Sau khi thi xong, Khánh Vân cho biết cô gặp nhiều khó khăn từ khâu chuẩn bị đến trình diễn. Công đoạn lắp ráp mất khoảng 30 phút. Vì mang đồ từ Việt Nam sang Mỹ, bộ trang phục dân tộc bị gãy vài chỗ.
Lúc biểu diễn, thiết kế lấy cảm hứng từ kén buộc Vân phải giữ bằng hai tay nên cô có chút chật vật lúc mở để tà áo được bung ra cùng lúc.
"Tôi thực sự rất áp lực. Do đó, khi thi xong, tôi nhanh chóng gọi về cho ê-kíp. Dù sao, tôi thấy mình may mắn khi luôn có mọi người ở phía sau", người đẹp gốc TP.HCM chia sẻ.
Khánh Vân đã rất cố gắng để trình diễn phần thi của mình. (Ảnh chụp màn hình) |
Nhiều khán giả Việt nhận thấy phần trình diễn này chưa tới, Vân hơi hoảng lúc đầu và trang phục không thuyết phục như lúc nó được công bố ở Việt Nam.
Cụ thể trước đó, trang phục không có phần gậy chống. Chính điều này tạo nên nét cứng nhắc và mất đi sự thanh thoát vốn có.
Khoa Lỗ - nhà thiết kế sáng tạo nên bộ trang phục dân tộc có tên "Kén Em" - cũng từng cho biết tác phẩm được thay đổi đôi chút để đảm bảo cho Vân tự tin tỏa sáng nhất. Do đó, phần gậy sẽ được thêm vào để đỡ sức nặng cho cô.
Trước đó, chia sẻ với Zing, nhà thiết kế tiết lộ anh đã chuẩn bị kỹ từng chi tiết, từ thứ tự lắp ghép trang phục đến cách tạo dáng để Vân không gặp khó khăn.
Tác phẩm này ra đời khi nhà thiết kế tìm thấy nguồn cảm hứng từ chuyến du lịch đến làng lụa Tân Châu. Không sắc màu rực rỡ, Khoa Lỗ chọn màu trắng cho trang phục để tạo dấu ấn riêng khi mọi người đã quá quen thuộc với những bộ đồ dân tộc màu sắc rực rỡ. Mặt khác, sắc trắng nhẹ nhàng giúp tôn vinh nét đẹp dịu dàng của Khánh Vân.
"Sắc trắng của 'Kén Em' mang ý nghĩa trong sạch, tinh khiết. Thông qua đó, tôi muốn gửi lời chúc về sự khởi đầu mới và tươi sáng đến bạn bè quốc tế sau đại dịch", Khoa Lỗ bày tỏ.
Khánh Vân tự lắp ráp, khắc phục chỗ gãy trang phục trước khi lên sân khấu. (Ảnh chụp màn hình) |
Bình luận