Dự án trăm tỷ biến thành nghìn tỷ
Theo kết luận Thanh tra của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và đầu tư trong việc thực hiện Luật Đấu thầu, việc chỉ định thầu có một số khuyết điểm và vi phạm diễn ra điển hình ở một số địa phương như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Ninh Bình,…và cả Bộ Giao thông vận tải.
Một số dự án điển hình có mức điều chỉnh tăng gấp nhiều lần, từ dự tình ban đầu chỉ vài trăm tỷ đồng đã được điều chỉnh lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Điển hình như dự án xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng tại Ninh Bình (Sở VH-TT-DL Ninh Bình làm chủ đầu tư) được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt tháng 5-2009 với tổng mức đầu tư là 450 tỷ đồng.
3 tháng sau, dự án được điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư lên hơn 3 lần (1.543 tỷ đồng). Gói thầu xây lắp chính thuộc dự án này giá trị hơn 1.000 tỷ đồng được chỉ định thầu cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và trong năm 2010, Xuân Trường được tạm ứng ngay 747,67 tỷ đồng để thực hiện dự án. Điều đáng nói là đến hết tháng 10/2011, khối lượng hoàn thành nghiệm thu mới đạt 145 tỷ đồng.
Cũng tại Ninh Bình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Tràng An được tỉnh phê duyệt năm 2004 với tổng mức đầu tư gần 580 tỷ đồng. Đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung các dự án thành phần, tổng mức đầu tư dự án đã lên xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.
Dự án này, Xuân Trường được ưu ái chỉ định thầu hạng mục công trình thủy lợi và các hạng mục giao thông. Hạng mục công trình thủy lợi giá trị hơn 562 tỷ đồng, Xuân Trường được chủ đầu tư giải ngân gần 400 tỷ đồng trong khi khối lượng thực hiện đến hết năm 2010 mới đạt 239,76 tỷ đồng.
Ở gói thầu hạng mục giao thông trị giá hơn 302 tỷ đồng, Xuân Trường được giải ngân trước 185 tỷ đồng trong khi khối lượng thực hiện hết năm 2010 mới chỉ đạt 99 tỷ đồng....Hàng loạt dự án trăm tỷ hô biến thành nghìn tỷ đồng (Ảnh mang tính chất minh họa)
Ngoài ra, một số dự án khác trong lĩnh vực giao thông như dự án nâng cấp cải tạo QL38 đoạn Nhật Tựu – Chợ Dầu có 1 gói thầu xây lắp toàn bộ công trình được chủ đầu tư chỉ định thầu và ký hợp đồng với nhà thầu tháng 11/2009, nhưng đến tháng 9/2010 (7 tháng sau) mới khởi công.
Đến tháng 12/2010 khối lượng hoàn thành của dự án này là 90 tỷ đồng (41,2%) và đến tháng 11/2011 là 115 tỷ đồng (79%), dự kiến đến tháng 9/2012 mới hoàn thành nếu đủ vốn.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc tạm ứng và hoàn ứng vốn chưa hợp lý tại các dự án, để nhà thầu chiếm dụng số tiền lớn, trong thời gian dài, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, trách nhiệm thuộc về địa phương và Bộ KH&ĐT do chưa làm tốt công tác quản lý.
Chỉ định thầu, các bên cùng lợi!
Theo ông Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng, từ những sai phạm được chỉ ra trong bản kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, tình trạng chỉ định thầu bất thường đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước.
Đáng lo ngại hơn là tình trạng vi phạm Luật Đấu thầu, lợi dụng kẽ hở trong Luật Đấu thầu để thực hiện hình thức chỉ định thầu đang diễn ra tràn lan dẫn đến hậu quả ngày càng nhiều công trình kém chất lượng, thất thoát vốn của nhà nước…
Lý giải nguyên nhân vì sao các chủ đầu tư và nhà thầu thích chỉ định thầu, ông Khoa cho rằng, có 3 lý do, thứ nhất là do năng lực cạnh tranh của nhiều nhà thầu yếu, chỉ có thể có được công trình thông qua chỉ định thầu.
Thứ hai, khi chỉ định thầu, giá gói thầu không phải trọn gói mà người ta sẽ điều chỉnh suốt trong thời gian thi công. Thông thường, các gọi thầu được chỉ định bao giờ cũng đưa ra mức rất thấp để “chào hàng”, sau đó, nhiều dự án được điều chỉnh tăng mức tổng đầu tư lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần giá trị ban đầu.
Và nguyên nhân thứ 3 là lợi ích của các bên chỉ định thầu sẽ tốt hơn đấu thầu vì việc tăng giá trị gói thầu sẽ có lợi cho cả 2 bên.
Để chọn được những nhà thầu có đủ năng lực, đảm bảo chất lượng cao cho các công trình xây dựng, Hiệp hội Các nhà thầu cho rằng, cần phải giảm bớt quy trình đấu thầu để các chủ đầu tư không còn vin vào lý do đấu thầu nhiêu khê.
Đồng thời, hoàn thiện những quy định của pháp luật, triển khai thực hiện luật nghiêm túc, không để những kẽ hở trong Luật Đấu thầu bị lợi dụng như xác định rõ hơn thế nào là gói thầu thuộc dự án cấp bách, vì lợi ích dự án quốc gia. Đặc biệt, cần giảm bớt tình trạng chỉ định thầu đối với các công trình dùng ngân sách nhà nước.
Bài, ảnh: Châu Anh
Bình luận