Chị Dương Thị Ngọc Hiền (26 tuổi), mẹ của bé Phong, cho biết gia đình làm nghề đánh bắt cá ở đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa.
Khi mang thai con trai thứ hai là bé Phong, chị đi khám thì phát hiện bé bị dị tật tim bẩm sinh. Người mẹ kiên quyết giữ lại giọt máu của mình để chờ ngày bé chào đời sẽ tìm cách chữa bệnh cho con.
Ngày 18/11/2015, bé Phong chào đời khỏe mạnh, cân nặng 2,9 kg, ăn uống tốt, phát triển bình thường. Gần đây, các bác sĩ cảnh báo bé có thể bị suy tim sau 6 tháng tới nếu không được điều trị sớm.
Bà mẹ trẻ kể: "Điều kiện y tế ở đảo rất thiếu thốn nên không thể thực hiện được những ca phẫu thuật phức tạp như vậy".
Một lần có đoàn từ đất liền ra thăm đảo Song Tử Tây, nghe chị Hiền kể về gia cảnh và bệnh tình của con, một thành viên trong đoàn giúp kết nối với chương trình từ thiện Trái tim cho em. Sau khi xem xét hồ sơ, các đoàn từ thiện và bác sĩ tại TP HCM quyết định phẫu thuật miễn phí cho bé Phong.
Bé được bố mẹ đưa vượt biển vào đến đất liền. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, bé Phong bị bệnh thông sàn nhĩ thất hay kênh nhĩ thất. Bệnh xảy ra vào khoảng tháng thứ hai của thai kỳ, do có sự khiếm khuyết trong quá trình hình thành và phát triển của tim thai.
Hệ quả là các vách ngăn tim không được phân chia đầy đủ như người bình thường mà có những chỗ bị khiếm khuyết giữa 2 tâm thất và 2 tâm nhĩ. Bé còn bị hở van tim, nếu không phẫu thuật kịp thời chắc chắn sẽ dẫn đến suy tim, chậm phát triển, thậm chí tử vong sớm.
Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tim Mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM quyết định mổ cho bé Phong ngay. Tuy nhiên do sức khỏe bé yếu nên ca mổ phải hoãn lại hơn 3 tuần. Ngồi bên ngoài phòng chờ hồi sức suốt 4 tiếng đồng hồ, hai vợ chồng chị Hiền vừa mừng vừa lo. Đến khi bác sĩ thông báo ca mổ thành công, cả hai mới vỡ òa hạnh phúc.
Kết quả theo dõi hậu phẫu cho thấy sức khỏe bé Phong tiến triển tốt, van tim hoạt động ổn định, các khiếm khuyết vách ngăn cũng được chữa lành.
Trực tiếp phẫu thuật cho bé Phong, thạc sĩ, bác sĩ Cao Đằng Khang khuyến cáo những năm gần đây tỷ lệ dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em ngày càng gia tăng.
Nghiên cứu cho thấy các dị tật này thường xảy ra trong quá trình hình thành hệ thống tim mạch của trẻ (khoảng tháng thứ hai, kết thúc vào tháng thứ ba của thai kỳ) do người mẹ chịu tác động bất lợi từ môi trường bên ngoài như nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, độc chất, kim loại nặng, tia bức xạ, môi trường sống và thực phẩm không đảm bảo an toàn… Bên cạnh đó, một số trương hợp trẻ bị bệnh di truyền từ người thân.
Để phòng dị tật bẩm sinh ở thai nhi, bác sĩ Khang khuyên phụ nữ trong quá trình mang thai nên tránh tiếp xúc với các tác nhân gây hại hoặc độc chất, chú ý giữ ấm cơ thể để không bị cảm lạnh, không uống rượu bia, tránh hút thuốc lá hoặc hít phải khói uống… Việc tầm soát thai kỳ cũng rất quan trọng, giúp phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh để có kế hoạch can thiệp sớm sau khi trẻ chào đời.
Bình luận