Hoà Bình: Tăng tốc chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Chuyển đổi sốThứ Sáu, 24/11/2023 18:00:00 +07:00
(VTC News) -

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp mang lại những thay đổi to lớn về thị phần, thúc đẩy tăng trưởng, tạo xu hướng mới trong sản xuất, kinh doanh.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, bên cạnh Chính phủ số và xã hội số, kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột quan trọng trong công cuộc CĐS quốc gia.

Để kinh tế số phát triển bền vững thì CĐS trong doanh nghiệp (DN) là yếu tố then chốt. Thực hiện tinh thần đó, ngày 24/12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hoà Bình ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về CĐS tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 785/QĐ-UBND, ngày 22/4/2022 ban hành Đề án "CĐS tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” và nhiều chương trình, kế hoạch triển khai chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin với nhiều mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể được đề ra, giao các cơ quan, đơn vị và địa phương triển khai thực hiện.

Trong đó, định hướng đến năm 2025 kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.

Hoà Bình đẩy mạnh chuyển đổi số.

Hoà Bình đẩy mạnh chuyển đổi số.

Chương trình hành động số 49/Ctr-UBND, ngày 21/3/2022 của UBND tỉnh về xác định Chỉ số đánh giá mức độ CĐS DN và hỗ trợ DN CĐS trên địa bàn tỉnh có mục tiêu đẩy nhanh việc CĐS của các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thông qua Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ CĐS DN của Bộ trưởng Bộ TT&TT.

Áp dụng Bộ chỉ số CĐS DN để đánh giá rộng rãi các DN trên toàn tỉnh nhằm mục tiêu kép: vừa giúp từng DN xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình CĐS để có lộ trình, kế hoạch, giải pháp CĐS phù hợp, giúp DN phát triển nhanh, mạnh hơn; vừa tạo được bức tranh tổng thể về CĐS DN, phát triển DN số trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn phục vụ công tác quản lý và chiến lược phát triển DN trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Hoà Bình đã phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ CĐS của DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ (SMEs), hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh (SX-KD) thuộc mọi thành phần kinh tế, trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn trên toàn tỉnh, với các quy mô khác nhau có nhu cầu CĐS để nâng cao hiệu quả SX-KD, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Tuy nhiên, quá trình CĐS của DN trong  tỉnh thời gian qua gặp khó khăn do nguồn lực đầu tư cho phát triển SX-KD còn hạn chế. Hoạt động CĐS là lĩnh vực mới nên nhận thức của DN trên địa bàn chưa thật sự sâu sắc; các DN chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng các nền tảng số, giải pháp công nghệ mới trong SX-KD.

Tại Hội thảo "Thúc đẩy CĐS DN tỉnh Hòa Bình năm 2023” vừa được Sở TT&TT phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh tổ chức mới đây bước đầu giúp DN có nhận thức về tầm quan trọng của CĐS trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ vào quản trị, tổ chức SX-KD, phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Thúc đẩy các DN công nghệ có nền tảng số phục vụ CĐS DN xúc tiến nhiều hơn nữa các chương trình hỗ trợ DN CĐS một cách thiết thực, hiệu quả, cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân và DN trên địa bàn tỉnh.

Qua đó tạo không gian trao đổi, chia sẻ và trải nghiệm thực tế các giải pháp, nền tảng công nghệ số phục vụ trong hoạt động quản lý, SX-KD cho các DN trong tỉnh. Các DN có cơ hội tiếp cận các giải pháp công nghệ số, các chuyên gia về công nghệ để được tư vấn, trải nghiệm và lựa chọn phương pháp, lộ trình cũng như các giải pháp công nghệ số phù hợp nhằm nâng cao năng lực quản lý, tối ưu hoá sản xuất, mở rộng thị trường và tạo ra nhiều giá trị mới.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ CĐS tỉnh nhấn mạnh, CĐS là một hành trình không có điểm dừng, DN phải không ngừng cập nhật, đổi mới, cải tiến và chấp nhận cái mới để bắt kịp xu hướng thời đại. Do đó, lãnh đạo DN cần có tư duy đột phá, chiến lược dài hạn cho quá trình CĐS trong mọi hoạt động, bao gồm cả quản lý, SX-KD và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quá trình CĐS gồm ba yếu tố chính: Nhận thức, kỹ năng và công nghệ. Cả ba yếu tố này đều xoay quanh nền tảng số. UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, các cấp chính quyền đồng hành, hỗ trợ DN đẩy mạnh CĐS, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở ra các mô hình kinh doanh mới, giá trị kinh tế mới. Qua đó thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị về CĐS, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh trong thời gian tới.

Để thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, với vai trong là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, Sở TT&TT đề nghị: Đối với các cơ quan nhà nước, cần tăng cường công tác phối hợp với Sở TT&TT nhằm triển khai hiệu quả các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về CĐS cho DN; tạo môi trường giúp các DN quảng bá sản phẩm và xây dựng gian hàng trực tuyến thông qua các nền tảng số ưu việt để người tiêu dùng trải nghiệm; từng bước xây dựng thói quen cho người tiêu dùng về kỹ năng số trong mua bán, giao dịch hàng hóa sản phẩm.

Tổ chức kết nối các DN nền tảng số, DN thương mại điện tử với DN sản xuất theo từng ngành hàng để tạo thêm các chuỗi liên kết mới; từng bước tư vấn, hỗ trợ DN triển khai ứng dụng 35 nền tảng số quốc gia phục vụ CĐS, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã được Bộ TT&TT ban hành theo Quyết định số 186/QĐ-BTTTT, ngày 11/02/2022. 

Đối với cộng đồng DN của tỉnh, người đứng đầu cần hiểu rõ bản chất, nhu cầu CĐS cho DN của mình; chủ động tiếp cận các đơn vị triển khai các giải pháp, nền tảng công nghệ số để được tư vấn, trải nghiệm và lựa chọn lộ trình, giải pháp công nghệ số phù hợp; thay đổi quy trình sản xuất, tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, sáng tạo ra mô hình sản xuất mới hiệu quả hơn và từng bước chuyển dịch sang phương thức sản xuất mới. 

Đối với các DN nền tảng, công nghệ số, cần ưu đãi, hỗ trợ DN khởi nghiệp phát triển và khuyến khích các DN lớn, truyền thống đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất thương mại. Tăng cường xây dựng hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm thúc đẩy CĐS DN; đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa các hiệp hội thuộc các ngành khác nhau để tranh thủ sự hỗ trợ, giới thiệu, chia sẻ bài học và kinh nghiệm của DN khi thực hiện CĐS trên thế giới và trong nước.

Hiệp hội DN tỉnh là tổ chức đại diện cho cộng đồng DN để tập hợp, đoàn kết, kết nối, hỗ trợ các DN; là cầu nối giữa DN với cấp ủy, chính quyền và các ngành, các địa phương trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tập hợp những kiến nghị, đề xuất, phản ánh. Đảm nhiệm tốt vai trò là cầu nối, gắn kết các DN trong tỉnh, truyền tải các văn bản về đường lối, chính sách pháp luật đến với DN một cách kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của DN trong chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh.

Hương Lan
Bình luận
vtcnews.vn