• Zalo

Hoa hậu 'xẻo' trang phục dân tộc để khoe da thịt tối đa

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 07/12/2012 07:31:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đại diện của Việt Nam tại đấu trường sắc đẹp thế giới ngày càng táo bạo trong việc “xẻo” trang phục dân tộc.

(VTC News) - Không dừng lại ở những chiếc áo dài truyền thống kín đáo, đại diện của Việt Nam tại đấu trường sắc đẹp thế giới ngày càng táo bạo trong việc “xẻo” trang phục dân tộc để khoe tối đa vẻ sexy của mình.

Những năm đầu khi mới bước chân vào đấu trường sắc đẹp thế giới, các người đẹp đại diện cho Việt Nam luôn chọn áo dài để xuất hiện trong những phần thi trình diễn trang phục dân tộc.

Có thể kể ra những cái tên đã chọn áo dài trong phần thi trang phục dân tộc ở đấu trường sắc đẹp thế giới như: Phương Mai (Miss World 2002), Nguyễn Thị Huyền (Miss World 2004), Đặng Minh Thu (Miss World 2007), Hoàng Yến (Miss Universe 2009), Kiều Khanh (Miss World 2010) và cuối cùng là Thuý Vi (Miss World 2011).

Trong suốt quá trình tham dự các cuộc thi sắc đẹp lớn trên, không phải khi nào trang phục dân tộc của đại diện của Việt Nam cũng được đánh giá cao. Chỉ có duy nhất hai lần chúng ta lọt vào top những nước có trang phục dân tộc đẹp nhất.

Tại Miss World 2006, Mai Phương Thuý với chiếc áo dài đen đuôi công kết cườm và kim sa của NTK Việt Hùng giúp Mai Phương Thúy lọt vào top 20 thí  sinh mặc trang phục dân tộc đẹp nhất.

Bộ áo dài Vũ khúc hạc đã giúp Thùy Lâm lọt vào danh sách 10 trang phục dân tộc ấn tượng nhất đêm thi “Người đẹp trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất” Miss Universe 2008. 
Sau đó ngay trên sân nhà Thuỳ Lâm cũng chọn áo dài làm trang phục dân tộc trong cuộc thi Miss Universe 2008. Nhà thiết kế Thuận Việt đã đầu tư và chuẩn bị rất kỹ càng cho bộ áo dài đặc biệt này của Thuỳ Lâm. Anh tỉ mỉ trang trí hơn 7.500 viên pha lê nhập khẩu từ Áo cùng 500 viên ngọc trai lên áo.

Ngoài ra, trên thân hai con hạc thêu bằng chỉ dát vàng cũng được tô điểm bởi những hạt kim cương nhằm làm tăng độ lấp lánh. Thân mẫu Hoa hậu nhận xét, bộ áo dài theo kiểu dáng của Nam Phương Hoàng hậu này rất đậm chất truyền thống dân tộc và thể hiện được nét thanh cao, quý phái của người phụ nữ Việt. Và bộ áo dài Vũ khúc hạc này đã giúp Thùy Lâm lọt vào danh sách 10 trang phục dân tộc ấn tượng nhất đêm thi “Người đẹp trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất”.

Hai năm trở lại đây, các ngươi đẹp Việt có xu hướng chán áo dài. Dù rằng áo dài là một trong những biểu tượng của Việt Nam. Hàng loạt các người đẹp ra đấu trường sắc đẹp thế giới với những bộ trang phục dân tộc thậm chí còn lạ lẫm với chính những người dân Việt chứ chưa nói gì với bạn bè quốc tế.

Kể từ bộ trang phục dân tộc mà người đẹp Hương Giang mặc trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2009 đến nay, rất nhiều đại diện của Việt Nam đi ra đấu trường sắc đẹp thế giới chọn trang phục dân tộc lấy ý tưởng từ truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân.
So với những bộ áo dài thì bộ trang phục mà Trúc Diễm khoe được tối đa đôi vai trần và eo thon, phía trên chiếc váy khá kiệm vải. 
Trúc Diễm được xem là người đẹp mở đầu có sự phá cách. Năm 2011, khi tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới, Trúc Diễm mang theo bộ trang phục nặng gần 10kg của NTK Lê Long Dũng dự thi. Bộ trang phục lấy ý tưởng từ mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết con Rồng cháu Tiên.

So với những bộ áo dài thì bộ trang phục mà Trúc Diễm chọn quả là mới lạ, độc đáo. Chiếc váy giúp Trúc Diễm khoe được tối đa đôi vai trần và eo thon, phía trên chiếc váy khá kiệm vải. Những vì là người đi tiên phong nên Trúc Diễm may mắn ít  “ăn đá” từ dư luận.

Người đẹp “hứng đá” nhiều nhất trong vụ xẻo trang phục dân tộc là Hoàng My. Bộ trang phục Hoàng My chọn do NTK Lê Thanh Hòa lấy cảm hứng từ văn hóa Âu Lạc với phần thân trên là áo yếm, phía trước xẻ giữa. Phần thân dưới được thiết kế dựa trên váy quấn, ngắn, tạo sự linh hoạt và nhanh nhẹn trong sinh hoạt (săn bắn), cách điệu từ họa tiết của trống đồng Đông Sơn và biểu tượng chim Lạc.

Tuy nhiên, khi bộ trang phục được công khai thì trên mạng, các diễn đàn xuất hiện nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Một số người cho rằng trang phục đẹp, độc đáo nhìn lạ lẫm hơn so với những lần thi trước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng trang phục quá gợi cảm, hở nhiều da thịt không phù hợp với hình ảnh phụ nữ Việt Nam, nhìn giống nữ chiến binh chứ không có nét gì tạo điểm nhấn cho Việt Nam...

Để phản pháo lại những người đã “ném đá” mình, Hoàng My đã tố báo chí cũng như cộng đồng mạng đang ra sức “canh me” cô để thấy sơ hở là “đập”. Thế nhưng không không phải công chúng vô lý.

Bởi chính những người làm chuyên môn cũng tỏ ra băn khoăn khi khó tìm ra yếu tố Việt trong bộ trang phục dân tộc mà Hoàng My đã chọn. Họa sĩ Đào Mạnh Đạt (Trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội) cho rằng:

"Bộ trang phục này còn thiếu những nét nói lên đặc thù, đặc sắc của văn hóa dân tộc Việt Nam. Thiếu những yếu tố hết sức Việt chẳng hạn như thời kỳ Hùng Vương, Âu Lạc, có những họa tiết như trống đồng, chim hạc, thuyền... Không phải đưa hết vào nhưng nhìn bộ trang phục có thể rất giống châu Phi mà chưa rõ văn hóa Việt Nam lắm. Theo tôi, trang phục nên làm rõ văn hóa Việt, để cho bạn bè thế giới nhận diện đây là Việt Nam".
Bộ trang phục dân tộc gây tranh cãi của Hoàng My tại Miss World 2012. 
Nhìn lại sẽ thấy những bộ trang phục dân tộc Hương Giang mặc trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2009, rồi đến Trúc Diễm mặc khi thi Hoa hậu Quốc tế 2011, Lê Huỳnh Thuý Ngân Nữ hoàng quốc tế du lịch 2011 và gần nhất là Hoàng My Hoa hậu hoàn vũ 2011 và Hoa hậu Thế giới 2012  thì có thể thấy mức độ phá cách trong việc chọn trang phục dân tộc của các người đẹp đại diện cho Việt Nam tại các đấu trường sắc đẹp ngày càng táo bạo.

Không phủ nhận những trang phục dân tộc của các người đẹp lấy ý tưởng từ mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết con Rồng cháu Tiên những năm gần đây đã mang đến một góc tiếp cận mới hơn áo dài truyền thống.

Thế nhưng, công bằng mà nói, khi đi ra thế giới, những bộ trang phục này không có tác dụng nhiều về mặt hình ảnh. Bởi biểu tượng trống đồng hay chim lạc là những biểu tượng của người Việt xưa. Chẳng mấy ai ngoài người Việt biết được ý nghĩa cũng như gốc tích của những biểu tượng này.

Tiêu chí đầu tiên quan trọng nhất trong việc chọn lựa trang phục dân tộc là phải đảm bảo bộ trang phục đó nói lên được văn hóa đặc trưng của dân tộc, tức là khi nhìn vào trang phục dân tộc người ta phải thấy được thí sinh này đến từ đất nước nào và văn hóa dân tộc của đất nước thí sinh đại diện. Nó được thể hiện qua hình dáng trang phục đặc trưng như áo dài của Việt Nam, hay kimono của Nhật Bản, hay sườn xám của Trung Quốc.

Thế nhưng chẳng phải người đẹp nào cũng thấy được hiện thực trên. Do đó họ, những đại diện của Việt Nam tại các đấu trường sắc đẹp thế giới, cùng các NTK thời trang của mình  sa vào việc gây chú ý bằng việc xẻo trang phục dân tộc. Để rồi chính họ vừa bị “ăn đá” từ dư luận mà sáng tạo của mình vẫn trở nên nhạt nhoà ở các đấu trường sắc đẹp khi chính những bộ trang phục dân tộc đó còn lạ lẫm với ngay cả những người Việt Nam chứ đừng nói là bạn bè thế giới.

Chu Ngũ Nương

Bình luận
vtcnews.vn