Từ bỏ piano trong tiếc nuối
Đến với cây đàn piano trước khi biết mình muốn nó hay không, âm nhạc cổ điển cứ thế thấm dần vào Giáng Mi, để rồi đến khi nhận ra âm nhạc là ‘vị Thánh’ trong mình thì cũng đã 16 năm trôi qua. Vào thời điểm đó, âm nhạc bác học rất khó có chỗ đứng ở Việt Nam, bởi thời kì mở cửa, đời sống mọi người còn khó khăn, nhu cầu vật chất còn chưa đủ, làm sao đã vội nghĩ đến nhu cầu tinh thần.
Nền tảng học thức vững vàng đó không phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống, và Giáng Mi cũng như những người bạn của mình phải chấp nhận thực tại đó: ‘Rất nhiều bạn khi không được nhận vào các Đoàn nghệ thuật đều phải tìm cách khác nuôi dưỡng đam mê của mình.
Có lẽ nghệ sỹ nào cũng vậy, khi bước vào một nhà hàng hay khách sạn, nhìn thấy một nghệ sĩ piano cặm cụi đánh đàn trong khi mọi người đi qua đi lại như không, trái tim tôi cảm thấy nhói lên. Bởi cảm xúc của một người nghệ sỹ, của các tiểu thư khuê các theo học âm nhạc bác học thời bấy giờ, âm nhạc là một thứ quá cao quý để rồi sau khi lao theo ngần ấy năm, lại không có cơ hội đem kiến thức, tài năng của mình ra để phục vụ.
Tuy nhiên khác với nhiều người, tôi thấy không nên thất vọng với bản thân trong khi còn rất nhiều cách đế cống hiến cho xã hội. Học piano ra đâu cứ nhất thiết phải trở thành nghệ sỹ piano, tôi tâm niệm làm gì cũng được, miễn là làm nghệ thuật, được cháy hết mình với đam mê của bản thân.
Khi đó tôi may mắn hơn các bạn rất nhiểu bởi ngoài chơi đàn, tôi còn đóng phim, biểu diễn thời trang, làm MC, đi hát… và có cơ hội mở cửa hàng sơn mài mỹ nghệ với người dì ruột trên đường Đồng Khởi. Đó là bước ngoặt lớn của tôi khi chuyển từ nghệ thuật sang một hướng đi hoàn toàn không nghĩ đến, đó là làm kinh doanh’.
Hoàn thiện mình để nắm bắt cơ hội mới
Giáng Mi làm được quá nhiều thứ, chị có quá nhiều khả năng mà bất cứ khả năng nào chị cũng vận dụng nó một cách tốt nhất. Bởi với Giáng Mi, không phải bạn giỏi bao nhiêu, mà là bạn nắm bắt thời cơ như thế nào. Người phụ nữ này kể những thứ mình có thể làm được một cách bình thản như thế chị sinh ra là để như thế, chứ không phải chị cố gắng lấy những điều đó ra để ‘thị uy’ thiên hạ rằng tôi rất có tài:
‘Sau khi tham gia các bộ phim trong thị trường khu vực, các cơ hội hợp tác với nước ngoài lần lượt đến với tôi. Được mời gần mười năm làm giám khảo Miss Universe tại Thái Lan, sau đó tập đoàn Kathana có phỏng vấn và mời tôi làm trưởng đại diện của họ tại Việt nam. Đây chính là dấu mốc tôi đến với truyền thông và cho đến giờ cũng được 14 năm'.
Tham gia các lĩnh vực hoàn toàn khác nhau khiến nhiều người có thể cảm thấy khó hiểu, liệu có phải bằng cách này hay cách khác mà Giáng Mi tiến xa như thế. Nhưng với Giáng Mi, tất cả mọi thứ chị học được đều hỗ trợ rất nhiều trong công việc:
|
Ví dụ như khi còn trong trường tôi được học tiếng Nga, nhưng sau đó cảm giác tiếng Nga không giúp được mình nhiều sau này nên tôi tìm cách học tiếng Anh.
Đến khi sang Trung Quốc đóng phim, không phải diễn viên nào của họ cũng nói được tiếng Anh nên tôi lại cặm cụi đi học tiếng Trung Quốc để xích lại gần bạn diễn hơn, hiểu rõ nhau và nắm bắt được ý đồ đạo diễn hơn.
Sau này khi có cơ hội làm việc tại Thái, tôi lại tiếp tục coi ngôn ngữ này như là điều kiện tiên quyết để có thể làm việc tại đây. Mỗi lần học một thứ tiếng, tôi coi đó như một lần leo núi mà mình phải chiến thắng chính bản thân mình.
Chưa cần biết mục tiêu cao đến đâu, nhưng chỉ cần toàn tâm toàn ý thực hiện thì bạn đã nắm chắc 50% thành công cho mình. Tôi không cho đó là mệt mỏi, mà tôi thấy thú vụ khi được bổ sung kiến thức, nếu không sử dụng được trong công việc thì cũng giúp hoàn thiện con người tôi, cho tôi sự tự tin.
Quan trọng hơn, khi bạn có kiến thức tổng hợp bạn mới làm được truyền thông. Truyền thông luôn thay đổi liên tục và bạn phải đáp ứng được nhu cầu đó. Trong những talkshow của mình, tôi có thể vừa nấu ăn, vừa hát, vừa chơi đàn, vừa nói chuyện những câu chuyện của phụ nữ. Đó là điều làm nên sự khác biệt của những talkshow đóng mác Giáng Mi’.
Năm 2006, chắc hẳn nhiều người vẫn nhớ Mi’s show, đó là talkshow đầu tiên phát sóng 60 phút mỗi ngày lúc bấy giờ dành cho phụ nữ. Giáng Mi luôn tìm tòi, luôn muốn đem những điều mới lạ về Việt Nam, và Mi’s show là một trong những thành công của chị:
‘Cho đến giờ phút này, tôi vẫn tự hào về Mi’s show. Một tuần có một ngày chúng tôi gọi là ngày ‘Họ sống cạnh chúng ta’ và toàn bộ số tiền thu được đều đưa vào quỹ từ thiện. Từ truyền thông tôi đã giúp đỡ được rất nhiều những hoàn cảnh éo le, từ trái tim đến thẳng trái tim khó khăn đó không qua bất cứ tổ chức từ thiện nào.
Trong sáu tháng của Mi’s show, tiền nhiều hay ít tôi không nói đến, nhưng ít nhất tôi góp được những hạt cát để xây nên tổ ấm che chở cho những mảnh đời bất hạnh. Tôi không phải là người quá mơ mộng ảo tưởng để nghĩ mình sẽ thay đổi cả thế giới. Tôi chỉ làm những việc trong khả năng, nhưng cần mẫn như con kiến tha lâu cũng đầy tổ, đó mới là phong cách của tôi’.
Giáng Mi trong công việc thiện nguyện là thế, chị muốn tự mình làm, muốn những chia sẻ được đến thẳng những hoàn cảnh khó khăn. Bởi trong thời buổi vàng thau lẫn lộn, các tổ chức thì nhiều mà tiền đến được đúng nơi cần đến thì ít.
Không quy chụp cũng chẳng đánh giá việc làm đó, đơn giản là Giáng Mi không muốn tên tuổi của mình được đưa ra để thu hút các mạnh thường quân nhưng rồi những đóng góp đi đến đâu thì không ai hay: ‘Bây giờ, khi một tổ chức nói với tôi sắp làm từ thiện thì tôi thấy hơi sợ.
Bởi thước đây trong Mi’s show, khi anh muốn người ta đóng góp, anh phải cho người ta thấy tiền của họ sẽ đi đến đâu. Còn bây giờ có nhiều chương trình hoành tráng nhưng lại không có ngày trao tiền, chẳng ai hay số tiền đó sẽ đi về đâu. Tự nhiên tôi cảm thấy sợ hãi vì không thể chấp nhận được khi anh lạm dụng người nghèo, trục lợi trên những mảnh đời bất hạnh.
Hiếu Cao
Bình luận