• Zalo

Hoàng Đình Tùng – Khúc độc hành lặng lẽ

Bạn đọc viếtThứ Tư, 19/05/2010 11:31:00 +07:00Google News

Cái cách mà VFF đang đối xử với Tùng, dẫu không sai luật, nhưng vẫn có một cái gì đó thiếu tình người...


Cái tin Đình Tùng bị treo giò 2 trận vì hành vi phi thể thao với Adtebu của Megastar Nam Định trong trận đấu ở vòng 11 trên sân Thanh Hóa không làm nhiều người bất ngờ. Ngay cả bản thân Đình Tùng và CLB chủ quản Lam Sơn Thanh Hóa chắc cũng không bị “sốc” bởi quyết định rất nghiêm khắc trên của VFF. Điều đáng nói ở đây là cái cách người ta đối xử với Tùng “con”. Giá như, thời điểm ấy, ông trọng tài chính cứ rút thẻ đỏ đuổi Tùng ra khỏi sân, giá như vì hành động bạo lực ấy (được chiếu rất nhiều trên truyền hình), BHL đội tuyển Việt Nam cứ gạch tên Tùng khỏi danh sách ĐTQG! Như thế sẽ công bằng hơn, nghiêm khắc hơn, sẽ khiến cho Tùng “con” nể phục và tỉnh ngộ hơn. Còn cái cách mà VFF đang đối xử với Tùng, dẫu không sai luật, nhưng vẫn có một cái gì đó thiếu tình người.

Ở sân Thanh Hóa mấy năm trở lại đây, Đình Tùng là cái tên được chú ý nhất. Đặc biệt là sau cuộc “tháo chạy” hàng loạt của “đội hình ngựa ô” thời HLV Trần Văn Phúc, Đình Tùng càng được nhắc đến như một niềm tự hào về lòng trung thành và ý chí vươn lên vốn là những phẩm chất đặc trưng của người xứ Thanh vất vả lam lũ. Dẫu không nổi tiếng như Văn Quyến, hay Công Vinh thời ở Sông Lam Nghệ An, nhưng Đình Tùng ở Thanh Hóa cũng là cái tên để nhiều đứa trẻ mê đá bóng học tập và noi theo.

Khi bóng đá Thanh Hóa kết “duyên cùng” Thể Công Viettel, Đình Tùng là cái tên đáng chú ý nhất, đủ để kéo những người xứ Thanh nổi tiếng “cục bộ” đến sân. 6 bàn thắng ở nửa đầu giai đoạn lượt đi mà một nửa trong số đó là những tuyệt phẩm đã một lần nữa khẳng định cái duyên ghi bàn và trình độ kĩ chiến thuật ngày càng hoàn thiện của Tùng. Thế nhưng, chính sự thăng hoa quá bất ngờ của Tùng chưa hẳn đã phải là điều hay. Sức ép quá lớn từ sự kỳ vọng của người hâm mộ đã khiến đôi chân của cầu thủ trẻ này nặng như đeo chì. 5 vòng đấu liên tiếp tịt ngòi đã dồn “Tùng con” hiền lành, chất phác bỗng chốc biến thành một đấu sĩ. Cú bò bóng đạp người của Tùng trong trận đấu với Nam Định khiến ngay cả những CĐV của LS Thanh Hóa cũng cảm thấy phẫn nộ. Chỉ có điều, không ai nghĩ rằng, đó là bản chất của một cầu thủ vốn hiền lành và luôn phấn đấu nỗ lực hết mình cho đội bóng. Có chăng đó chỉ là phút nông nổi của tuổi trẻ.

Ở đây phải trải lòng ra để hiểu cho những ức chế về mặt tâm lý của cầu thủ trẻ. Trận đấu ấy diễn ra đúng một ngày sau khi Đình Tùng biết tin anh không được nhận danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất. 13 bàn thắng ở V –league 2009 cùng 3 bàn thắng ở SEA Game 25 cộng thêm danh hiệu “chiếc giày bạc” cũng không đủ để Tùng thuyết phục các nhà báo thể thao vốn bình chọn rất cảm tính. Thất bại của Tùng không nằm ở góc độ chuyên môn, bởi công bằng mà nói, nếu so với Trọng Hoàng, thành tích năm 2009 của Đình Tùng nổi trội hơn nhiều mặt. Chỉ khác là Thanh Hóa của Đình Tùng xuống hạng còn SLNA của Trọng Hoàng lọt vào Top 3. Một ngôi sao cô đơn đã bị đẩy đến tận cùng của sự cô đơn. Với một người trẻ khát khao chinh phục như Đình Tùng, quả thật, đó là một cú sốc.

Là một người lặng lẽ, ít nói và không giỏi ngoại giao, đặc biệt là với giới truyền thông, Đình Tùng không biết “chơi bóng” ở những “sân khác”. Không ai biết người yêu anh tên gì, có hát hay và nổi tiếng không. Chẳng ai rõ Đình Tùng thích ăn món gì, mặc hàng hiệu hay hàng chợ, đi loại xe gì cho dù thu nhập của anh ở Lam Sơn Thanh Hóa hiện nay cũng thuộc dạng “khủng”. Các bài báo nếu có viết về anh, cũng chủ yếu ở góc độ chuyên môn thuần tuý và do người viết chủ động nhận xét bình luận chứ hiếm khi liên hệ đối thoại với Tùng. Tóm lại: Đình Tùng là mẫu cầu thủ nếu không chơi bóng sẽ chẳng biết làm việc gì khác.

Thanh Hóa là một thành phố yên tĩnh. Nó hợp với một người lặng lẽ và đam mê như Đình Tùng. Nhưng chính sự “lặng lẽ” và “yên tĩnh” ấy đôi khi lại mang đến những bất công cho Tùng, nhất là trong thời đại truyền thông nở rộ như ngày nay.

Mang theo khuôn mặt buồn và đôi chút tự ti lên tuyển quốc gia, có thể nói, Tùng chưa thực sự sẵn sàng cả về tâm lý cũng như phong độ để có thể sát cánh cùng các bậc đàn anh. Sở dĩ HLV Calisto gọi Đình Tùng cũng chỉ vì con số 6 bàn thắng như một thách thức của dư luận hơn là vì phong độ của anh. Kết quả là đã không có một phút nào cho Đình Tùng trong một buổi tối đầy kỉ niệm với các cầu thủ đến từ Châu Âu. Đến một người đang có phong độ tệ hại như Sĩ Mạnh cũng được vào sân càng khiến cho nỗi buồn của “Tùng con” ngày càng lớn hơn. Chưa hết, khi chưa gặm nhấm chưa hết nỗi buồn trong lần đầu được tập trung lên ĐTQG, thì tại số 18 Lý Văn Phức (Trụ sở VFF), người ta quyết định “trảm” Tùng “con” một cách lạnh lùng và nhanh chóng đến kinh ngạc.

Vậy là chỉ sau một đêm ngủ không ngon, Tùng “con” lại sẽ có một “đêm trắng” để cảm nhận đến tận cùng nỗi cô đơn nghiệt ngã có tên… bóng đá. Là một người đầy nghị lực nhưng cũng rất nội tâm, có thể cú sốc đầu đời này sẽ khiến Đình Tùng bật khóc.

Trái bóng tròn trĩnh cũng có khi méo mó và lăn không đúng vị trí. Chỉ có điều đã là trái bóng thì phải lăn… Sẽ chẳng bao giờ có trái bóng đứng một mình giữa thảm cỏ xanh như một câu hát, phải không Tùng?

Quang Duy 

 

Bình luận
vtcnews.vn