- Được biết, từ khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam toàn cầu 2016 đến nay, Nini Hương Nguyễn khá kín tiếng trước truyền thông trong nước, nhưng lần này chị lại tiết lộ cuộc sống của mình cho báo giới, chắc hẳn phải có lý do nào đó?
Chắc là cũng không nhiều người biết sau khi đăng quang, tôi suýt trở thành giảng viên chuyên ngành hội họa với lời mời của một trường đại học tại Việt Nam. Thế nhưng vì quá bận rộn không thể sắp xếp thời gian nên tôi chỉ tập trung cho sáng tác.
Lần này, Nini Hương Nguyễn lại có cơ duyên trở về quê hương theo lời mời của một số họa sĩ để tham dự triển lãm “K34, thầy và trò” tại trường Đại học mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt, tôi muốn tiếp tục thực hiện một số dự án từ thiện vùng cao vẫn ấp ủ từ trước đến giờ.
Tôi còn dự định tổ chức triển lãm thứ 2 của mình ở TP.HCM và Hà Nội dự kiến vào đầu năm 2019 cũng để có tiền làm từ thiện.
- Triển lãm đầu tay “The life” của chị khá thành công khi được công chúng đón nhận, giới chuyên môn đánh giá cao, 25 tác phẩm đều được bán hết sạch dù thời điểm đó, nhiều người trong nước chưa biết đến tên tuổi của chị như bây giờ. Chị có thể tiết lộ chủ đề của triển lãm sắp tới không?
Thực sự, với một họa sĩ quốc tế gốc Việt trở về quê hương, thành công của “The life” mang đến cho tôi hạnh phúc bất ngờ, rằng dù đi đâu, nhưng quay trở lại, Việt Nam vẫn là nơi ấm áp nhất trong tim.
Tại triển lãm lần này, tôi sẽ gom hết tinh hoa của 4 thành phố Paris, Rome, London, Hà Nội vào tranh. Tôi sẽ dùng các tác phẩm của mình kể cho mọi người nghe những câu chuyện thú vị và độc đáo trong những chuyến hành trình hàng tháng trời mà tôi rong ruổi khắp các ngõ ngách của những thành phố này. Tôi nghĩ tạm thời chỉ nên bật mí đến vậy thôi.
- Nini Hương Nguyễn được biết đến rất thành công trong nhiều lĩnh vực, hiện tại, chị xây dựng hình ảnh mình như thế nào trong mắt công chúng?
Tôi muốn công chúng nhìn mình với tư cách là họa sĩ quốc tế gốc Việt, một Hoa hậu thiện nguyện. Nini thích được gọi một nghệ sĩ vì hiện tại, công việc mang lại cho tôi thu nhập chính là họa sỹ mà.
Nini nghĩ rằng đỉnh cao nào rồi cũng có thời điểm, mà nếu cứ ngủ quên trong những ảo mộng ấy thì thật mòn mỏi và nhạt nhẽo.
Tôi muốn học thật nhiều, làm thật nhiều, ở lĩnh vực nào mình cũng sẽ lao động, cống hiến hết mình. Ngay cả với niềm đam mê hội họa ở thời điểm này, tôi không chỉ muốn tạo ra thành tựu của riêng mình, mà thực sự muốn góp phần vào sự phát triển của hội họa Việt Nam.
Thực ra, hiểu được chính mình và vượt qua cái bản chất lười biếng, bằng lòng hưởng thụ khó lắm, trong mỗi chúng ta đều có phần con và phần người mà. Theo tôi, là nghệ sĩ, không tiến lên, cứ cũ kỹ mà không biết làm mới mình, nghĩa là đang chết đi rồi.
- Chị có thể chia sẻ mục đích tổ chức triển lãm tranh từ thiện lần này?
Khi về Việt Nam, tôi băn khoăn, trăn trở rất nhiều, tôi không chọn cách xuất hiện ồn ào, tiền hô hậu ủng, có ê kíp đi cùng như nhiều người vẫn thấy về một Hoa hậu. Tôi thích làm nhiều hơn là nói.
Ngay cả trong các dự án từ thiện, tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để tìm ra cách từ thiện thông thái, phù hợp. Nghĩa là trợ giúp những người thực sự cần.
Tôi không muốn chỉ đưa họ cần câu cá, tôi muốn khơi gợi tinh thần muốn kiếm cá ở họ chứ không chỉ giải quyết cho họ vấn đề thiếu đói tức thời. Tôi muốn xây cầu, xây trường, đầu tư vào giáo dục cho trẻ em vùng cao để chúng có động lực tự vươn lên khỏi nghèo đói, thay đổi từ gia đình mình, thay đổi quê hương.
Từ lúc còn là sinh viên đại học ESMOD trở về nước tham gia các hoạt động từ thiện ở Tây Bắc, nhìn những em nhỏ phải bơi qua sông, phải đi trên những cây cầu sập xệ đến trường, tôi đã tự hứa với mình nhất định sẽ kiếm thật nhiều tiền, quay lại đây để giúp đỡ cho các em.
Có thể nhiều người không tin nhưng lý do tôi đi thi Hoa hậu chỉ bởi vì ... nhiều bạn bè thân thiết trong giới chuyên môn nghệ thuật giục tôi đi thi bởi họ luôn cho rằng tôi rất phù hợp với những hoạt động cộng đồng của một Hoa hậu!
Không thể phủ nhận cô gái nào cũng thích vinh quang, nhưng tôi thật sự muốn giữ gìn cái đẹp của danh hiệu ấy không chỉ trên gương mặt, cơ thể mình mà còn muốn dùng ảnh hưởng của mình để tạo ra một giá trị nào đó cho cộng đồng dù là nhỏ bé.
Không ít công chúng thường cho rằng Hoa hậu đi làm từ thiện là làm hình ảnh, nhưng tôi không nghĩ có ai màu mè mãi được. Người ta sẽ nhìn vào kết quả chứ!
Tất nhiên, cũng chẳng ai có quyền bắt Hoa hậu không được sống sung sướng, giàu sang mà phải làm cái này cái kia cho cộng đồng. Đó là lựa chọn của cá nhân mà. Nhưng với tôi, nếu chỉ sống cho mình thì nhạt lắm!
- Chị có thấy áp lực không khi công chúng bây giờ thường “dán nhãn” cho Hoa hậu với những định kiến chân dài não ngắn, quan hệ tình – tiền giữa người đẹp và đại gia?
Định kiến này của công chúng cũng là dễ hiểu thôi, bởi không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới cũng có nhiều lùm xùm tình ái giữa người đẹp và những tỉ phú. Những điều này vô tình đặt định kiến và áp lực lên những ai đã, đang và sắp làm hoa hậu. Có điều, cây ngay chẳng sợ chết đứng, dư luận làm sao có thể đồn đại hay thêu dệt một thứ không tồn tại mãi đâu.
Tôi vẫn còn nhớ, có lần khi ở Việt Nam có một một đại gia mang 350.000 USD đến phòng tranh của tôi nói muốn mua tranh. Anh ta hỏi mua tranh loanh quanh một lúc rồi đề nghị hãy làm bạn gái anh ta. Tôi từ chối, nói đã bán tranh rồi, xin lỗi anh ta và tiễn về ngay lập tức. Rõ ràng anh ta đâu có ý định mua tranh của tôi đâu.
Tôi từ chối, nói đã bán tranh rồi, xin lỗi anh ta và tiễn về ngay lập tức khi anh ta đề nghị tôi làm bạn gái.
Nini Nguyễn
Tôi nghĩ, với tư cách là Hoa hậu, có rất nhiều người đẹp như tôi muốn chứng minh, khẳng định mình đi lên bằng đôi chân của mình để xây dựng sự nghiệp, cống hiến cho cộng đồng. Không phải ai cũng sẵn sàng đánh đổi, làm vấy bẩn vương miện đâu. Thế nên mong công chúng đừng mặc cho chúng tôi những chiếc áo định kiến ấy!
- Trong lĩnh vực hội họa, chị được giới chuyên môn đánh giá cao, đặc biệt là người có cá tính nghệ thuật rất mạnh, có phải chị đã mang nguyên tính cách của mình vào những tác phẩm của mình?
Trong con người tôi, hơi hướng Phương Tây rất mạnh mẽ, quyết liệt. Thậm chí tôi dễ khiến nhiều người mất lòng vì sự thẳng thắn, gai góc của mình, không ngại đụng chạm những vấn đề mà đối với nhiều người là khó nói. Tôi nghĩ chắc đây cũng là điểm yếu của mình.
Tôi quan niệm, mỗi thời điểm chúng ta cần phải sống trọn vẹn với đam mê bản thân. Tôi không quan tâm quá nhiều chuyện mình sẽ xinh đẹp, nổi tiếng trong bao lâu, mà tôi sẽ dùng thời gian trong quãng đời của mình làm được những gì, cống hiến được gì.
Tôi nghĩ những người sống đến 70 tuổi mà không có một đam mê nào, chấp nhận sống một cuộc đời nhạt nhòa, bèo dạt mây trôi thì chẳng bằng một đứa trẻ 15, 16 tuổi mà đam mê, theo đuổi và cháy hết mình cho những điều nó yêu thích. Tôi tự cảm thấy mình là một đứa trẻ nói được và làm được trong hội họa.
Tôi khắt khe trong sáng tác. Có những khi không hài lòng, tôi sẵn sàng xé nát tranh của mình rồi vẽ lại hàng chục lần. Tôi cho rằng, nếu chỉ cần một lần dễ dãi trong hội họa, nỗi xấu hổ sẽ theo cả đời.
Video: Á hậu Bùi Phương Nga trong thang phục truyền thống
Bình luận