Trả lời phỏng vấn của báo chí, đại diện TTTM Vincom Thảo Điền xác nhận thông tin cửa hàng thứ 3 của H&M được mở vào ngày 27/1, đón khách từ 11h sáng tới 10h tối. Tương tự như hai cửa hàng trước, cửa hàng thứ 3 của H&M tại Việt Nam có đầy đủ các mẫu thiết kế dành cho cả nam, nữ và trẻ em.
Trước đó, ngày đầu khai trương cửa hàng thứ 2 của H&M tại TTTM Vincom Mega Mall Royal City Hà Nội ngày 11/11/2017 đã thu hút 13.000 lượt khách hàng mua sắm, trong đó có hàng nghìn tín đồ thời trang đã xếp hàng từ đêm.
Việt Nam là thị trường thứ 68 trên toàn cầu và là thị trường thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á của H&M. Cửa hàng đầu tiên của hãng tại Việt Nam khai trương ngày 9/9/2017 ở TP.HCM.
Trước đó, đại diện H&M từng chia sẻ hãng thời trang này nhìn thấy tiềm năng gần đây của thị trường Việt Nam khi dân số trẻ, kinh tế phát triển nhanh. H&M Việt Nam đang tìm kiếm rất nhiều địa điểm khác nhau để mở một số lượng lớn cửa hàng trong 2 năm tiếp theo.
Thương hiệu này cũng không giấu tham vọng trở thành là điểm đến thời trang số 1 ở Việt Nam trong vài năm tới.
Trong khi đó, một chia sẻ mới đây của hãng với Reuters, cho biết doanh số quý IV/2017 của hãng giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 5,97 tỷ USD.
“Kết quả kinh doanh của các cửa hàng H&M trong quý này khá yếu, xuất phát từ những biến động của tình hình thị trường”, H&M nhấn mạnh.
Một trong những biến động là khách hàng ngày càng thích mua sắm online hơn. Do đó, số lượng khách trực tiếp tới các cửa hàng H&M để mua đồ giảm sút đáng kể.
Nhà phân tích Jasper Lawler của công ty dịch vụ tài chính London Capital Group đánh giá H&M “chậm nhiều bước so với đối thủ về dịch vụ online”. Trong mùa mua sắm cuối năm qua, H&M cũng ghi nhận đà sa sút lớn nhất một thập kỷ.
Video: Hàng nghìn người 'quét' Zara tại Hà Nội
Với việc đánh mất khách hàng cho những đối thủ như Zara hay Primark, chuỗi thời trang có trụ sở tại Stockholm hôm 15/12/2017 đã ghi nhận mức sụt giảm doanh thu quý kỷ lục trong vòng ít nhất 10 năm qua. Cổ phiếu Hennes & Mauritz AB rớt giá mạnh nhất kể từ tháng 3/2001 với mức giảm khoảng 15%, tương đương 6 tỷ USD giá trị thị trường “bốc hơi”.
Với mức giá cao hơn so với những thị trường khác, nhiều tín đồ thời trang đặt câu hỏi liệu các cửa hàng Zara và H&M tại Việt Nam có thành nơi "chỉ để thử đồ".
Bình luận