Hiện tại, câu chuyện này còn chưa ngã ngũ nhưng Họa sĩ Thành Chương đã đưa ra nhiều bằng chứng được cho là thuyết phục để chính minh mình là tác giả của bức tranh này.
Theo dòng câu chuyện “Bức tranh Tạ Tỵ 52”, chúng ta cùng điểm lại thành tựu của Họa sĩ Thành Chương trong sự nghiệp hội họa của mình.
“Ngấm” văn hóa truyền thống
“Tôi là người thợ thủ công, người thợ làm vườn, tạo ra những hồn cốt văn hóa Việt. Mong muốn của tôi là sau này Việt phủ sẽ trở thành nơi gìn giữ những giá trị, tinh hoa của các di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống mà cha ông để lại”, họa sỹ Thành Chương đã chia sẻ như thế trước thềm kỷ niệm 15 năm ra đời Việt Phủ Thành Chương của mình.
15 năm ấy được ông miêu tả là “đủ mùi ca ngâm”. Người họa sĩ tài hoa của nền mỹ thuật Việt Nam cũng giải thích cho niềm đam mê của mình chính là do quê hương bồi đáp.
Ông sinh ra tại làng quê Bắc Ninh, nơi là nôi văn hóa kinh Bắc của Việt Nam. Chính vì vậy, tình yêu văn hóa nghệ thuật của cha ông từ nhà văn Kim Lân đã truyền sang cho ông. Và không phải niềm đam mê, thích thú, đối với văn hóa truyền thống mà tình yêu văn hóa truyền thống đã được chảy trong huyết quản của họa sĩ ngay từ ngày bé, và chưa khi nào tình yêu ấy bị nguội lạnh hay ngừng nghỉ. Việt Phủ chính là kết quả tất yếu tình yêu vô bờ bến của họa sĩ Thành Chương đối với văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Chỉ có niềm đam mê đó mới khiến cho họa sĩ khi còn là một người lính, tình cờ nhìn thấy một con voi đá cổ nặng khoảng 12 - 13kg trong một ngôi nhà cháy tan hoang. Ông đã đặt con voi đá cổ đó vào ba lô, đi xuyên qua cuộc chiến tranh, xuyên qua cả những ranh giới sinh tử để mang về tận nhà mình.
Đam mê với nghệ thuật truyền thống, ông cũng đau đáu với di sản nước nhà trước những nguy cơ bị hao mòn. “Chúng ta luôn tự hào về văn hóa nghệ thuật truyền thống của cha ông, nhưng trải qua những thiên tai, địch họa, đặc biệt là do nhận thức của con người, rất nhiều di sản văn hóa đã bị tàn phá”, ông nói.
Cũng chính vì tình yêu, vì niêm đau đáu đó mà ông đã có lúc buông cọ vẽ, đi lần tìm khắp các làng quê để tìm ra những di sản mang đậm văn hóa vùng miền, cao hơn nữa là bản sắc Việt để đưa về không gian của Việt phủ.
Vẻ đẹp không chỉ ở hình thức
Từng từ chối nhiều lời mời ngồi vào ghế nóng của các cuộc thi nhan sắc, tuy nhiên gần đây Họa sĩ Thành Chương đã đồng ý trở thành thành viên ban giám khảo của cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu.
Chia sẻ về lý do đưa ra quyết định này, Họa sĩ Thành Chương cho hay, đơn giản là ông chia sẻ được mục tiêu mà cuộc thi hướng tới, đó là tìm ra những người đẹp không chỉ đại diện cho vẻ đẹp Việt Nam mà còn là văn hóa truyền thống của đất nước và truyền tải nó đến với nhiều người hơn.
Cũng chính từ suy nghĩ này, trên cương vị là thành viên ban giám khảo Họa sĩ Thành Chương cũng có những nguyên tắc lựa chọn của riêng mình. Ông quan niệm: “Đã là một cuộc thi về nhan sắc thì tiêu chí đầu tiên phải là đẹp. Đẹp cả về hình thể lẫn tinh thần. Đặc biệt cuộc thi này là “Hoa Hậu Bản Sắc Việt toàn cầu” thì vẻ đẹp phải hội tụ được những nét đẹp của văn hoá truyền thống và tinh thần hội nhập với văn minh, văn hoá toàn cầu”, ông nói.
Đi tìm những nhan sắc mang bản sắc Việt dĩ nhiên không phải như hành trình của ông khi đi tìm những di sản văn hóa của dân tộc, tuy nhiên trên hành trình này Họa sĩ Thành Chương cũng cho biết mình đã tự hào với những cô gái vừa có nhan sắc, vừa có trí tuệ và đặc biệt là yêu mến và am hiểu truyền thống văn hóa Việt Nam.
“Xinh đẹp, tân tiến, và đậm đà bản sắc dân tộc”, đó cũng là tiêu chí mà ông đặt ra trong lựa chọn của chính mình khi đứng ở vai trò là thành viên Ban giám khảo của cuộc thi này.
Bình luận