Đề xuất của HLV Park Hang Seo về cơ chế cho cầu thủ trẻ ở V-League gần giống cách làm của bóng đá Trung Quốc. Từ năm 2017, Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) đặt ra quy định về sử dụng cầu thủ trẻ đối với giải vô địch quốc gia (CSL).
Theo đó, mỗi CLB phải xếp ít nhất 3 cầu thủ U23 ra sân trong mỗi trận đấu. Quy định này được nới lỏng từ giữa mùa giải 2018, giảm xuống chỉ còn tối thiểu một cầu thủ dưới 23 tuổi được ra sân mỗi trận đối với mỗi đội.
Đến năm 2019, CFA lại có ý tưởng điều chỉnh. Họ muốn các đội bóng phải sử dụng cầu thủ U23 nửa trận, hoặc cả trận. Tuy nhiên, đề xuất này không được các CLB chấp nhận.
Cách làm này của CFA chưa cho thấy hiệu quả, trong khi các đội trẻ Trung Quốc liên tục gây thất vọng ở đấu trường châu Á. Một phần lý do quan trọng là việc thực thi theo kiểu đối phó của các CLB. Điều này gây ra không ít tình huống dở khóc dở cười ở giải CSL.
Nhiều CLB xếp một cầu thủ U23 đá chính và thay ra ngay khi trận đấu vừa bắt đầu, hoặc chỉ tung vào sân trong thời gian bù giờ để "giải quyết chế độ". Kỷ lục thời gian thi đấu ít nhất thuộc về Wen Junjie của CLB Thiên Tân Quyền Kiện khi anh bị thay ra ở giây thứ 14 của trận đấu. Thậm chí, có CLB còn đối phó bằng cách thay bừa cầu thủ vào sân, đưa thủ môn vào đá tiền đạo.
Để giải quyết vấn nạn đối phó này, CFA lập ra giải U23 theo thể thức vòng tròn tính điểm như giải VĐQG, thay thế cho giải đấu của các đội dự bị. Mục đích của giải U23 là tăng số trận đấu cho các cầu thủ trẻ để họ có thể đáp ứng yêu cầu của CSL.
Ở Đông Nam Á, Thái Lan cũng có hệ thống giải trẻ với số lượng trận đấu và đội tham dự lớn. Chưa tính vòng sơ loại dành cho các trung tâm bóng đá của địa phương và không có đội chuyên nghiệp, một đội trẻ của Thái Lan có thể được thi đấu tới 24 trận trong mùa giải.
Thai Youth League ra đời vào năm 2016 với 4 cấp độ, gồm U13, U15, U17 và U19. Các đội bóng được chia ra làm 8 khu vực, mỗi khu vực có tới 10 đội tham dự. Đội nhất, nhì của các khu vực giành quyền tham dự vòng chung kết theo thể thức đấu cúp 4 bảng.
Điều kiện để bóng đá Thái Lan và Trung Quốc áp dụng cách làm này là nền tảng tài chính đủ mạnh để duy trì nhiều đội trẻ và tổ chức các giải đấu. Tiền bạc có thể là vấn đề lớn, nhưng ưu điểm của cách làm này là các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều để trau dồi, chuẩn bị cho sân chơi cấp cao hơn.
Tương tự, bóng đá Malaysia cũng có hệ thống giải trẻ với trên 20 trận đấu một năm cho mỗi đội. Giải U21 quốc gia của Malaysia có 24 đội tham dự, chia làm hai bảng đấu vòng tròn hai lượt, lấy 4 đội đứng đầu mỗi bảng đấu loại trực tiếp với thể thức lượt đi, lượt về. Giải U19 cũng được tổ chức tương tự với 20 CLB.
Mới đây, Hiệp hội bóng đá Malaysia (FAM) cũng học theo Singapore, đưa đội tuyển trẻ tham dự giải chuyên nghiệp. Bên cạnh đội trẻ của các CLB, Malaysia còn có chương trình đào tạo cầu thủ trẻ quốc gia và họ lập ra CLB Young Tigers, do cựu HLV trưởng ĐTQG Ong Kim Swee dẫn dắt để tham dự giải hạng hai.
Hiện tại, hệ thống các giải trẻ của Việt Nam vẫn vận hành theo thể thức đấu cúp và vòng loại diễn ra theo khu vực với số lượng đội và trận đấu không nhiều. Năm 2020, LĐBĐ Việt Nam đã tăng thêm thời gian thi đấu cho các cầu thủ trẻ bằng việc tổ chức thêm giải U17 và U19 cúp quốc gia.
Bình luận