• Zalo

Hồ sơ nguồn gốc cây 'quái thú' nghi bị làm giả: Kiểm lâm Huế lên tiếng

Thời sựThứ Năm, 05/04/2018 21:14:00 +07:00Google News

Liên quan đến nghi vấn hồ sơ gốc của 3 cây "quái thú" bị làm giả, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế) cho biết vẫn đang tiếp tục xác minh.

Liên quan đến cây 'quái thú' bị bỏ lại ven đường sau khi bị CSGT Huế xử phạt, chiều 5/4, trả lời PV VTC News, ông Đặng Văn Kiệm - Trưởng Phòng Thanh tra – Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, hiện đơn vị vẫn chưa xác minh xong hồ sơ của ba cây "quái thú" nên "chưa có thông tin gì".

Liên quan đến nghi vấn hồ sơ gốc của 3 cây "quái thú" bị làm giả, ông Kiệm cho biết, hiện cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế đang phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk xác minh tại địa phương nơi có các hộ dân khai thác các cây này.

"Việc có việc làm giả hồ sơ hay không thì Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk vẫn đang tiếp tục xác minh. Hiện cũng mới thấy báo chí đặt nghi vấn về việc làm giả hồ sơ chứ chưa có cơ quan chức năng nào nói như thế", ông Kiệm nói.

29995393_1715420275214686_904009158_o

 Đại diện Chi cục Kiểm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, chưa có cơ quan chắc năng nào nói hồ sơ của 3 gốc cây 'quái thú' bị làm giả. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Trước đó, ngày 4/4, một người đàn ông xưng tên Kiều Văn Chương (32 tuổi, trú tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) nhận là chủ của 3 cây "quái thú", đến cơ quan kiểm lâm làm việc và xuất trình 3 bộ hồ sơ của 3 cây nói trên.

Theo hồ sơ chứng minh nguồn gốc cây của ông Kiều Văn Chương, một cây được khai thác hợp pháp từ rẫy ông Phạm Đình Thướng (thôn 3, xã Ea Pi, huyện M’Đrắk), 2 cây được khai thác tại xã Ea Hồ (huyện Krông Năng).

Tuy nhiên, sau khi vào cuộc xác minh, Hạt Kiểm lâm Krông Năng xác định chỉ 1 trong 3 cây được khai thác hợp pháp, 2 cây còn lại khai báo khai thác tại xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) là không có thật.

Trả lời PV, ông Nguyễn Văn Tiếp - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Năng cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo từ lãnh đạo kiểm lâm tỉnh, đơn vị đã làm việc với bà H’Yô Na Byă (trú thôn 4, xã Ea Hồ), người được cho là chủ 2 cây đa sộp có đường kính 1,4m, cao 12m.

29994319_1715420351881345_1753087804_o

Có nghi vấn cho rằng, 2 trong số 3 cây 'quái thú' bị vất lại ven đường quốc lộ ở Huế bị làm giả hồ sơ. (Ảnh: Nguyễn Vương)

"Đơn vị đến gia đình bà H’Yô Na Byă để xác minh sự việc liên quan 2 cây đang bị tạm giữ, vì trước đó, có thông tin gia đình bà H’Yô Na Byă khai thác cây bán cho ông Đinh Công Quân (trú huyện Thạch Thất, Hà Nội) để đưa về một ngôi chùa ở Hà Nội.

Tuy nhiên, qua buổi làm việc với bà H’Yô Na Byă, không có cây đa nào được khai thác và vận chuyển thời gian trên. Sau khi ghi nhận sự việc, đơn vị sẽ báo cáo lại cấp lãnh đạo. Về việc có phải hồ sơ hai cây đa này bị làm giả hay không, vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định", ông Tiếp nói. 

Trong khi đó, hồ sơ mà chủ nhân 3 cây "khủng'' như "quái thú" trình cho cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế có chữ ký xác nhận của bà H’Phi La Nê - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) vào ngày 23/3.

Trả lời về vấn đề trên, bà H’Phi La Nê khẳng định, bà không hề xác nhận vào đơn xin khai thác và vận chuyển hai cây đa nêu trên.

29790819_540911556306256_4753699653235507200_n-1-3-1426469 3

Bà H’Yô Na Byă làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng. (Ảnh: Thanh Hải)

“Hạt kiểm lâm cùng đơn vị vào làm việc với bà H’Yô Na Byă và bà này khẳng định không hề bán cây đa nào cho ông Quân ở Hà Nội. Gia đình này cũng không có diện tích đất lớn nào để có hai cây đa nêu trên. Chúng tôi đã làm việc và lập biên bản sự việc để báo cáo cấp trên”, bà H’Phi La Nê nói. 

Trước đó, như VTC News đưa tin, chiều 30/3, trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT thuộc Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) phát hiện một số phương tiện của Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn vận chuyển cây cổ thụ nghi có dấu hiệu vi phạm.

Theo đó, khoảng 18h05 ngày 30/3, lực lượng chức năng kiểm tra 2 xe đầu kéo và 1 xe tải của doanh nghiệp này khi đang chạy theo hướng quốc lộ 1A từ Nam ra Bắc.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 3 phương tiện đều vi phạm luật giao thông: Quá chiều cao, quá chiều dài và quá tải cầu đường từ 20% - 50%; xe tải phạm lỗi quá chiều dài và quá tải từ 20% - 50% và 1 xe đầu kéo phạm lỗi quá chiều cao, quá chiều dài.

Video: Cận cảnh 3 cây 'quái thú' bị bỏ lại ven đường quốc lộ sau khi bị CSGT Huế xử phạt

 "Căn cứ vào lỗi vi phạm của các phương tiện trên, Trạm CSGT Phú Lộc quyết định xử phạt hành chính đối với cả 3 phương tiện với tổng mức 81,7 triệu đồng, tước bằng lái xe của tài xế từ 1 - 3 tháng", lãnh đạo Trạm CSGT Phú Lộc cho biết.

Sáng 2/4, trả lời PV, ông Nguyễn Hải Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn (đơn vị chở cây) cho biết, cây được chở là cây đa được công ty nhận hợp đồng chuyển từ Đắk Lắk ra một ngôi chùa ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Hải Sơn cho biết: "Tôi chở cây ra ngoài kia nhưng xe của tôi có giấy phép lưu hành là chở máy chứ không phải chở cây, anh em kiểm tra và lập biên bản.

Tôi không phải cố ý để chạy, tôi chỉ định chạy đến quán cơm khoảng 1 cây số rồi hạ xuống nhưng trong quá trình có đơn vị báo bắt lại thì tôi chấp hành thôi".

Sau khi nắm bắt được thông tin, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT) đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk tổ chức kiểm tra, xác minh làm rõ nguồn gốc của các cây cảnh được chuyên chở như báo chí phản ánh; kiểm tra, rà soát quy trình làm thủ tục xác nhận nguồn gốc lâm sản của kiểm lâm địa phương có liên quan.

Cục Kiểm lâm yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế kiểm tra hồ sơ nguồn gốc lâm sản trên 3 xe đầu kéo gồm: Xe mang biển kiểm soát 73C – 028.80, xe biển số 73C – 021.48, rơ móc 73R – 003.82; xe biển số 73C – 046.05, rơ móc 73R – 002.01 chở lâm sản đang được Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tạm giữ, tại địa phận phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy.

Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cần phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, Đắk Lắk, Chi cục Kiểm lâm Vùng IV xác minh nguồn gốc lâm sản được vận chuyển trên các phương tiện nêu trên, để làm căn cứ xử lý theo quy định.

Ngoài ra, Cục Kiểm lâm cũng yêu cầu xác minh làm rõ nguồn gốc lâm sản, hồ sơ, địa điểm nơi đi, nơi đến, thời gian vận chuyển...

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, làm rõ có hay không hành vi bao che cho phương tiện chở quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ như phản ánh của báo chí.

Ngoài ra, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải cần làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng xe. "Nếu vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/4/2018", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nguồn gốc các cây được chuyên chở trên các phương tiện như báo chí phản ánh và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm (nếu có). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/4/2018.

NGUYỄN VƯƠNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn