Người tiêu dùng nhiều ngày qua bức xúc phản ánh hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 5 (chốt công tơ từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 6).
Số liệu của EVN cũng cho thấy, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Ngoài số ít trường hợp tăng quá khủng đã được xác định là do nhầm lẫn hóa đơn, còn lại những trường hợp khác đều được ngành điện lý giải nguyên nhân là do nắng nóng gay gắt kéo dài, công suất sử dụng điện tăng mạnh.
Nhưng lời giải thích này dường như không giải tỏa được những nghi vấn của nhiều người tiêu dùng. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra về điệp khúc "tiền điện tăng do nắng nóng" thường xuyên xảy ra hàng năm.
Nhiều người thắc mắc, hàng năm cứ vào dịp nắng nóng, tiền điện của không ít hộ gia đình lại tăng đột biến gấp nhiều lần so với các tháng trước đó. Là người tiêu dùng, người dân chắc chắn có thể hiểu được quy luật “dùng nhiều, trả nhiều” nhưng tiền điện tăng đến nhiều lần, thậm chí là cả chục lần thì không thể không nghi vấn. Hơn nữa, hàng loạt sự việc ghi nhầm hóa đơn tiền điện lên tới vài chục triệu đồng vừa qua làm dấy lên nghi ngờ: hóa đơn tiền điện hàng tháng có thực sự chính xác, minh bạch?
"Nếu hóa đơn tiền điện ghi nhầm tới vài triệu đồng hay chục triệu đồng thì người dân còn dễ phát hiện và khiếu nại, còn nếu chỉ chênh lệch vài chục, vài trăm nghìn đồng, người dân sẽ dựa vào đâu để xác thực đúng sai? Thậm chí, không ít người nếu có thấy nghi ngờ cũng chỉ bỏ qua vì việc đi khiếu nại thường rất phức tạp. Vậy, có gì để đảm bảo những tờ hóa đơn tiền điện đưa đến từng nhà hàng tháng là chuẩn xác 100%?", anh Trọng Kiên ở Hoàng Mai, Hà Nội nói.
Theo anh Kiên, việc ghi sai số điện có thể do sơ suất của người ghi chỉ số công tơ. Nhưng nếu không có sự kiểm soát lại thì ngành điện sẽ còn cho ra những hóa đơn thiếu chính xác như thế. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm của ngành điện, khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi.
Từ thực tế này, nhiều người thậm chí còn có nghi vấn nhân viên điện lực có thể cố tình chốt sai số công tơ điện, đẩy số dư thừa sang tháng cao điểm. Khi tháng sau cộng dồn vào, rất có thể người dân phải trả tiền theo mức tiêu thụ điện bậc cao hơn.
"Đi mua xăng, mua hàng hóa mình còn có thể kiểm tra nhưng tiền điện thì không biết phải kiểm tra thế nào. Tuy có đồng hồ nhưng ngành điện chốt ngày nào, giờ nào...người dân đều rất khó kiểm soát", chị Thu Hiền ở Hà Đông, Hà Nội thắc mắc.
Cùng quan điểm này, chị Thanh Lan ở Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng việc ghi số điện của mỗi hộ dân mà EVN đang thực hiện còn nhiều điểm bất hợp lý.
Thứ nhất, trong trường hợp nhân viên đọc công tơ ghi chỉ số điện sớm hơn hoặc lệch ngày giữa các tháng, thì một phần tiền điện tháng trước (lẽ ra ở bậc thang thấp) sẽ bị tính vào tháng sau (ở bậc thang cao hơn).
Thứ 2, nhân viên thu tiền điện ghi chỉ số công tơ ít hơn, tháng tiếp theo ghi đúng. Số tiền điện ghi thiếu của tháng trước cũng sẽ chuyển sang bậc thang cao hơn của tháng sau.
"Tại sao EVN không ấn định và thông báo rộng rãi ngày ghi số điện của người dân vào một ngày cụ thể, đồng thời báo cho hộ dân cùng giám sát?", chị Lan nói.
Ngoài cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của nhân viên EVN thì cách tính điện bậc thang cũng bị coi là một trong những nguyên nhân chính khiến hóa đơn điện luôn tăng đột biến mỗi khi nắng nóng.
Nhiều chuyên gia từng phân tích, hiện biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt đang chia thành 6 bậc thang. Nhưng trong khi không có sự khác biệt nhiều giữa giá bậc 1 (0-50 kWh) và bậc 2 (50-100 kWh), chỉ chênh 56 đồng một kWh, thì "bước nhảy" giá ở các bậc cao hơn lại rất lớn.
Như vậy, người dùng ở hai bậc thang đầu (dưới 100 kWh) được hưởng giá thấp; dùng ở mức trung bình 200-300 kWh phải chịu mức cao hơn và nhóm khách hàng dùng trên 400 kWh – được coi là nhóm người giàu, trả tiền cao nhất. Nhưng xét ở mức chênh lệch giá giữa các bậc thì bậc 1 và 2 chênh nhau 56 đồng một kWh, còn các bậc 3, 4 và 5 mức chênh khá lớn. Giá điện ở bậc 4 cao hơn bậc 3 là 522 đồng, trong khi bậc 6 cao nhất chỉ chênh với bậc liền kề trước đó 93 đồng một kWh.
Chính bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý này sẽ dẫn tới mức tính tiền điện luỹ tiến không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện của các hộ gia đình.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc tính giá điện bậc thang không chỉ áp dụng ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang áp dụng. Cách tính này hướng tới mục đích giúp người dân hạn chế sử dụng điện quá mức và hỗ trợ những người nghèo người có thu nhập thấp, do đó vẫn có những ưu thế nhất định.
Trước nghi vấn có thể có nhiều hộ dân bị tính sai tiền điện nhưng do sai số nhỏ nên không dễ phát hiện, ông Phong cho rằng về mặt logic là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng hiện tại chưa có những thống kê cụ thể về con số sai sót này.
"Để giảm thiểu những sai sót này thì việc sử dụng công tơ điện tử thông minh là cần thiết. Việc thay thế toàn bộ các công tơ điện tử sẽ tốn kém không ít nhưng đây là việc nên làm để người dân không còn nghi vấn về việc sai số trên công tơ, cũng là cơ sở để minh bạch việc tính toán tiền điện", ông Phong nêu ý kiến.
TS Phùng Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Thiết bị điện - điện tử Viện Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho biết công tơ điện luôn luôn có sai số nhưng rất nhỏ, trong phạm vi cho phép và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận kiểm định.
“Về nguyên tắc, công tơ điện do cơ quan điện lực lắp cho khách hàng theo hợp đồng mua bán đều phải đảm bảo tiêu chuẩn về đo lường chất lượng, có dán tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định. Sai số có thể âm hoặc dương, nhưng rất nhỏ và nằm trong giới hạn cho phép”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nếu khách hàng nghi ngờ công tơ của mình sai do đo đếm có thể yêu cầu đơn vị kinh doanh điện kiểm tra để đảm bảo công bằng trong việc mua bán điện.
Trước hàng loạt sự cố ghi nhầm hóa đơn tiền điện ở nhiều địa phương, mới đây, EVN cho biết sẽ lập đoàn kiểm tra, xác minh việc hoá đơn tiền điện tăng vọt vừa qua. Đoàn công tác sẽ gồm các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Hội Bảo vệ người tiêu dùng.
EVN cũng yêu cầu kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ; Thực hiện nghiêm túc việc phúc tra 100% cho khách hàng có lượng điện sử dụng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước.
Với các trường hợp phát hiện sai sót phải xử lý hóa đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định, phải có thông báo cụ thể và biên bản làm việc với khách hàng.
Với công tơ điện, EVN cho biết đang thực hiện tiêu chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng.
Về việc thu thập dữ liệu về chỉ số tiêu thụ điện, EVN cũng cho hay, lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát. Việc thực hiện hoàn toàn tự động và từ xa đối với các công tơ điện tử. Công tơ cơ được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt định mức, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường.
"Một số sai sót về việc ghi chỉ số tiêu thụ điện trong thời gian qua là sai sót cá nhân. Hệ thống phần mềm quản lý chỉ số điện năng của EVN hoạt động bình thường, hiệu quả, góp phần giảm thiểu sự sai sót và can thiệp của con người", EVN khẳng định.
Bình luận