Theo bài viết, em bé của người mẹ này trước đó đã phải nằm viện vì sốt nhiễm khuẩn. Bé sốt lên tới 39 độ, sau nhiều xét nghiệm và kiểm tra bác sĩ kết luận tình trạng của bé là bạch cầu tăng và nhiễm khuẩn. Bé được kê thuốc hạ sốt và kháng sinh để uống nhưng suốt 3 ngày đầu vẫn sốt cao li bì.
Đến ngày thứ 4 bé sốt giảm đi, nhưng 1 ngày vẫn sốt lên cao 3 lần. Sau đó người mẹ này nghe lời mách của chị dâu nên đã đánh gió cho con bằng cách lấy lòng trắng trứng gà vừa luộc bọc bên ngoài dây bạc, cho vào khăn xô rồi di khắp người bé, mặt mũi, tay chân.
Sau đó dây bạc chuyển sang màu đen và bé cắt sốt hoàn toàn. Người mẹ này cũng bày tỏ sự tiếc nuối vì đã không áp dụng cách cạo gió này sớm để con không phải nằm viện và uống kháng sinh.
Bên dưới bài đăng, không ít bà mẹ chia sẻ rằng mình cũng đã từng sử dụng cách này rất nhiều lần.
Nickname Bình Minh bình luận: “Cách này mình dùng cách đây cả 20 năm rồi. Cả 2 chị em mình cứ sốt với cảm là mẹ mình đánh gió cho như thế. Trộm vía chưa bao giờ phải dùng đến thuốc."
Người mẹ này cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Nói là đánh gió nhưng không phải kiểu cào mạnh như đánh đồng bạc đâu. Bọc trứng và khăn xô rồi đánh nhẹ cho con theo 1 chiều như kiểu mình lau người thôi. Tớ thấy cũng không ảnh hưởng gì, hồi bầu tớ làm suốt. Bé nhà tớ đã làm, thấy bé dễ chịu hơn hẳn. Nhưng tớ nghĩ cách này chỉ áp dụng hiệu quả cho trường hợp bé bị do thời tiết cảm lạnh hoặc cảm nắng thôi."
Nickname Way Back Into Love cũng chia sẻ: “Mỗi lần mình bị đau nhức mình mẩy, bị cảm uống thuốc không hết thì mẹ mình đều luộc trứng gà, trứng còn nóng, bóc vỏ xong nhét đồng bạc vào trong trứng, bỏ trứng vào khăn sữa rồi đánh khắp người, mỗi lần đánh 5 – 10 phút, chỉ tầm 2 ngày là hết bệnh.”
Một số bà mẹ lại bày tỏ quan điểm việc cạo gió cho trẻ là không nên.
Nickname Nguyễn Hợp bình luận: “Trẻ con mà cạo gió gây giãn mạch đó bạn, không tốt đâu.”
Nickname Nàng Dâu Họ Bùi thì khuyên: “Làm cách này mom phải tránh gió tuyệt đối không thì còn bị nặng hơn.”
Video: Suýt chết vì chữa hóc xương gà theo mẹo dân gian
Cạo gió hạ sốt cho trẻ có thực sự hiệu quả?
Trả lời trên Zing News, bác sĩ Cao Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Thừa kế Ứng dụng Hội Đông y Hà Nội, Trưởng phòng khám Đông y, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, cạo gió vốn là một biện pháp được sử dụng rộng rãi trong dân gian. Trong Đông y, cạo gió cũng được xem là một thủ thuật chữa bệnh nhưng phải do bác sĩ trực tiếp làm với từng bệnh nhân nhất định.
Cách cạo gió bằng trứng gà và đồng xu bạc rất phổ biến trong dân gian
Theo bác sĩ Hương, khi gặp gió, gặp lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể có phản ứng co thắt để bảo vệ cơ thể, gây ứ đọng huyết độc, khí độc gây đau người, nhức mỏi, nhức đầu, mỏi mệt,… Lúc này, cạo gió tác động lên vùng cơ bị nhức mỏi kết hợp tính nóng của dầu xoa làm giãn cơ, giúp lưu thông khí huyết. Do đó, cạo gió chỉ có hiệu quả trong trường hợp bị cảm lạnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo mặc dù là phương pháp chữa bệnh dân gian được dùng phổ biến, nhưng không nên áp dụng với trẻ nhỏ, đặc biệt là cạo gió để cắt sốt. Bởi da của trẻ rất non và mỏng nên rất dễ bị tổn thương, khí huyết của bé cũng rất yếu nên sẽ không chịu được nhiệt độ cao khi cạo gió.
Ngoài ra, nếu cạo gió cho trẻ bị rối loạn đông máu, việc cầm máu sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, khi trẻ bị sốt xuất huyết, bác sĩ không thể xác định được vùng nào xuất huyết do bệnh, vùng nào xuất huyết do cạo gió. Do đó, tuyệt đối không cạo gió, cắt lể khi trẻ sốt.
Bình luận