Chương trình Ngày hội văn hóa vì hòa bình diễn ra sáng 6/10 tại khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ - Hà Nội với sự tham gia của 10.000 người do Hoàng Công Cường đạo diễn để lại những ấn tượng đặc biệt cho khán giả.
Sự kiện nhằm kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình.
Ngày hội văn hóa vì hòa bình mở màn bằng nghi lễ dâng hương tại khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ và đại thực cảnh Ký ức Hà Nội - Những ngày toàn quốc kháng chiến dài gần 15 phút tái hiện Hà Nội năm 1946 và chiến dịch 60 ngày đêm lịch sử từng được khắc họa trong bộ phim Đào, Phở và Piano gây sốt rạp chiếu.
Lễ chào cờ hoành tráng có sự tham gia của Đoàn quân nhạc với 102 người thuộc Đội tiêu binh của Bộ Quốc Phòng cùng 400 diễn viên chuyên nghiệp tái hiện khoảnh khắc chào cờ 10/10/1954 trước cột cờ Hà Nội.
Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Đăng Dương, Trọng Tấn, Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Đông Hùng...
Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của 30 quận, huyện của Hà Nội, các làng nghề cũng trình diễn tại sân khấu đại thực cảnh ở Hồ Hoàn Kiếm. Lần đầu tiên, tất cả các di sản và những gì tinh túy, tinh hoa nhất của Hà Nội được giới thiệu. Sự kiện cũng tái hiện lễ ăn hỏi của người Hà Nội xưa...
Có thể nói đây là một trong những chương trình đại thực cảnh nghệ thuật có quy mô lớn nhất, số người tham gia nhiều nhất trong chuỗi các sự kiện được tổ chức nhân 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Ngày hội văn hóa vì hòa bình qua bàn tay đạo diễn của Hoàng Công Cường đã khắc họa đầy đủ và đa chiều về Hà Nội từ quá khứ đến hiện tại một cách công phu và ấn tượng.
Có mặt ở Hồ Gươm theo dõi trực tiếp sự kiện, nhà thiết kế Anh Thư - thương hiệu áo dài Ngân An bày tỏ niềm hân hoan vì đây không chỉ là một chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ trình diễn mà còn là sự hoà lực của mỗi quận, huyện của Hà Nội đều được tham gia.
“Tôi được sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc. Mẹ tôi là con gái Hàng Đào. Cả tuổi thơ tôi lớn lên bên Hồ Gươm và các dãy phố cổ, có thể nói tình yêu Hà Nội và văn hoá Hà Nội đã ngấm vào tôi từ tấm bé và lớn dần theo thời gian và hoà cùng với máu thịt. Tôi thấy mình thật may mắn khi được chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử của Thủ đô như 1000 năm Thăng Long và đặc biệt là không khí hiện nay Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô Thành phố vì hoà bình.
Tôi rất thích cách làm của đạo diễn Hoàng Công Cường bởi đã làm cho tôi và nhiều khán giả xúc động và tự hào khi tái hiện lại không khí của đoàn quân từ 5 cửa ô tiến về Thủ đô. Điều đặc biệt là các diễn viên chào đón đoàn quân chính là người dân Thủ đô được cử đi tham gia từ các phường. Mọi người đều như được hoà chung trong không khí của 70 năm về trước giữa quân và dân.
Phần dòng chảy di sản, đạo diễn đã đưa đến giới thiệu trong chương trình rất nhiều lễ hội văn hoá, những di sản phi vật thể của Hà Nội. Nhưng thật đặc biệt khi những lễ hội và những di sản phi vật thể đó lại được giới thiệu bởi chính những người dân của địa phương đó với sự hiểu biết và tự hào của họ’’.
Còn đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ: "Trong hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã tái hiện toàn bộ câu chuyện văn hóa, lịch sử, các dấu mốc của Hà Nội từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ tới khi giải phóng và mở rộng Thủ đô.
Thông điệp chúng tôi muốn mang đến cho cho khán giả trong nước và quốc tế đó là những nét văn hóa, lịch sử phong phú nhất của Hà Nội. Sân khấu chính dài 140m và 1,7km khu vực Bồ Hồ của Ngày hội văn hóa vì hòa bình có thể coi là sân khấu đạt kỷ lục của Việt Nam. Đây là chương trình hiếm có huy động 10.000 diễn viên, lực lượng quần chúng nhân dân tham gia’’.
Bình luận