- Theo luật sư, việc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tổ chức rà soát lại hồ sơ ứng viên GS, PGS và sau đó Hội đồng Chức danh GS Nhà nước không công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS đối với 41 hồ sơ ứng viên, là dựa theo các quy định pháp luật nào?
Việc lập hồ sơ của các ứng viên, tiếp đến xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS tại các Hội đồng, cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS được thực hiện theo các văn bản pháp quy sau: (I) Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 174); (II) Thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT ngày 17/7/2009 của Bộ GD-ĐT, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 30/2012/TT-BGDĐT ngày 11/9/2012 của Bộ GD-ĐT (gọi tắt là Thông tư 16); Ngoài các Quyết định và Thông tư này, còn có thêm một số văn bản pháp quy khác liên quan.
- Qua rà soát, có 41 ứng viên tự rút hoặc hồ sơ được xác định không đạt tiêu chuẩn, chủ yếu với lý do “hồ sơ không bảo đảm sự chuẩn xác”. Vậy “sự chuẩn xác” của hồ sơ ứng viên được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào?
Khoản 4 Điều 12 Thông tư 16 quy định ứng viên phải tự chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác của hồ sơ, và phải cam đoan về việc khai báo trung thực, chính xác. Theo tôi, quy định này nhằm bảo đảm độ tin cậy và tính pháp lý của hồ sơ ứng viên, bởi vẫn theo Thông tư 16 thì hồ sơ này do ứng viên tự khai báo, xây dựng. Bên cạnh đó, tôi cho rằng quy định này cũng nhằm đề cao tính cẩn trọng và tính chính xác của ứng viên - những đức tính không thể thiếu của người làm công tác giáo dục/đào tạo và làm công tác nghiên cứu khoa học.
- Luật sư cho biết nếu hồ sơ ứng viên “không bảo đảm sự chuẩn xác” thì sẽ bị xử lý ra sao?
Quyết định 174 và Thông tư 16 quy định hồ sơ ứng viên chỉ nộp một lần, không có quy định nào về việc ứng viên được sửa chữa, bổ sung hồ sơ đã nộp. Điều này cho phép hiểu rằng nếu hồ sơ ứng viên có sai sót (khai báo không đầy đủ, thiếu minh bạch, có mâu thuẫn trong từng tài liệu hoặc giữa các tài liệu…), bị các Hội đồng hoặc cơ quan thanh tra/đoàn kiểm tra đánh giá là không chuẩn xác, ứng viên sẽ không có cơ hội để đính chính, sửa chữa hồ sơ đã nộp (họ chỉ được phép trình tài liệu gốc để đối chứng). Và vì vậy, nếu hồ sơ ứng viên bị đánh giá là không chuẩn xác, Hội đồng xét chức danh giáo sư, phó giáo sư sẽ có căn cứ để kết luận hồ sơ đó không đạt tiêu chuẩn để công nhận GS, PGS.
- Một số ứng viên được đánh giá có chuyên môn tốt (giỏi Anh ngữ, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc), song hồ sơ bị nhận định “không bảo đảm sự chuẩn xác” chỉ vì thiếu các minh chứng về thâm niên giảng dạy. Theo luật sư điều này có bảo đảm công bằng không?
Tôi được biết lỗi thiếu thâm niên giảng dạy chiếm đại đa số trong 41 hồ sơ lần này, và phần lớn rơi vào các ứng viên không trực tiếp công tác tại các cơ sở giáo dục đại học, chỉ tham gia giảng dạy theo chế độ thỉnh giảng. Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 và khoản 7 Điều 11 Thông tư 16, các minh chứng để xem xét, đánh giá thâm niên giảng dạy trong trường hợp ứng viên không trực tiếp công tác tại cơ sở giáo dục đại học gồm: (I) Hợp đồng thỉnh giảng; (II) Biên bản thanh lý Hợp đồng thỉnh giảng hoặc xác nhận, nhận xét kết quả đào tạo của Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học. Nếu hồ sơ ứng viên không đủ các tài liệu này, hoặc có nhưng không bảo đảm sự chuẩn xác (chẳng hạn việc thỉnh giảng diễn ra năm 2012 - 2013, nhưng Hợp đồng thỉnh giảng được lập năm 2017), hồ sơ đó sẽ bị xem là không đủ điều kiện công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Tôi cho rằng quy định này là công bằng, bởi việc phong giáo sư, phó giáo sư nhằm vinh danh những nhà giáo trực tiếp làm công tác giảng dạy nghiên cứu khoa học, chứ không nhằm vinh danh các đối tượng khác.
- Theo luật sư, những ai phải chịu trách nhiệm khi hồ sơ ứng viên bị kết luận là “không bảo đảm sự chuẩn xác”?
Trước hết, trách nhiệm thuộc về người khai báo là ứng viên, theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư 16. Tiếp đến, trách nhiệm thuộc về người xác nhận là Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học, theo khoản 3 Điều 10 Thông tư 16. Tiếp đến nữa, trách nhiệm thuộc về người thẩm định là Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 16.
Xin cám ơn luật sư về cuộc trao đổi này!
Video: Xử lý các cơ sở giáo dục công nhận sai số giờ giảng cho các ứng viên GS, PGS
Bình luận