Không thể quay hình, buộc lòng phải tạm dừng chương trình, thậm chí dừng hẳn chương trình, gây thiệt hại không nhỏ cho nhà sản xuất.
Đài truyền hình Việt Nam và công ty Vietcom quyết định dừng phát sóng chương trình “Nhóm nhảy siêu Việt” trong khung giờ 20h thứ bảy trên VTV3 từ ngày 10/7. Đây là cuộc thi đầu tiên dành cho các biên đạo và nhóm nhảy lên sóng VTV3 vào tháng 5/2021. Nguyên nhân do trong thời gian này, Thành Phố Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên chương trình không thể quay hình các số phát sóng tiếp theo.
Được biết, chương trình này gồm 12 tập phát sóng. Tuy nhiên, đến thời điểm dừng phát sóng, chương trình mới quay được 6 tập, tức 50% chương trình. Trước thông tin dừng phát sóng vì lý do bất khả kháng, các đội thi bày tỏ sự tiếc nuối. Phía nhà sản xuất Vietcom cũng chưa đưa ra được thời điểm tổ chức mùa 2 cũng như những thông tin liên quan.
Cũng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, đoàn phim “Bánh mỳ ông Màu” phần 2 không thể tiếp tục quay hình để kịp tiến độ phát sóng. Phim tạm ngừng phát sóng, nhưng đến nay cũng chưa xác định được thời điểm phát tiếp là khi nào.
Game shoow "Siêu tài năng nhí" mùa 2 sau gần 2 tháng phát sóng với 10 tập đã giới thiệu đến khán giả truyền hình những thí sinh nhí vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chương trình này cũng đang tạm dừng phát sóng ở tập 10.
Tạm dừng phát sóng, dừng phát sóng hay dời thời gian phát sóng các chương trình, bộ phim truyền hình, khiến các nhà sản xuất và nhà đài gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp các chương trình tiếp theo để lấp sóng, phục vụ nhu cầu giải trí của khán, thính giả trong mùa dịch.
Theo bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc công ty truyền thông SinhVisit, đến thời điểm này, các doanh nghiệp truyền thông làm truyền hình vẫn thực sự gặp khó khăn. Khó khăn vì dịch bệnh là nguyên nhân chính, các doanh nghiệp hạn chế về kinh phí là một nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân khác, sâu xa hơn là các diễn viên, đạo diễn và cả đoàn làm phim không thể tụ tập đồng người. Điều này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ sản xuất, ảnh hưởng đến hợp đồng đã ký kết và thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất các chương trình truyền hình với các đối tác.
Mặc dù đây là khó khăn chung, các doanh nghiệp đối tác cũng có sự chia sẻ, cảm thông, nhưng với doanh nghiệp xản xuất các chương trình truyền hình không thể mãi im lặng, không sản xuất được.
“Trước những khó khăn đã và đang diễn ra, ngoài việc các doanh nghiệp truyền thông sản xuất các chương trình truyền hình mong muốn các cơ quan chức năng, Bộ Thông tin và Truyền thông có chính sách hỗ trợ cả về chơ chế, điều kiện làm việc đảm bảo, cả về kinh tế để các đơn vị này có thể duy trì hoạt đông sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu thưởng thức các chương trình giải trí, nhất là thời gian đang ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19”, bà Sinh nói.
Cũng đề xuất ý kiến của mình, ông Lưu Ngọc Khánh, Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông đa phương tiện Nhân Hòa, một đơn vị sản xuất các chương trình du lịch dã ngoại mong muốn:
“Các cơ quan chức năng sớm có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp làm truyền thông cả về chính sách kinh tế, miễn, giảm, giảm thuế, đồng thời hỗ trợ về cơ sở vật chất cũng như đào tạo nâng cao trình độ cho nhân sự cho doanh nghiệp trong thời gian đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp”, ông Khánh nói.
Trước bối cảnh khó khăn của các doanh nghiệp truyền thông làm truyền hình, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết, đã đề xuất với lãnh đạo thành phố có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này về đào tạo nâng cao năng lực quản lý, công tác chuyên môn, miễn hoặc giảm thuế… Nếu các doanh nghiệp gặp khó khăn với đối tác, sở sẽ có phương án hỗ trợ để có tác động chung.
“Việc đề xuất là một chuyện, còn xem xét, hỗ trợ như thế nào, hỗ trợ đến đâu thì lãnh đạo thành phố đang xem xét. Vì hiện tại Thành Phố đang có nhiều việc phải giải quyết, trong đó có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng đang rơi vào khó khăn”, vị đại diện này nói.
Bình luận