“Việt Nam đang đàm phán với nhiều nhà sản xuất vaccine COVID-19”, Bộ Y tế đã tái khẳng định thông tin này tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19 chiều 12/3. Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện có hai nguồn đưa vaccine AstraZeneca về Việt Nam, trong đó, nguồn hỗ trợ của COVAX Facility và sẽ được chuyển thẳng cho Chương tình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Nguồn thứ hai là vaccine AstraZeneca nhập khẩu theo thoả thuận ký kết giữa Bộ Y tế, Công ty Astrazeneca và Hệ thống tiêm chủng VNVC. Theo đó, VNVC sẽ chuyển giao vaccine mua được cho Bộ Y tế theo cơ chế phi lợi nhuận.
Để có nguồn cung ứng vaccine với mục tiêu đảm bảo bao phủ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân Việt Nam, sớm chủ động đẩy lùi đại dịch, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vaccine như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, Gamaleya (Sputnik V) để có thể tiếp cận với tất cả các nguồn cung ứng vaccine nhằm triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam.
Bộ Y tế đồng thời khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng COVID-19 khác trên thế giới để nhập khẩu vaccine về sử dụng trong nước theo tinh thần Nghị quyết số 21.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh, đảm bảo vaccine cũng là bước chuẩn bị cho “hộ chiếu vaccine”. Phân tích chính sách “hộ chiếu vaccine” của một số nước, Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng lớn (Viettel, VNPT) hoàn thiện hệ thống giải pháp kỹ thuật trong thời gian sớm nhất vào đầu tháng 4/2021.
“Chính sách cụ thể liên quan đến “hộ chiếu vaccine” phải căn cứ vào những đánh giá tiếp theo về tính an toàn, khả năng miễn dịch của từng loại vaccine và ở từng nước. Từ đó có cơ chế phù hợp, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ mục tiêu kép nhưng phải đảm bảo an toàn”, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.
Tại cuộc họp các chuyên gia cũng nhắc lại yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo đối với Bộ Y tế phải chỉ đạo khẩn trương rà soát lại các đơn vị làm xét nghiệm và có báo cáo về các trường hợp xét nghiệm âm tính nhưng khi ra nước ngoài thì lại dương tính (điển hình là trường hợp ở Hải Dương nhập cảnh vào Nhật Bản và gần đây là 2 trường hợp ở Hải Phòng nhập cảnh vào Australia - PV).
Bình luận