• Zalo

Hoàng Sa-nỗi đau mất mát nhìn từ phía những ngư dân bám biển

Thời sựChủ Nhật, 06/07/2014 12:07:00 +07:00Google News

Ngư dân VN không chỉ là nạn nhân của chính những điều kiện đánh bắt thô sơ của mình, của những vụ đâm tàu lén lút vào ban đêm, của những loạt đạn chết người...

Những hi sinh, mất mát của những gia đình ngư dân Việt Nam, những người anh hùng đã bám biển làm kế sinh nhai và giữ biển cho tổ quốc Việt Nam, những goá phụ không bao giờ tái hôn...

“Ngư dân Việt Nam không chỉ là nạn nhân của chính những điều kiện đánh bắt thô sơ của mình, của những vụ đâm tàu lén lút vào ban đêm, của những loạt đạn chết người từ tàu hải quân Trung Quốc, bị bắt ngay giữa vùng đánh bắt cá truyền thống của cha ông mình, bị đánh đập dã man, bị giam giữ ngay trên những hòn đảo thuộc chủ quyền đất nước mình, bị người ta bắt bớ rồi chỉ được thả khi nộp những khoảng tiền chuộc tán gia bại sản.

Những người anh hùng đời thường đó vẫn tiếp tục nhẫn nại bám biển vì họ không còn cách nào khác và vì họ có niềm tự hào của mình”, ông André Menras đã chia sẻ như vậy trong bộ phim của mình về những người ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở Hoàng Sa, ngư trường truyền thống của họ.

Bộ phim “Hoàng Sa – Việt Nam: nỗi đau mất mát” vừa qua đã được chính thức công chiếu tại Triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng từ 21-25/6/2014. Phim dài 59 phút.

Nội dung phim nói đến những ngư dân Việt Nam anh hùng đã bám biển làm kế sinh nhai và giữ biển cho tổ quốc Việt Nam. Bộ phim nói về những phụ nữ ngư dân còn hy sinh gấp bội khi chồng con và anh em đang vật lộn ở nơi đầu sóng ngọn gió. Bộ phim còn nói lên đời sống tâm linh qua những mộ gió và những lễ hội nhắc nhở tới các Đội Hoàng Sa có từ thế kỷ thứ 17.

André Menras phỏng vấn gia đình ông Nguyễn Việt cho phim “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát”. Ông Việt có người con trai tên Nguyễn Thanh Biên đi biển bị quân Trung Quốc bắt ở Hoàng Sa năm 2009, bị tịch thu hết thuyền bè, và còn bị đòi tiền chuộc. 

“Theo những số liệu tôi có, đã xảy ra hơn 2.000 vụ tấn công từ năm 2002 đến nay và có 30 ngư dân chết hoặc bị mất tích, dù thời tiết đẹp, không hề có bão tố gì cả. Những lúc này, tôi nghĩ đến những người ngư dân Việt Nam rất nhiều”, ông André Menras nói.

Về lý do thực hiện bộ phim, ông Andres Menras cho biết đã từ lâu ông muốn gặp gỡ những ngư dân miền Trung, những người đang tiếp tục quăng lưới tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà tổ tiên của họ ngày xưa đã đặt tên là Bãi Cát Vàng.

Ông Menras gọi họ là những người anh hùng đời thường vì họ không chỉ bám biển đánh cá mà còn đang nỗ lực giữ biển đảo chủ quyền quê hương. “Với một nhóm bạn của Đài truyền hình TP HCM, chúng tôi đã tìm gặp họ để nghe họ nói và để lắng lòng với những bà vợ goá không bao giờ tái hôn”, ông Menras chia sẻ.

Vài khuôn mặt trong “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát” do André Menras thực hiện, từ trái: Em Lê thị Thanh Thanh, cư dân đảo Lý Sơn, có cha là Lê Minh Tâm, đi biển chết mất xác; Bà Lê thị Sanh, cư dân đảo Lý Sơn, có chồng là Nguyễn Hoàng, đi biển mất tích với năm người khác, đề lại cho bà ba đứa con không một phương tiện sinh nhai; ông Võ Hiển Đạt, 80 tuổi, gia đình sống nhiều đời trên đảo Lý Sơn, nói Hoàng Sa thuộc về Việt Nam từ trước cả thời Vua Gia Long, và ông còn giữ nhiều tài liệu liên hệ. 

Ông André Menras còn có tên Việt là Hồ Cương Quyết là công dân mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam.

Năm 1968, André Menras tới Việt Nam dạy tiếng Pháp tại Lycée Blaise Pascal ở Đà Nẵng và năm 1970 tại trường phổ thông trung học Jean-Jacques Rousseau ở Sài Gòn.

Với tinh thần phản đối Chiến tranh xâm lược của Mỹ tại VN, André Menras đã cùng bạn là Jean-Pierre Debris leo lên tượng Thủy quân Lục chiến ở Sai Gòn để treo cờ xanh đỏ vàng. Vì hành động này, André Menras và Jean-Pierre Debris đã bị xử tù người ba năm, người bốn năm. Ra tù, trở về Pháp, hai anh tiếp tục cuộc đấu tranh cho độc lập và thống nhất của nước Việt Nam mà các anh yêu quý.

André Menras quay trở lại hoạt động mạnh mẽ cho chính nghĩa Việt Nam khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và tàn sát 64 chiến sĩ Việt Nam năm 1988 tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.

Theo chiều kim đồng hồ. (1) Trên, trái: Andre Menras; (2) Menras bắt tay Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sau khi nhận quốc tịch Việt; (3) Menras viết biểu ngữ và cùng với một số người bạn tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa 

Điều làm André Menras đau lòng hơn cả là hoàn cảnh sống và chiến đấu của ngư dân miền Trung Việt Nam. Tên cuốn phim nói lên nỗi đau của chính anh với tư cách người viết kịch bản và đạo diễn.

Ngày 11/7 tới, ông André Menras – Hồ Cương Quyết sẽ có cuộc giao lưu với khán giả bộ phim và nhân dịp này, bộ phim tài liệu “Hoàng Sa – Việt Nam: nỗi đau mất mát” sẽ được trình chiếu lần đầu tiên ở Hà Nội.

Theo VOV
Bình luận
vtcnews.vn