(VTC News) – Địa phương hỗ trợ gạo để người dân “quay lưng” với gạo mốc, tổ chức thi sớm để tránh bệnh; còn Bộ Y tế đang chuẩn bị tung thêm lực lượng vào vùng dịch...
Cấp gạo trắng để dân “quay lưng” với gạo mốc
Chiều 3/5, ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), cho biết đã hoàn thành phương án hỗ trợ gạo cho nhân dân xã Ba Điền - điểm nóng “bệnh lạ”.
Theo đó, trong đợt đầu, huyện sẽ phân bổ 60 tấn gạo cho người dân toàn xã (bình quân 15kg/người) để ăn thay cho gạo ủ - loại lương thực truyền thống của người dân H’rê - bị cho là gạo mốc và đang nghi ngờ là tác nhân gây ra “bệnh lạ”.
Liệu người dân H'rê có chịu "quay lưng" với gạo mốc, loại lương thực truyền thống của họ. Và liệu đây có phải là tác nhân gây ra "bệnh lạ"?
Ông Phong cũng cho biết, Quỹ cứu trợ của Trung ương vừa chuyển 1 tỷ đồng để giúp người dân vùng bị bệnh và Quỹ Cứu trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng hỗ trợ cho mỗi gia đình có người bị bệnh 2 triệu đồng, thân nhân người chết 4,5 triệu đồng.
>>Những căn bệnh lạ lùng nhất trên thế giới
“Huyện đã cử 5 đoàn công tác về xã Ba Điền để triển khai và kiểm tra việc cấp phát lương thực, tiền cho người dân; đồng thời động viên các gia đình có người bị bệnh đến các cơ sở y tế để chữa bệnh”, ông Phong nói.
Theo thống kê của địa phương thì cho đến nay đã có trên dưới 20 đoàn làm việc của các ban ngành, nhất là của ngành Y tế đã về điểm nóng “bệnh lạ” để giúp địa phương tìm nguyên nhân và cách chữa trị căn bệnh quái ác này.
Giáo dục tìm cách "sống chung" với dịch bệnh
Cũng liên quan đến vấn đề “bệnh lạ”, bà Đinh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ cho biết, thời gian qua, phòng thường xuyên về các trường đặc biệt là Trường Tiểu học – THCS Ba Điền, nơi điểm nóng “bệnh lạ” để nắm tình hình cũng như đề xuất để nhà trường linh động trong công tác giảng dạy, có thể tổ chức cho học sinh thi sớm hơn kế hoạch để tránh bệnh.
Bên cạnh nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh và vận động học sinh trở lại lớp sau khi khỏi bệnh, trường cần điều chỉnh số tiết học của các môn sao cho phù hợp với tình trạng học sinh nghỉ học nhiều.
Ngành giáo dục địa phương cũng phải tìm cách "sống chung" với dịch bệnh
Thầy Nguyễn Văn Dương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Ba Điền cho biết, hiện trường có 168 học sinh, được chia thành 5 lớp tiểu học và 4 lớp THCS. Tuy nhiên, từ đầu năm học 2011-2012 đến nay đã có 29 học sinh mắc bệnh viêm dày sừng, phải nghỉ học giữa chừng. Trong đó có 8 học sinh tử vong và 9 em đang nằm điều trị tại các cơ sở y tế của địa phương và khu vực.
Được sự nhất trí của phòng giáo dục huyện, cuối tuần này, trường sẽ tổ chức cho các em thi, với thời gian kéo dài từ 5-7 ngày, thay vì tổ chức thi học kỳ II vào ngày 14/5 như kế hoạch chung. Nếu sĩ số học sinh không đủ, trường phải chủ động cho các em kiểm tra bù, đảm bảo kịp chương trình dạy học.
Ngành y tế tiếp tục tung lực lượng vào ổ dịch
Chiều cùng ngày, Bộ Y tế đã tổ chức họp trực tuyến với Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn, Bệnh viện Phong – Da liễu TW Quy Hòa, Viện Paster TPHCM, Sở Y tế và Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Quảng Ngãi để thống nhất phương án nghiên cứu nguyên nhân cũng như phác đồ điều trị “bệnh lạ” ở tỉnh Quảng Ngãi.
>> Những căn bệnh lạ lùng nhất trên thế giới
Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết đã hoàn thành phác đồ mới để điều trị “bệnh lạ” và đang xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho các y bác sỹ của tỉnh Quảng Ngãi.
Với lực lượng hùng hậu của ngành y tế liên tục được tung vào vùng dịch, nguyên nhân "bệnh lạ" sẽ được tìm ra?
Trước mắt, những bệnh nhân bị biến chứng suy gan, thận sẽ tập trung điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng, số còn lại điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi và Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, ngành y tế cần triển khai ngay các biện pháp nhằm hạn chế số bệnh nhân tử vong và số ca mắc mới.
Người đứng đầu ngành Y tế cũng cho biết, bắt đầu từ ngày 8/5, Bộ sẽ cử một đoàn công tác hùng hậu thuộc Cục Y tế Dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vào vùng dịch nghiên cứu, điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm để điều tra nguyên nhân và tìm cách điều trị “bệnh lạ”.
Theo thống kê, đến cuối ngày 3/5, toàn huyện Ba Tơ đã ghi nhận 180 trường hợp mắc “bệnh lạ”, tăng 1 trường hợp, trong đó xã Ba Điền có 170 trường hợp, 19 trường hợp đã tử vong.
Nghĩa Bình
Bình luận