Tài chính

Hỗ trợ 2% lãi suất giải ngân nhỏ giọt: Doanh nghiệp kêu khó như 'leo cột mỡ'

Thứ Ba, 25/10/2022 13:35:00 +07:00

(VTC News) - Gói hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh lãi suất ưu đãi 2% từ nguồn 40.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước nhưng sau hơn 3 tháng mới giải ngân 13,5 tỷ đồng.

Hỗ trợ 2% lãi suất giải ngân nhỏ giọt: Doanh nghiệp kêu khó như 'leo cột mỡ' - 1

 

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát với thương hiệu xe Sao Việt đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, trước đây doanh nghiệp có hơn 50 đầu xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sapa. Hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19, giãn cách xã hội, rồi tiếp đến giá xăng dầu tăng cao kỷ lục đã đẩy doanh nghiệp vào cảnh điêu đứng, thậm chí có thời điểm tưởng chừng phá sản. Để duy trì hoạt động, doanh nghiệp phải bán gần 20 đầu xe nhằm chi trả lương, thu nhập cho người lao động và cắt giảm phương tiện.

Sang đầu tháng 5, giá xăng diễn biến tích cực khi liên tiếp giảm, cộng với việc Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Minh Thành Phát kỳ vọng sẽ tiếp cận được nguồn vốn để phục hồi. Tuy nhiên, mọi dự tính không như mong đợi.

Chúng tôi coi gói hỗ trợ 2% lãi suất như một chiếc phao để bám vào trong giai đoạn còn nhiều khó khăn bủa vây. Vậy nhưng, dù đã cố gắng, chúng tôi vẫn không thể nào tiếp cận được, thậm chí hiện ngân hàng còn thông báo tăng lãi suất cho vay”, ông Bằng nói.

Nguyên nhân khó vay vốn ưu đãi, theo ông Bằng là do những yêu cầu khắt khe về thủ tục khiến doanh nghiệp rất khó đáp ứng, mà cuối cùng không biết mình sẽ được vay bao nhiêu. Vì vậy đến nay doanh nghiệp này đành phải rút lui và tự xoay xở.

Hạn mức vay của doanh nghiệp vẫn còn, tài sản đảm bảo vẫn có, mỗi đầu xe chúng tôi mua trị giá 4 tỷ đồng, nếu vay được 70% thì cũng được 2,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi làm thủ tục vay vốn thì ngân hàng đưa ra nhiều lý do, trong đó quy định không cho các dự án dài hơn 12 tháng vay vốn, mà doanh nghiệp vận tải vay vốn đầu tư ít nhất là dự án trung và dài hạn, nghĩa là từ 24 tháng đến 72 tháng”, ông Bằng dẫn giải.

Cũng theo ông Bằng, trước đây doanh nghiệp được đánh giá ở mức 6 điểm là có thể vay vốn ưu đãi, nhưng nay doanh nghiệp dù có đạt đến 8 điểm vẫn phải xem xét. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp vận tải, phương tiện vận tải, bất động sản không được giải ngân trung và dài hạn, không nằm trong chủ trương ưu tiên cho vay vốn nên phải chờ.

Như vậy, dù doanh nghiệp của chúng tôi đủ hầu hết các điều kiện để được vay vốn ưu đãi nhưng vì vướng vào quy định về dự án trung và dài hạn nên không được tiếp cận. Nếu cứ vướng vào một trong các quy định thì coi như gói hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã vay vốn từ 40.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước chẳng khác nào “cơm để treo, còn mèo nhịn đói””, ông Bằng ví von.

Hỗ trợ 2% lãi suất giải ngân nhỏ giọt: Doanh nghiệp kêu khó như 'leo cột mỡ' - 2

 

Cũng nói về khó khăn khi vay vốn ưu đãi, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Cafatex (Hậu Giang) than: “Chúng tôi cần rất nhiều vốn để sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu nhưng không thể tiếp cận, dù tổng tài sản của doanh nghiệp lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp vẫn phải vay và chi trả theo lãi suất thương mại. Khi doanh nghiệp đề cập muốn tiếp cận vốn vay ưu đãi thì ngân hàng nói phải chờ. Chúng tôi không biết phải chờ đến bao giờ, trong khi vẫn phải chi trả tiền hàng, tiền nhân công, điện, nước và các chi phí khác”.

Lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải khác thì ví việc vay được vốn ưu đãi khó như "leo cột mỡ", nhất là với những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã...không có tài sản hoặc tài sản có giá trị thấp thì càng khó. Khoản 1 điều 4 của Nghị định 31 quy định khách hàng để được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo...Trong khi đó, qua 2 năm COVID-19, rất ít doanh nghiệp không có nợ xấu, chứ chưa nói tới việc có dòng tiền ổn định. "Giai đoạn này, doanh nghiệp nào không nợ mới là lạ. Anh phải có vốn để phục hồi thì mới tính đến việc trả được nợ xấu. Nhưng giờ lại phải không có nợ xấu mới được vay thì đúng là khó như lên trời", vị này nhận xét.

Ngay cả những doanh nghiệp được cấp vốn vay ưu đãi cũng chê ngân hàng giải ngân nhỏ giọt. Ông Lưu Ngọc Nam, Giám đốc Công ty cổ phần suất ăn Công nghiệp Hà Nội kể: “Dù đã trình đầy đủ kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, các hồ sơ, thủ tục, tài sản thế chấp đảm bảo để vay 4 tỷ đồng doanh nghiệp của tôi chỉ được ngân hàng xét duyệt cho vay được 300 triệu đồng. Trong lúc nước sôi, lửa bỏng cần gấp tiền để sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp chỉ còn cách vay bên ngoài”.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tiếp cận vốn đang là khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay. Thời gian qua, nhiều hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp có kiến nghị gửi đến VCCI cho rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần ưu tiên thúc đẩy gói hỗ trợ 2% lãi suất để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn. 

"Cần sớm làm rõ xem vướng mắc ở đâu để giải quyết kịp thời, có như thế chính sách mới giải ngân được", ông Công nhấn mạnh.

Hỗ trợ 2% lãi suất giải ngân nhỏ giọt: Doanh nghiệp kêu khó như 'leo cột mỡ' - 3

Hỗ trợ 2% lãi suất đang được giải ngân rất nhỏ giọt. (Ảnh minh họa).

Hỗ trợ 2% lãi suất giải ngân nhỏ giọt: Doanh nghiệp kêu khó như 'leo cột mỡ' - 4

 

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổ chức vào cuối tháng 8, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết mục tiêu của gói hỗ trợ 2% lãi suất là nhằm giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã giảm chi phí vốn và phục hồi sản xuất kinh doanh sau hơn 2 năm bị tác động bởi COVID-19.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đánh giá bước đầu kết quả triển khai chưa được nhiều. Báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8 khoảng 13,5 tỉ đồng.

Thừa nhận thực tế này, đại diện Ngân hàng BIDV cho biết, đến tháng 8/2022, mới hỗ trợ được 20 khách hàng doanh nghiệp với số tiền hỗ trợ lãi suất là 66 tỉ đồng. Đây là con số rất khiêm tốn so với kỳ vọng.

Nêu lý do số tiền hỗ trợ lãi suất còn quá thấp, đại diện các ngân hàng đều cho rằng điều kiện xét duyệt quá ngặt nghèo. Ví dụ, những hợp đồng ký kết trước ngày 1/1 năm nay không thuộc thời gian được hỗ trợ chính sách này. Hay những khách hàng là hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng không được hỗ trợ.

Ngoài ra, không ít doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ nhưng lại từ chối nhận vốn vay ưu đãi bởi e ngại sau này sẽ kiểm toán, thanh tra.

Mặt khác, nhiều khách hàng mong được ngân hàng cho vay tín chấp, chứ không muốn được hỗ trợ lãi suất. Bởi chịu tác động của đại dịch suốt 2 năm qua, khách vay, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn, cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng gần như là không có.

Vì thế, đại diện nhiều ngân hàng cho rằng, với quy định hiện hành, việc các ngân hàng giải ngân nhỏ giọt gói ưu đãi này là chuyện dễ hiểu.

Hỗ trợ 2% lãi suất giải ngân nhỏ giọt: Doanh nghiệp kêu khó như 'leo cột mỡ' - 5

 

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ, các ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan sớm kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách này.

Cụ thể, nên hỗ trợ lãi suất cả đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu. Thực tế, có những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thuộc nhóm ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng họ chỉ vay ngoại tệ.

Ngoài ra, với hộ kinh doanh, nên bỏ điều kiện phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Đây là đối tượng thực sự khó khăn và mong muốn được giảm lãi vay.

Bên cạnh đó, chính sách cũng cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể về khả năng phục hồi của khách hàng để các ngân hàng thương mại yên tâm triển khai cho vay và hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn tiền ngân sách nhà nước.

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tư nhân Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp không mặn mà với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% vì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục, lo ngại trách nhiệm thanh tra. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp chưa có tài sản bảo đảm; các hợp tác xã chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh đang là rào cản để được tiếp cận gói hỗ trợ.

Hỗ trợ 2% lãi suất giải ngân nhỏ giọt: Doanh nghiệp kêu khó như 'leo cột mỡ' - 6

 

Còn chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất nên tính đến các quy chế riêng về vay hỗ trợ lãi suất để ngân hàng không ngại ngần khi thực hiện. Tức là thay vì đòi hỏi khách vay phải có tài sản bảo đảm thì ngân hàng chú trọng theo dõi và kiểm soát dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải cung cấp kế hoạch kinh doanh cụ thể và trung thực để ngân hàng đánh giá đúng thực tế sản xuất, kinh doanh. Từ đó có kế hoạch giải ngân phù hợp.

Phạm Duy(thiết kế: Huy Mạnh)
Bình luận
vtcnews.vn