Liên quan đến sự việc nữ tạp vụ được “hô biến” thành bác sĩ khám bệnh cho công nhân ở Bình Dương, theo luật sư Huỳnh Trung Hiếu (Trưởng Văn phòng luật sư Nhật Bình, TP.HCM), hành vi của bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Ban giám đốc Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường không đủ để cấu thành tội hình sự.
Cụ thể, theo khoản 2, Điều 6 Luật khám, chữa bệnh 2009: Cấm khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động...
Ngoài ra theo Điều 17 Luật khám, chữa bệnh 2009, có 6 đối tượng phải xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh gồm: Y bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, lương y và người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Như vậy, để được hành nghề khám chữa bệnh, những đối tượng trên phải có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, đồng thời phải trải qua thời gian thực hành tại bệnh viện, hoặc cơ sở y tế phù hợp với chức danh chuyên môn và nếu đủ điều kiện mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Cũng theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, những người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.
“Trường hợp này việc khám chữa bệnh vẫn chưa để lại hậu quả nghiêm trọng nên sẽ chỉ bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật những người có liên quan”, Luật sư Hiếu cho biết.
Ngoài ra, trong trường hợp xác định có xảy ra sai sót chuyên môn, kỹ thuật thì người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường thiệt hại theo Điều 76 Luật Khám bệnh chữa bệnh và Điều 591 Bộ Luật Dân sự 2015.
Với Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương để bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nhân viên tạp vụ nhưng được phân công công việc khám bệnh như một bác sĩ sẽ bị xử phạt theo điểm b, khoản 4, Điều 29 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Cụ thể, đơn vị này sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng do sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề.
Thậm chí, Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương còn có thể bị xử lý bằng hình phạt bổ sung được quy định tại điểm a, khoản 7, Điều 29 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP, cụ thể: “Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3, Điểm b Khoản 4, Điểm b Khoản 5, Điểm b và Điểm c Khoản 6 Điều này”.
Ngày 5/12, Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường tỉnh Bình Dương thực hiện khám bệnh cho một công ty tại Bình Dương. Lúc này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - tạp vụ của Trung tâm được bố trì vào vi trí đo cân nặng, chiều cao, đo huyết áp cho công nhân. Bà Ngân cho biết áo blouse bà mặc được một bác sĩ trong trung tâm cho.
Ngày 19/12, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ Y tế và UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở Y tế Bình Dương làm rõ vụ việc trên, xử lý nghiêm nếu phát hiện có sai phạm.
Bình luận