Chưa bao giờ, các cuộc thi Hoa hậu gây tranh cãi đến như vậy. Dạo quanh các diễn đàn, mạng xã hội, chủ đề về Hoa hậu không có dấu hiệu hạ nhiệt.
2017 - năm của những hoa hậu không tên
Tính đến cuối tháng 12, có 20 Hoa hậu đăng quang các cuộc thi trong và ngoài nước. Đáng chú ý, chỉ có 2 Hoa hậu đăng quang tại Việt Nam, 18 người khác đăng quang ở nước ngoài.
Trong số đó, ngoại trừ Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và Hoa hậu Đại dương tạo được hiệu ứng nhất định trên mạng xã hội, đa phần các cuộc thi nhan sắc còn lại không gây ra bất kỳ hiệu ứng hay sự chú ý gì.
Một số cuộc thi có tên gọi "na ná" nhau. Thậm chí, khi tìm kiếm kết quả trên Google, kết quả thu được có sự nhầm lẫn giữa các tên gọi. Điển hình là các cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt (Phi Thanh Vân đăng quang), Hoa hậu Doanh nhân người Việt thế giới (Hoàng Thuỷ đoạt vương miện).
Năm 2017 của hoa hậu Việt chia làm 2 thái cực: những cuộc thi vô danh ở nước ngoài và 2 cách tạo làn sóng khác nhau của 2 cuộc thi trong nước.
Hoa hậu nước ngoài, những cuộc thi không dấu ấn
Thống kê đáng chú ý, 90% “Hoa hậu Việt Nam” trong năm nay đăng quang ở nước ngoài thông qua nhiều tên gọi khác nhau.
Theo điều 18 trong Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ thì mỗi năm chỉ được cấp phép tối đa 2 cuộc thi Hoa hậu quy mô cấp quốc gia. Như vậy, trong năm 2017, chỉ có Hoa hậu Đại dương và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam được đánh giá là cuộc thi quốc gia.
Đối với sự quan tâm của người xem, ảnh hưởng mạng xã hội, những cuộc thi ở nước ngoài gần như là số 0 tròn trĩnh. Đa số cuộc thi không để lại hiệu quả về truyền thông hay dấu ấn trên các trang tìm kiếm. Một số cuộc thi cho ra vài trăm kết quả trên Google, và ngay cả trang tìm kiếm lớn nhất thế giới cũng không đủ dữ liệu để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các cuộc thi.
Khi mà bản thân các cuộc thikhông có sức ảnh hưởng, những Hoa hậu đăng quang tất nhiên cũng khó lòng “gây bão”. Hai cuộc thi tranh cãi nhất cuối năm 2017 là Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn mỹ toàn cầu (cuộc thi dành riêng cho người phẫu thuật thẩm mỹ) và cuộc thi do Phi Thanh Vân đăng quang mang tên... Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt.
Trong văn bản Quyết định QĐ 87/2008/QĐ-BVHTTDL Về việc ban hành quy chế tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp, thì ở khoản 1, điều 6 chương II thí sinh muốn tham dự cuộc thi nước ngoài phải đạt danh hiệu chính thức tại các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi hoặc Người đẹp trong nước.
Nhưng ở đây, Phi Thanh Vân chưa từng có danh hiệu sắc đẹp nào trong nước lại có thể dự thi và đăng quang ở nước ngoài. Tuy vậy, ngoại trừ giọng ca Da nâu vốn là nhân vật có tiếng tăm trong nước trước đây, những cái tên đăng quang khác không thể lại ấn tượng gì.
Mỗi cuộc thi Hoa hậu đều có những tiêu chí nhất định, nhưng điểm chung đều mang trong mình một sứ mệnh, vai trò gắn với các hoạt động thiện nguyện hoặc môi trường.
Câu hỏi đặt ra là sau khi đăng quang, các Hoa hậu làm đúng vai trò của một Hoa hậu chưa? Nhan nhản xuất hiện trên báo chí và các trang tin điện tử chỉ là những thông tin "bên lề" như Hoa hậu dự tham gia sự kiện, Hoa hậu thanh lịch xuống phố, Hoa hậu chấm thi Hoa hậu…
Chưa bàn đến chất lượng cuộc thi, tiêu chí chấm điểm… công chúng đôi khi đặt câu hỏi “vì sao có nhiều cuộc thi hoa hậu như thế”. Một cách trả lời là nhìn những từ khóa liên quan đến “Hoa hậu” sau khi đăng quang.
Để rồi, sau chương trình, những gì công chúng thấy là những thông tin về đời tư, sự nghiệp riêng của các Hoa hậu chứ không có hoặc rất ít các hoạt động vì cộng đồng có sự góp sức của các Hoa hậu.
Hai hướng ảnh hưởng của cuộc thi trong nước
Trái với 18 cuộc thi hoa hậu tổ chức ở nước ngoài, 2 cuộc thi trong nước tạo được hiệu ứng tốt hơn về mặt truyền thông, nhưng theo 2 cách khác nhau.
Với hơn 249.000 kết quả tìm kiếm trên Google và 260 bài báo được nhắc đến, Hoa hậu Đại dương trở thành cuộc thi nhan sắc được quan tâm nhất năm 2017. Cuộc thi với sự đăng quang của Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội một thời gian dài.
Trong khi đó, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam có hơn 175.000 kết quả tìm kiếm trên Google và 229 bài báo được nhắc đến.
Thời điểm được quan tâm nhất, “Hoa hậu Hoàn vũ” cũng chỉ đạt được khoảng 1/2 độ quan tâm của hoa hậu Ngân Anh, dù tổng mức quan tâm cho cuộc thi trong cả năm vẫn cao hơn.
Tương tự, so sánh mức quan tâm của 2 cuộc thi:
Thông tin khiến cộng đồng mạng quan tâm không phải là cơ cấu giải thưởng, về hành trình nỗ lực của tân quán quân mà là những scandal xoay quanh cuộc thi.
Bắt đầu từ tranh cãi Hoa hậu Ngân Anh phẫu thuật nhưng vẫn đăng quang, cho đến việc Hoa hậu tiền nhiệm Đặng Thu Thảo lên tố Ban tổ chức. Nhiều vấn đề diễn ra cùng lúc khiến cuộc thi bỗng chốc hot. Lê Âu Ngân Anh đi vào lịch sử Hoa hậu chịu nhiều ý kiến trái chiều nhất Việt Nam.
Các từ khóa liên quan đến chương trình Hoa hậu Đại dương hầu như liên quan đến bản thân hoa hậu, các thông tin liên quan việc xử phạt BTC hay “trả lại vương miện”.
Đa phần các cuộc thi Hoa hậu được đánh đồng với nhau. Thi hoa hậu trở thành thị trường bão hoà, hay nói đúng hơn là loạn danh xưng, danh hiệu.
Một năm đầy biến động của nhan sắc Việt, cùng trông chờ những gì sẽ diễn ra trong năm 2018. Liệu có thêm bao nhiêu người đẹp nữa đăng quang với danh hiệu Hoa hậu, Nữ hoàng?
Video: Những phần thi ứng xử "cười ra nước mắt" của các thí sinh Hoa hậu của Việt Nam
Bình luận