• Zalo

HMS Vanguard - Thiết giáp hạm cuối cùng từng được chế tạo

Quân sựThứ Hai, 18/04/2022 10:51:27 +07:00Google News

Được khởi đóng vào năm 1941, HMS Vanguard là con tàu lớn nhất của hải quân Anh từng chế tạo cho đến khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth xuất hiện.

Có nhiều tranh cãi liên quan tới việc tàu chiến nào được coi là “thiết giáp hạm đầu tiên”. Tàu tuần dương bọc sắt Gloire của Pháp, chế tạo cuối những năm 1850, được xếp vào loại khinh hạm thiết giáp, cũng có thể được xem là thiết giáp hạm sơ khai. Một số sử gia khác về hải quân lại cho rằng, tàu HMS Monarch của Hải quân Hoàng gia Anh, được chế tạo khoảng 1 thập kỷ sau đó mới được coi là thiết giáp hạm đầu tiên.

Tuy nhiên, việc xác định thiết giáp hạm cuối cùng từng được chế tạo lại dễ dàng hơn nhiều. Đó là một tàu chiến khác của Hải quân Hoàng gia Anh, tàu HMS Vanguard.

HMS Vanguard - Thiết giáp hạm cuối cùng từng được chế tạo - 1

Thiết giáp hạm HMS Vanguard (23) của Hải quân Hoàng gia Anh trong cuộc thử nghiệm năm 1946. (Ảnh: 19fortyfive)

HMS Vanguard (23)

Trước Thế chiến 2, Hải quân Hoàng gia Anh vẫn duy trì được thế thống trị trước các lực lượng hải quân khác cả về số lượng đơn thuần cũng như trong khía cạnh sở hữu các tàu chiến tiên tiến nhất của thời đại. Đó là một truyền thống có từ thời HMS Victory, biên chế năm 1778, sau đó là HMS Warrior (1860) và đáng chú ý nhất là việc phát triển tàu HMS Dreadnought năm 1906.

Dù vậy, đến cuối những năm 1903, Hải quân Hoàng gia Anh đã bị Nhật Bản và Đức vượt qua, cả 2 nước này đều chế tạo được những tàu chiến uy lực hơn so với Anh.

Như vẫn thường làm trong các trường hợp tương tự, Anh đã đặt ra kế hoạch chế tạo một tàu chiến lớn hơn và uy lực hơn.

Việc phát triển các thiết giáp hạm uy lực hơn bắt đầu một cách nghiêm túc khi quân đội Anh tin rằng họ sẽ bị áp đảo về số lượng so với đội thiết giáp hạm của cả Đức và Nhật Bản kết hợp lại. Hải quân Hoàng gia Anh ban đầu đã tìm cách chế tạo 2 thiết giáp hạm lớp Lion, về cơ bản là các phiên bản cải tiến và lớn hơn của tàu lớp King George V.

Tuy nhiên, khi chiến tranh nổ ra, 2 tàu chiến lớp Lion vẫn chưa sẵn sàng hoạt động cho đến sớm nhất là năm 1943. Thay vào đó, ông Stanley Goodall, Giám đốc phụ trách xây dựng hải quân, đã đề xuất cắt giảm thời gian chế tạo bằng việc sản xuất một thiết giáp hạm duy nhất, sử dụng 4 tháp pháo đôi 381mm lấy từ tuần dương chiến hạm HMS Courageous và Glorious sau khi 2 tàu này được chuyển đổi thành hàng không mẫu hạm.

Được khởi đóng vào năm 1941 tại Clydebank, và vẫn kết hợp các cải tiến cho tàu lớp King George V, trong đó bao gồm cả bài học kinh nghiệm từ vụ đánh chìm con tàu thứ hai thuộc lớp HMS Prince of Wales, HMS Vanguard với tải trọng tiêu chuẩn 44.500 tấn, là con tàu lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh từng được chế tạo cho đến khi tàu sân bay hiện đại HMS Queen Elizabeth hoàn thành vào năm 2014.

Những cải tiến đáng chú ý bao gồm việc thay thế súng phòng không 20mm bằng loại 40mm (HMS Vanguard mang được 73 khẩu loại này). Con tàu cũng được trang bị 16 khẩu pháo hạng nặng 381mm để cận chiến.

Thiết giáp hạm HMS Vanguard về cơ bản là một tàu King George V được cải tiến, với thân tàu được kéo dài để triển khai 4 tháp pháo ở giữa. Tàu có thể đạt được tốc độ tối đa là 30 hải lý/giờ. Với thiết kế loe lớn ở phần mũi, HMS Vanguard có khả năng giữ thăng bằng thân tàu tốt ngay cả khi biển động mạnh.

Nỗ lực bị lãng phí?

Việc chế tạo tàu HMS Vanguard  đã từng bị dừng lại và sau đó khôi phục trong chiến tranh, một phần là vì cần thực hiện các sửa đổi cho phù hợp với kinh nghiệm thời chiến. Trên thực tế, phải sau khi kết thúc chiến tranh, tàu HMS Vanguard mới hoàn thiện. Vào thời điểm được đưa vào phục vụ, HMS Vanguard về cơ bản đã trở thành di tích vì thời của những chiến hạm khổng lồ kết thúc.

Dù tàu HMS Vanguard đã được hiện đại hóa theo tiêu chuẩn Thế chiến II, nhưng việc sử dụng các khẩu pháo 381mm nhỏ hơn vẫn là một quyết định gây tranh cãi - đặc biệt là khi 10 thiết giáp hạm hiện đại của Hải quân Mỹ, cũng như lớp HMS Nelson, được trang bị pháo chính 405mm.

Tàu HMS Vanguard chưa bao giờ khai hỏa và cũng chưa bao giờ tham chiến. Tuy nhiên, con tàu vẫn là biểu tượng của Hải quân Hoàng gia Anh thời hậu Thế chiến 2. Năm 1947, tàu HMS từng được Vua George VI sử dụng trong chuyến thăm Nam Phi. Tàu HMS Vanguard bị loại biên năm 1955 và trở thành soái hạm trong Hạm đội Dự bị năm 1956.

Được sử dụng làm bối cảnh phim

Trong số những thành nhiệm vụ đáng chú ý và cuối cùng của tàu HMS Vanguard là nó được sử dụng làm bối cảnh cho bộ phim Sink The Bismarck năm 1960.

Một số thành viên thủy thủ đoàn tàu của tàu HMS Vanguard từng kêu gọi biến con tàu thành một tàu bảo tàng. Tuy nhiên, con tàu cuối cùng vẫn gặp phải kết cục tồi tệ như nhiều tàu chiến khác: bị bán để tháo dỡ vào năm 1960, chưa đầy 20 năm sau khi được khởi đóng. Đó là dấu chấm hết cho sự nghiệp ngắn ngủi và khá lặng lẽ của một thiết giáp hạm của Anh cũng như thời đại của thiết giáp hạm.

Hoàng Phạm(VOV.VN )
Bình luận
vtcnews.vn