Đơn tố giác được Phương Nga gửi đến 29 cá nhân, tổ chức từ trung ương đến địa phương hồi tháng trước, cho rằng hai cơ quan tố tụng tại TP.HCM đã ra 9 quyết định "trái pháp luật" đối với mình và bạn thân Nguyễn Đức Thuỳ Dung (31 tuổi).
Trong đơn, Phương Nga cho biết, đầu tháng 12/2018, sau khi hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được hai cô lừa 16,5 tỷ đồng của Cao Toàn Mỹ, Công an và VKS TP.HCM đã ra "bản kết luận điều tra vụ án hình sự trong trường hợp đình chỉ điều tra".
Cơ quan điều tra cho rằng Phương Nga và Dung không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng phạm tội Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức và đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can dưới hình thức miễn trách nhiệm hình sự.
Trong hồ sơ cung cấp, Phương Nga nêu, ngày 11/12/2018, cơ quan điều tra đã xác định cô và Thuỳ Dung không phạm tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo BLHS 2015. Nhưng đến tháng 1/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM lại quyết định khởi tố Nga và Dung tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và miễn trách nhiệm hình sự theo BLHS 1999.
Hoa hậu người Việt tại Nga cho rằng, tháng 1/2019, BLHS năm 2015 đã có hiệu lực. Theo quy định tại khoản 3 Điều 7, Cơ quan CSĐT và VKSND không được khởi tố mình và Thuỳ Dung dựa trên BLHS năm 1999, mà phải chiếu theo BLHS hiện hành. Do sai phạm này, những quyết định tiếp theo như đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án cũng trái pháp luật và không có hiệu lực.
Ngoài ra, Phương Nga còn cho rằng, cơ quan điều tra đã không kết luận dựa trên sự thật khách quan mà dựa trên tình huống giả định. Điều này thể hiện qua tên gọi "bản kết luận điều tra vụ án hình sự trong trường hợp đình chỉ điều tra".
Hiện, Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM chưa đưa ra quan điểm về đơn tố giác của Phương Nga.
Trả lời VnExpress về các văn bản Phương Nga đưa ra, Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, trước đây cơ quan điều tra đánh hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức của Phương Nga và Thùy Dung là một dấu hiệu thuộc cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS năm 1999, cụ thể là dấu hiệu thủ đoạn phạm tội "bằng thủ đoạn gian dối".
Tuy nhiên, do không chứng minh được cấu thành tội phạm của tội này, nên cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra. Căn cứ khoản 2 Điều 232 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, khi có căn cứ đình chỉ điều tra, cơ quan điều tra vẫn phải ra "bản kết luận điều tra vụ án hình sự trong trường hợp đình chỉ điều tra" và quyết định đình chỉ điều tra. "Do đó, Công an TP.HCM ban hành Bản kết luận điều tra vụ án hình sự trong trường hợp đình chỉ điều tra ngày 11/12/2018 là có căn cứ", ông Trạch nói.
Luật sư Trạch cũng cho rằng, Phương Nga căn cứ khoản 3 Điều 7 của BLHS 2015 về hiệu lực của BLHS về thời gian để cho rằng nếu có việc khởi tố đối với hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì hành vi này phải bị truy cứu theo Điều 341 BLHS 2015 chứ không phải Điều 267 BLHS 1999.
Trước hết, cần làm rõ hiệu lực của BLHS 2015 về thời gian đang được điều chỉnh bởi Điều 7 BLHS 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017. Theo đó, trường hợp hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1/1/2018 mà sau đó mới bị phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử và quy định tương ứng của BLHS 2015 có lợi hơn cho người phạm tội thì mới có thể áp dụng quy định của bộ luật này để truy cứu trách nhiệm người phạm tội.
Tuy nhiên, hành vi Làm giả tài liệu, con dấu của Phương Nga dù xảy ra trước ngày BLHS 2015 có hiệu lực nhưng hành vi này thực chất cũng đã bị phát hiện trước thời điểm ngày 1/1/2018, đã bị điều tra nhưng dưới góc độ là dấu hiệu của một cấu thành tội phạm khác (tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Do đó, không thể áp dụng quy định chuyển tiếp của Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017.
"Như vậy, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của bà Phương Nga thì phải áp dụng quy định tại Điều 267 BLHS 1999, tương ứng với Điều 341 BLHS 2015, nên việc Công an TP.HCM ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án số 43-03 ngày 21/1/2019, quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 26-54 ngày 21/1/2019, thay đổi tội danh của Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung sang tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là có căn cứ", ông Trạch nêu quan điểm.
Về việc Công an TP.HCM nhận định hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức của Phương Nga và Thùy Dung tuy có dấu hiệu phạm tội theo Điều 267 BLHS 1999 nhưng chiếu theo quy định tương ứng tại Điều 341 BLHS 2015 đã bổ sung thêm dấu hiệu phạm tội "thực hiện hành vi trái pháp luật" và trên thực tế, hành vi này chỉ sử dụng đối với cơ quan tiến hành tố tụng nên hành vi nói trên không còn nguy hiểm cho xã hội.
Do đó, cơ quan điều tra áp dụng quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 29 BLHS 2015 khi t điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa để miễn trách nhiệm hình sự cho Phương Nga và Thùy Dung là có căn cứ.
"Công an TP HCM căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 để ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can đối với Phương Nga và Thùy Dung là đúng pháp luật", ông Trạch nói.
Tháng 3/2015, Phương Nga và Thuỳ Dung bị bắt với cáo buộc lừa ông Mỹ 16,5 tỷ đồng bằng chiêu "mua nhà giá rẻ". Suốt quá trình điều tra, Nga giữ quyền im lặng. Khi ra toà cô phủ nhận toàn bộ cáo buộc, số tiền ông Mỹ đưa là để thực hiện thỏa thuận duy trì tình cảm trong 7 năm. Toà trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Đến giữa năm 2017, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần hai, tiếp tục trả hồ sơ vì nhiều vấn đề chưa được làm rõ, đồng thời cho Nga và Dung tại ngoại. Từ đó đến nay, cơ quan điều tra có thêm nhiều biện pháp tố tụng, trước khi quyết định đình chỉ bị can đối với hai cô gái ngày 1/2/2019.
Video: Cao Toàn Mỹ bị thu hồi 2,5 tỷ đồng trong vụ án Hoa hậu Phương Nga
Bình luận