Nguyên nhân khiến Eximbank chưa thể tiến hành được đại hội cổ đông thường niên là do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông và việc buộc phải hoãn đại hội đã được dự báo từ trước.
Eximbank được dự báo là một trong những sự kiện ngân hàng "nóng" nhất mùa đại hội năm nay, nhưng sáng nay nhưng tỉ lệ cổ đông tham dự khá thấp.
9h10 trên bảng thống kê mới có 178 cổ đông, đại diện cho 707,5 triệu cổ phần, chiếm tỉ lệ 57,55% tham dự. Ông Trần Trọng Dũng, trưởng ban kiểm tra tư cách cổ đông, bước lên bục xin cổ đông cho thêm nửa tiếng nữa để chờ các cổ đông khác.
Tuy nhiên tình hình cũng không khả quan hơn vì những người đến tham dự thêm đa phần là cổ đông nhỏ lẻ. Nên đến 9h30 mới chỉ có 199 cổ đông, đại diện 708,4 triệu cổ phần, tương đương tỉ lệ 57,66% nên Eximbank buộc lòng phải tuyên bố hoãn đại hội vì theo quy định, tỉ lệ thấp nhất để tiến hành đại hội cổ đông lần 1 là 65%.
Theo quy định, Eximbank sẽ tiến hành đại hội cổ đông lần 2 trong vòng 30 ngày. Khi đó tỉ lệ bắt buộc để được khai mạc chỉ còn 51%.
Theo quan sát, lãnh đạo Eximbank hiện diện khá đầy đủ, kể cả đại diện các nhóm được cho là "đối lập" trước đại hội. Trước khi tuyên bố hoãn đại hội, giữa ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú còn có trao đổi ngắn.
Trước đó, Eximbank thu hút sự chú ý của dư luận khi xảy ra hàng loạt lùm xùm trước đại hội như bầu chủ tịch HĐQT, tin "hành lang" về thay đổi cơ cấu cổ đông, thua kiện phúc thẩm bà Chu Thị Bình…
Sự việc bắt nguồn từ tối 22-3 khi HĐQT Eximbank công bố nghị quyết về việc miễn nhiệm ông Lê Minh Quốc, nguyên chủ tịch HĐQT Eximbank và bổ nhiệm và Lương Thị Cẩm Tú làm chủ tịch HĐQT mới.
Tuy nhiên, ngay chỉ vài ngày, sau ông Quốc đã có "tâm thư" gửi báo chí phản đối quyết định trên của HĐQT Eximbank. Ông cho rằng phiên họp và những Nghị quyết ngày 22-3 của nhóm thành viên HĐQT Eximbank không có giá trị pháp lý. Ông cũng có đơn xin cứu xét gửi lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và gửi đơn lên Toà án nhân dân TP.HCM.
Sau đó tòa án đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc tạm dừng thực hiện Nghị quyết của HĐQT Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án.
Đáp lại, Eximbank đã phát đi thông cáo: khẳng định việc HĐQT Eximbank đã tổ chức họp phiên 22-3 để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú là theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp và điều lệ ngân hàng.
Ngay lúc đang xảy ra lùm xùm thì hợp đồng lao động ký giữa Eximbank và ông Lê Văn Quyết, tổng giám đốc ngân hàng, cũng hết hạn đầu tháng 4, trong khi chưa có quyết định bổ nhiệm mới khiến Eximbank lâm vào tình trạng khuyết tổng giám đốc.
Cùng lúc đó, thị trường xuất hiện thông tin nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn, chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á, sắp sửa hoàn tất thoái vốn khỏi Eximbank. Nguồn tin cho biết nhóm cổ đông này đã chuyển nhượng 8%, trong vài ngày tới sẽ bán nốt 7% vốn còn lại.
Trên thị trường chứng khoán, thống kê từ đầu năm 2019 đã có 500 triệu cổ phiếu Eximbank được "sang tay". Trong đó chỉ tính riêng trong phiên giao dịch ngày 3-4 và 5-4 với khối lượng giao dịch lên đến 40 triệu và gần 60 triệu cổ phiếu, giá trị đến hàng nghìn tỉ đồng.
Mới nhất, nhóm 5 thành viên HĐQT gồm ông Đặng Anh Mai, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh và ông Yutaka Moriwaki đã có thông báo mời họp HĐQT với lý do chủ tịch HĐQT không thực hiện triệu tập họp theo đề xuất của Ban kiểm soát khiến nhiều vấn đề còn tồn đọng chưa được giải quyết.
Chỉ một tuần trước đại hội, Eximbank đã tiếp tục thua kiện bà Chu Thị Bình trong phiên xử phúc thẩm vụ 245 tỉ đồng tiết kiệm bốc hơi. Tòa phúc thẩm cho rằng Eximbank đã áp dụng sai mức lãi suất đối với khoản tiền 245 tỉ đồng nên đã chấp nhận kháng cáo của bà Chu Thị Bình, buộc Eximbank phải trả hơn 115 tỉ cho bà Bình.
Do phải liên tục đền bù các vụ mất tiền, lãi ròng cả năm 2018 của Eximbank chỉ còn 660 tỉ đồng. Quý 4-2018, Eximbank còn báo lỗ gần 310 tỉ đồng. Nợ xấu cũng ở mức cao. Tính đến cuối 2018, số dư nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 của Eximbank là 1.921 tỉ đồng, giảm 16,4% so với năm trước. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng là 1,84%.
Ngoài ra, Eximbank còn 5.487 tỉ đồng nợ xấu tại VAMC, đứng thứ 6 trong danh sách những ngân hàng nợ xấu nhiều nhất. Năm 2018 Eximbank phải trích lập dự phòng rủi ro đến 904 tỉ đồng.
Bình luận