử bằng bật lửa. Ngay lập tức ngọn lửa bùng lên làm bỏng toàn bộ vùng tay và mặt của em.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng có nhiều nốt dạng phỏng nước vùng mặt. Bệnh nhi được làm sạch, cắt lọc bề mặt da diện bỏng hoại tử, đắp gạc tẩm silvirin diện bỏng và băng bỏng. Sức khỏe bệnh nhi ổn định, đang được điều trị bỏng tại Khoa Ngoại và Chuyên khoa.
Theo bác sĩ Nguyễn Kim Hiếu, khoa Ngoại và Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, thời gian vừa qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn trong sinh hoạt khá nghiêm trọng như uống thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, ngậm que diêm, nuốt mẩu bút chì, đặc biệt nghịch cồn gây bỏng nghiêm trọng... Nguyên nhân chủ yếu do sự bất cẩn của người lớn.
Tai nạn thương tích có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào. Riêng với trẻ nhỏ, các tai nạn thường xảy ra bất ngờ, khó lường trước được và có thể gây ra những thương tổn thực thể rất lớn trên cơ thể trẻ.
Do trẻ nhỏ thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và nên thường gặp tai nạn liên quan đến bỏng do lửa, điện, nước sôi hoặc đuối nước, hóc dị vật, ngã cầu thang,...
Để hạn chế tai nạn đáng tiếc, bác sĩ Hiếu khuyến cáo các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm, chú ý đến trẻ, nhất là trong dịp trẻ được nghỉ học ở nhà. Tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong môi trường có nước; cần làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp kín những ao hồ không cần thiết; các bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té, ngã; các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn…
Bình luận