• Zalo

'Hồ sơ' đại gia thời trang nổi tiếng Forever 21 sắp xin phá sản

Kinh tếThứ Sáu, 30/08/2019 06:28:00 +07:00Google News

Trước khi kinh doanh thua lỗ, Forever 21 là nhà bán lẻ lớn thứ 5 tại Mỹ với hơn 800 cửa hàng trên khắp thế giới.

Theo CNBC, thuơng hiệu thời trang bán lẻ Forever 21 (Mỹ) đang xem xét nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Lý do là "thương hiệu bình dân" này đang kiệt sức sau quãng thời gian kinh doanh thua lỗ và cạn kiệt vốn.Thời gian qua, Forever 21 nỗ lực tìm phương án tái cơ cấu nợ nhưng bất thành.

Forever 21 là nhà bán lẻ lớn thứ 5 tại Mỹ, thành lập năm 1984 bởi hai vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang.

fo_rever21

Forever 21 có hơn 800 cửa hàng trên toàn cầu. (Ảnh: UStoday)

Đến nay, Forever 21 có tới 815 cửa hàng trên phạm vi toàn cầu bao gồm Mỹ, châu Âu, châu Á và Mỹ Latin. Các sản phẩm chính của Forever 21 là phụ kiện, sản phẩm làm đẹp, hàng gia dụng và quần áo cho phụ nữ, nam giới và bé gái.

Cửa hàng flagship lớn nhất của Forever 21 có diện tích lên đến 11.706 m2 tại Las Vegas, Mỹ.

Tuyên bố phá sản có thể xem là một giải pháp sống còn cho thương hiệu thời trang này nhưng ở khía cạnh khác, hành động đó sẽ gây ảnh hưởng đến các đơn vị sở hữu những trung tâm thương mại lớn như Simon Property và Brookfield Property Partners.

Bởi, Forever 21 chính là một trong những khách hàng lớn đang thuê mặt bằng kinh doanh của trung tâm thương mại. Tại Simon Property, Forever 21 chính là khách hàng lớn thứ 6 của họ với 99 cửa hàng trải rộng trên diện tích gần 140.000 m2, tính tới ngày 31/3/2019.

Các cửa hàng Forever 21 có diện tích trung bình 3.530m2, lớn nhất khoảng 15.050m2. Ban đầu, cửa hàng Forever 21 chỉ có diện tích chưa đầy 90m2.

Trong năm đầu tiên, doanh thu của Forever 21 đạt 700.000 USD. Năm 2013, Forever 21 có hơn 480 cửa hàng và doanh thu 3,7 tỷ USD.

Đến năm 2016, doanh thu của chuỗi cửa hàng này là 4 tỷ USD.

Hơn 30 năm, Forever 21 đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Dù vậy, Forever 21 vẫn là một doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình.

Bằng Lăng
Bình luận
vtcnews.vn