Trước thời khắc trái bóng Telstar 18 lăn trên sân cỏ trên khắp nước Nga, chuyện các HLV, cầu thủ, hay thậm chí cả... giám đốc kỹ thuật tham gia trả lời họp báo là rất bình thường. Quãng thời gian này được ví như khoảng lặng để tất cả nhìn lại và chia sẻ trước khi bước vào mùa hè sôi động. Biết là vậy, nhưng chia sẻ bằng buổi phỏng vấn, một vài phát biểu là điều thường thấy, chứ viết hẳn một bức... tâm thư như HLV Tite của Brazil lại là sự lạ.
4 năm sau thảm họa ở Belo Horizonte - nơi Brazil thua 1-7 trước Đức ngay trên sân nhà ở bán kết World Cup 2014, Tite đang khiến những con tim yêu mến đội bóng Nam Mỹ vui tươi trở lại. Vượt qua rất nhiều bão tố, Brazil hiện tại là đội bóng toàn diện, mạnh mẽ và được đánh giá như một trong những ứng viên vô địch sáng giá nhất trên đất Nga.
Tite đã hồi sinh Brazil bằng cách nào, hay nhìn rộng hơn, là ông đã bước lên từ quá khứ nghèo khó đến vị thế của một người hùng trên ghế huấn luyện ra sao,... tất cả đều được cô đọng bằng những cảm xúc chân thật trong bức tâm thư với tựa đề "Thời khắc của Brazil". Đó không chỉ là lời tâm sự đơn thuần, mà nó còn là một bản hùng ca với đầy đủ dư vị: mộc mạc, bình dị, đắm say và tràn đầy đam mê của người thầy không bao giờ biết đến hai tiếng "từ bỏ".
VTC News xin lược dịch những tâm sự của HLV Tite để độc gia hiểu hơn về chiến lược gia đang thắp lại niềm tin từ đống tro tàn của Brazil sau mùa hè ác mộng trước người Đức năm nào.
"Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về chiếc radio. Đó không chỉ là chiếc hộp nhỏ với màu đen đặc. Trong tuổi thơ của tôi, radio là một phép màu.
Tôi không nhớ khi đó mình đang mấy tuổi, nhưng khi tôi trưởng thành, gia đình tôi không có nổi một chiếc TV. Cả bố mẹ tôi đều là nông dân. Năm tôi lên 3, cả gia đình chuyển đến thành phố để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Bố tôi làm việc ở một quán rượu, còn mẹ tôi làm nghề may vá. Tôi vẫn nhớ mình từng xin xỏ mẹ một hộp soda, và mẹ nói: "Bình tĩnh nhé, Ade (biệt danh hồi nhỏ của Tite). Con sẽ sớm có nó thôi".
2 hay 3 ngày sau, tôi trở về nhà sau giờ học và mẹ đã đứng ở đó cùng cốc soda tên tay. Ngày ấy, soda là thứ gì đó xa xỉ với tất cả chúng tôi. Đến khi lớn, tôi mới biết mẹ phải thức dậy từ 3 giờ sáng để may quần áo nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mẹ phải làm tới 4-5 giờ liên tục chỉ để có tiền mua soda cho tôi.
Tôi không biết mẹ đã hy sinh vì gia đình nhiều thế nào. Với tôi, cốc soda là một phép màu, còn mẹ tôi, tất nhiên rồi, bà là ảo thuật gia đại tài.
Bố tôi lại khác một chút. Tôi chưa từng thấy ai bộc trực và thẳng thắn như ông ấy. Khi bố tôi nói điều gì, ông luôn nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Khi cả nhà ngồi bên bàn ăn, ông ấy nhìn tôi và ra hiệu rằng ông ấy muốn có một chiếc bánh mỳ. Ông ấy chỉ cần cử động lông mày và không cần nói gì hết, vậy là đủ để bạn hiểu ông ấy muốn gì. Sợi dây kết nối giữa chúng tôi là bóng đá, chỉ có bóng đá mà thôi.
Tôi vẫn nhớ ký ức World Cup 1970, khi cả nước Brazil ngừng lại để theo dõi các trận đấu. Hồi ấy, tôi mới 9 tuổi, ngồi bên chiếc radio với bố để lắng nghe điều kỳ diệu của bóng đá, khi tất cả được phát thanh viên kể lại bằng một câu chuyện. Brazil đang có bóng để tấn công, phát thanh viên sẽ vẽ lại bức tranh trong trí tưởng tượng của tôi bằng những từ ngữ hàm xúc của ông ấy.
Tôi không có ý nói rằng xem bóng đá qua TV là dở, nhưng nghe qua radio mang đến cảm giác rất khác. Khi bạn xem TV, bạn sẽ thấy ít tò mò, ít phải tưởng tượng hơn. Còn khi radio là tất cả những gì chúng tôi có, chúng tôi phải trân trọng và thả mình qua từng tiếng động.
Tôi không bao giờ quên trận bán kết giữa Brazil và Uruguay. Tôi ngồi bên radio và tưởng tượng nên bàn thắng ấn định chiến thắng bằng suy nghĩ trẻ thơ của mình. Cuối hiệp 1, phát thanh viên hét lên: "Tostao... Clodoaldo... Clodoaldooooooooooooooooooo!!!!!!!".
Khoảnh khắc đó thật không thể tin nổi, khi chúng tôi gào lên vì hạnh phúc. Nhưng tôi vẫn có một chút nghi ngờ, dễ hiểu thôi, vì chỉ nghe qua radio, tôi không tưởng tượng nổi bàn thắng diễn ra như thế nào. Phát thanh viên mô tả lại: Tostao chuyền bóng, và Clodoaldo đã băng lên để ghi bàn. Tôi tự hỏi mình: "Clodoaldo ghi bàn bằng cách nào nhỉ, anh ta là tiền vệ phòng ngự cơ mà?", hay "Tostao rời vòng cấm để chuyền bóng sao? Anh ta là tiền đạo, sao có thể thế được?".
Buổi sáng hôm sau, tôi đọc được phân tích trận đấu của giáo sư Ruy Carlos Ostermann. Lúc này, tôi mới hình dung được bàn thắng một cách sinh động hơn. Tôi không nhớ lần đầu xem được video bàn thắng là khi nào. Với tôi cũng như hàng triệu người Brazil khác không có TV lúc ấy, bóng đá được kể lại bằng những câu chuyện, và đó là câu chuyện tuyệt diệu nhất mà tôi được nghe trong cuộc đời này.
Tôi chưa bao giờ mơ ước trở thành HLV. Giống như nhiều cậu bé Brazil khác - những người được nuôi dưỡng tinh thần bằng World Cup 1970, tôi muốn trở thành cầu thủ, khoác lên mình tấm áo vàng và chiến đấu vì danh dự tổ quốc. Thật không may, nghiệp quần đùi áo số lại không phải vận mệnh của tôi. Tôi phải trải qua đến 7 lần phẫu thuật chấn thương đầu gối và giải nghệ ở tuổi 27. Nghiệp cầu thủ khép lại, và nghiệp huấn luyện được mở ra.
Thật khó tin rằng tôi đã làm công việc này được 30 năm. Câu chuyện của mỗi HLV, giống như các cầu thủ, luôn khó đoán và lắm tình tiết bất ngờ. 8 năm trước, tôi đang ngồi trong căn hộ ở Abu Dhabi, dẫn dắt CLB Al Wahda FC (UAE). Chuông điện thoại reo lên, Andres Sanchez muốn tôi về dẫn dắt Corinthians và tôi không chắc mình sẽ nhận lời.
Tôi đang có cuộc sống đáng mơ ước cùng vợ con ở Abu Dhabi. Con gái tôi chuẩn bị kiểm tra đầu vào để học ở đây. Cuộc sống tuyệt vời, và quan trọng hơn, là rất ít áp lực.
Tôi rất băn khoăn, trước khi mở lời với vợ.
"Em này..."
"Anh đừng cố giấu em điều gì. Em biết là anh sẽ trở lại Brazil mà".
Cô ấy biết Brazil luôn ở trong trái tim tôi. Vài ngày sau, tôi lên máy bay trở lại Sao Paulo. Khi ấy, tôi vẫn nhớ mình từng háo hức thế nào trước viễn cảnh được dẫn dắt Ronaldo và Roberto Carlos - những huyền thoại đương đại của bóng đá Brazil. Điều đó thật không thể tin nổi.
Những tháng đầu tiên mang đến trải nghiệm tồi tệ. Corinthians để thua Deportes Tolima ở Copa Libetadores và không vượt qua vòng loại - điều không thể chấp nhận với tầm vóc đội bóng. Tôi đã nghĩ: "Thôi rồi, thế là hết".
Trở về Sao Paulo, các cổ động viên chào đón chúng tôi bằng... cơn mưa gạch đá. Nhiều người lao vào sân tập, phá vỡ xe của các cầu thủ bằng gạch, đồng thời buông lời đe dọa cả đội. Thật đáng sợ. Một trong những thủ môn của đội là Raphael đã ra mặt để đối thoại với tất cả. Cậu ấy nói: "Chúng tôi không phải kẻ cắp. Chúng tôi cũng chỉ là con người thôi. Chúng tôi làm việc chăm chỉ, chúng tôi còn có gia đình. Đừng đối xử với chúng tôi như vậy".
Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc ấy.
Thật kỳ diệu khi tôi không bị sa thải vào hôm sau. Corinthians đã ở bên tôi ở thời điểm áp lực nhất. 1 năm sau, tôi ngồi cùng vợ trong bếp và cùng nhâm nhi ly rượu vang. Đó là 4 giờ sáng, khi chúng tôi trở về nhà sau khi cùng Corinthians vô địch Copa Libetadores.
Vợ tôi nhắc lại những ký ức mà chúng tôi phải trải qua, không chỉ có cuộc tấn công kinh hoàng sau thất bại ở Tolima, mà còn là những hy sinh mà cô ấy cùng các con phải chịu đựng trong nhiều năm. Ở bên ngoài, các cổ động viên đang hát vang tên tôi.
"Kỳ dị làm sao" - tôi tự nói với mình. Thì ra mọi thứ có thể thay đổi chỉ sau 1 năm.
Tối hôm ấy, tôi ôm chiếc cúp vô địch Copa Libetadores trên tay và bắt đầu khóc. Nhiều người nói bóng đá có thể khiến đàn ông phải khóc. Tôi đáp: bóng đá làm được điều đó, không chỉ bởi những trận đấu. Lý do sâu xa hơn thế nhiều. Bởi bóng đá còn là gia đình của bạn.
Sau thất bại 1-7, tôi tin rằng mình sẽ là HLV tiếp theo của Brazil, với niềm tin rằng thời khắc của mình đã tới. Khi tôi không được lựa chọn, thôi nào, tôi không thể nói dối được. Tôi đã rất buồn bực và nản lòng. Nhưng lúc ấy, bỗng dưng tôi nhớ đến mẹ. Bà là một chiến binh, người hy sinh tất cả khi gia đình đối mặt với khó khăn. Bà làm việc vất vả để mang về thức uống xa xỉ như soda cho tôi. Đó còn hơn cả một phép màu. Tấm gương của mẹ, chính là niềm cảm hứng của tôi.
1 tuần sau nỗi đau ấy, tôi bước ra khỏi biên giới Brazil để học chiến thuật và mở mang tầm mắt. Có 2 người mà tôi học được nhiều nhất trong kỳ nghỉ ấy, và muốn gửi lời cảm ơn thông qua bức thư này, đó là Carlo Ancelotti và Carlos Bianchi.
HLV Ancelotti đã đối xử rất tốt với tôi khi tôi đặt chân đến Madrid. Ông truyền thụ chiến thuật của mình ở Real Madrid, rằng phải tấn công với sơ đồ 4-3-3 thế nào và phòng ngự với 4-4-2 ra sao. Ông chia sẻ những dữ liệu có được từ các cầu thủ, thu thập trong quá trình tập luyện hay những chiến lược dài hơi. Có cơ hội theo dõi Ancelotti làm việc với những cầu thủ như Ronaldo, Isco hay Sergio Ramos, tôi cảm thấy bản thân như được khai sáng.
Khi tôi ghé thăm HLV Bianchi ở Boca Juniors, tôi lại học được những trải nghiệm thú vị khác. Chúng tôi ăn trưa cùng nhau, tranh luận về đủ thứ. Tôi không bao giờ quên, Bianchi từng nói: "Corinthians của anh rất mạnh với nền tảng tâm lý vững vàng. Người Argentina biết được, khi bị chọc giận, người Brazil sẽ rơi vào trạng thái mất kiểm soát, nhưng Corinthians thì không như thế. Họ luôn duy trì được sự tập trung".
Tôi mang những bài học quý giá ấy để phục vụ Corinthians. Khi tôi trở lại, tôi yêu cầu cả đội chơi tấn công tốc độ hơn, và thành quả là chức vô địch quốc gia năm 2015. Đó là khoảnh khắc đáng tự hào, khi chúng tôi có được thành quả từ thứ bóng đá tuyệt mỹ. Tôi có Jadson, Renato Augusto, Elias, Ralf và Bruno Henrique - những người chơi bóng với niềm cảm hứng và phong độ cao nhất.
Nghĩ lại, khi tôi không được mời vào chiếc ghế huấn luyện ở ĐT Brazil vào năm 2014, tôi rất thất vọng. Nhưng đó cũng là cơ hội để tôi trở lại "trường học" và tiếp tục trau dồi kiến thức.
Tháng 6/2016, điều phải đến đã đến. Liên đoàn bóng đá Brazil đề nghị tôi dẫn dắt ĐTQG. Khi mới nhận được lời mời, tôi cảm thấy hơi sốc. Nhìn lại vị trí của Brazil khi ấy, nếu chúng tôi thua Ecuador trong trận kế tiếp, cả đội sẽ lâm vào khủng hoảng.
Thành thực mà nói, tôi từng muốn từ chối lời đề nghị, song nghĩ về bố và mẹ, nghĩ về những lúc mẹ dậy may đo quần áo lúc 3 giờ sáng để nuôi sống gia đình, nghĩ về những lúc ngồi bên radio cùng bố để theo dõi những trận đấu cùng đội tuyển quốc gia, tôi tự nhủ: "Mình phải chiến đấu thôi. Bố mẹ mình đã chiến đấu, và giờ là lúc mình có cơ hội để biến giấc mơ trở thành hiện thực".
Tôi chấp nhận lời mời dẫn dắt và coi nó như vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm cao cả. Ngày đầu tiên, tôi học được bài học từ bố. Tôi thích nói về chiến thuật, chiến lược, nhưng tôi tin rằng bước quan trọng nhất phải là gọi điện cho từng cầu thủ và nói chuyện riêng với họ. Tôi muốn gặp tất cả, nhưng khó thật, vì họ chơi bóng ở khắp nơi trên thế giới.
Tôi vẫn nhớ lúc gọi cho Marcelo - một tài năng sáng giá nhưng đang không thi đấu, tôi hỏi cậu ấy: "Chuyện gì vậy? Cậu bị chấn thương à?".
"Nghe này, HLV, tôi ở đây (ĐT Brazil) từ khi còn là chàng trai 17 tuổi, từ khi đá đội trẻ đến khi được chơi cho đội lớn. Mỗi phút giây được triệu tập luôn là niềm hạnh phúc của tôi và cả gia đình. Nếu ông gọi tôi, tôi sẽ lên máy bay ngay bất kể lý do gì. Chơi cho Brazil là một đặc ân với tôi" - Marcelo đáp ngay.
Khi chúng tôi cùng nhau chuẩn bị cho trận gặp Ecuador, một trong những điều đầu tiên tôi làm là cho cầu thủ xem video... bóng rổ. Đó là trận chung kết NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ) giữa Cleveland Cavaliers và Golden State Warriors. Có một tình huống khiến tôi thực sự hứng thú, đó là khi Lebron James chuyền bóng cho Kyrie Irving. Kyrie có bóng, và thực hiện cú ném hỏng.
LeBron làm gì sau đó? Cậu ấy sẽ trách đồng đội vì ném dở tệ chăng? Không. LeBron rất tập trung. Cậu ra giành lại bóng, tiếp tục chuyền cho Kyrie và lần này, Kyrie đã ghi điểm.
Tôi nói với cả đội: đây là bầu không khí chúng ta cần để thành công. Mọi người vì một người, kể cả những ngôi sao sáng giá nhất.
Trận đấu với Ecuador đã đưa cả đội xích lại gần nhau. Neymar ghi bàn trên chấm phạt đền để mở đầu cho cho chiến thắng 3-0. Sau trận, chúng tôi đứng trong phòng thay đồ để cầu nguyện. Vài nhân viên rời khỏi phòng, nhưng tôi yêu cầu họ ở lại, vì "khoảnh khắc cầu nguyện này dành cho tất cả".
Đến ngày hôm nay, chúng ta đã ở rất gần World Cup và tôi phải đưa ra lựa chọn khó khăn. Tôi không thể lựa chọn tất cả. Brazil có 3 hậu vệ trái xứng đáng có mặt trong chuyến bay tới Nga, nhưng chúng tôi chỉ có 2 suất. Chúng tôi chỉ chọn người có khả năng đưa toàn đội tới chiến thắng, chứ không phải chọn người xứng đáng nhất. Mong rằng mọi người sẽ hiểu cho những người được tôi đặt niềm tin.
Nếu bố tôi ở đây, bố sẽ nói: "Nào, hãy để lũ trẻ chơi bóng đi". Ông luôn phàn nàn với những cầu thủ lớn tuổi. Khi bạn qua tuổi 27, ông ấy sẽ không đời nào tin bạn đâu, ông sẽ nói "những cầu thủ lớn tuổi chậm như rùa vậy, cầu thủ trẻ nhanh nhẹn và giàu năng lượng hơn nhiều". Nếu bố tôi xem Dani Alves chơi bóng, ông ấy sẽ phải thay đổi quan điểm.
Sau khi bố mất, mẹ mới nói với tôi những điều bố nói khi tôi bắt đầu sự nghiệp huấn luyện. Ông không bao giờ nói điều này với tôi, bởi đó không phải cách ông thường nói với con trai mình. Nhưng một ngày, bố đã nói với mẹ: "Rồi Ade sẽ trở thành một trong những HLV vĩ đại nhất".
Với tôi, điều đó có ý nghĩa hơn bất cứ chức vô địch nào tôi từng chinh phục được. Tôi ước rằng ông ấy ở đây và nhìn thấy con trai mình dẫn dắt Brazil ở World Cup.
Chỉ có Chúa mới biết điều gì sẽ diễn ra ở Nga, song tôi luôn hy vọng người Brazil sẽ đứng sau đội tuyển. Chiếc TV đã xuất hiện và thay đổi thế hệ này, nhưng tôi luôn tin khi Brazil thi đấu, hàng triệu triệu đứa trẻ sẽ ngồi bên chiếc radio, hình dung ra bàn thắng trong trí tưởng tượng và lặp đi lặp lại suy nghĩ ấy nhiều lần.
Tôi đã từng có một thời như thế. Ngày ấy trôi vụt đi, cứ như thể một phép màu..."
Bình luận