Ngày 24/9, Công an thị xã Dĩ An, Bình Dương và Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã hoàn tất khám nghiệm hiện trường và bàn giao thi thể anh Lương Văn Hải (40 tuổi) cho gia đình lo hậu sự.
Trước đó, khoảng 17 giờ chiều 23/9, anh Hải làm nghề chăm sóc động vật hoang dã tại Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương (trụ sở tại ấp Nội Hóa, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vào chăm sóc một con hổ tên Ami bị ốm, thì bất ngờ bị con hổ này vồ trúng.
Anh Hải bị hổ tát và cắn vào người nhiều nhát, khiến anh Hải tử vong ngay tại chuồng nuôi nhốt con hổ này. Sau khi sự việc xảy ra, quản lý của cơ sở nuôi nhốt này đã trình báo lên Công an thị xã Dĩ An, Bình Dương và Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Dương.
Ông Tân, chủ cơ sở này trình báo với lực lượng chức năng, anh Hải là người có kinh nghiệm chăm sóc động vật hoang dã nhiều năm. Quê gốc của anh Hải tại Thái Bình nhưng gần đây đã chuyển vào phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương sinh sống và làm việc tại cơ sở nuôi động vật hoang dã trên.
Cách đây mấy ngày, con hổ cái (không phải giống hổ trắng) này có biểu hiện ốm, bỏ ăn. Chiều 23/9 anh Hải vào chuồng tiếp cận để chăm sóc thì bị con hổ vồ dẫn đến sự việc đau lòng.
Cơ sở nuôi hổ này cũng cho biết sẽ lo hậu sự chu đáo và chăm lo cho gia đình nạn nhân. Anh Hải là anh em họ của người quản lý cơ sở này. Thi thể của anh Hải sẽ được đưa về quê an táng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ sở này trước đây sản xuất bia, nhưng hiện tại đã ngưng hoạt động. Nhiều năm gần đây có nuôi hàng chục cá thể hổ, có con hàng trăm kg. Xung quanh cơ sở này có hàng trăm hộ dân sinh sống.
Khu vực này đóng cửa kín mít cả ngày và đêm, tách biệt với bên ngoài. Người dân xung quanh ở đây chỉ nghe tiếng hổ gầm ngày đêm, chưa một lần nhìn thấy hổ.
Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Dương đánh giá các điều kiện vật chất để nuôi nhốt hổ vẫn đảm bảo an toàn. Hiện trường xảy ra vụ việc đáng tiếc ở bên trong chuồng hổ chứ không phải bên ngoài.
Hiện nay ở Bình Dương có 3 cơ sở được cấp giấy phép nuôi hổ là cơ sở Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương, khu du lịch Thanh Cảnh (thị xã Thuận An) và vườn thú tại khu du lịch Đại Nam, Bình Dương. Những năm gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn kinh hoàng liên quan đến loài thú giữ này ở Bình Dương.
Cơ sở của ông Tân bắt đầu nuôi hổ từ năm 2000. Tháng 7/2006, hổ do cơ sở này nuôi nhốt có thể sinh nở, một hổ mẹ đã sinh được bốn con đực và một con cái. Cả năm chú hổ này đều được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cấp giấy khai sinh.
Cho đến nay cơ sở này đang nuôi nhốt 16 cá thể hổ Đông Dương. Đây là loài động vật quý hiêm được cả thế giới bảo vệ. Mỗi chú hổ sau một năm rưỡi nuôi có trọng lượng từ 160-180 kg.
Năm 2007 sau nhiều tranh cãi việc nuôi nhốt trái phép các cá thể hổ, để bảo tồn động vật hoang dã này Thủ tướng đã đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép các cơ sở nuôi hổ tại Bình Dương được tiếp tục thí điểm nuôi hổ và một số động vật hoang dã.
Việc nuôi nhốt loài thú hoang dã này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Năm 2009, một con hổ trắng ở vườn thú Đại Nam Bình Dương đã vượt qua tường rào chắn cao hơn 3m ra ngoài, rượt đuổi nhiều công nhân tại vườn thú, khiến 3 người bị thương nặng, hai người phải nhảy xuống hồ nước gần đó may mắn thoát thân.
Đến nay lại tiếp tục xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc này liên quan đến nuôi nhốt thú hoang dã.
Video: Hổ dữ tấn công xe du khách trong công viên
Bình luận