Tháng 11/1976, tức hơn 1 năm sau ngày đất nước thống nhất, bóng đá Việt Nam chứng kiến một cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên một đội bóng miền Bắc được cử vào Nam thi đấu giao lưu. Đó là trận đấu giữa đội Cảng Sài Gòn và Tổng cục đường sắt, diễn ra trên sân vận động Thống Nhất.
HLV Mai Đức Chung, người vẫn đang miệt mài cống hiến trong vai trò HLV trưởng đội tuyển nữ quốc gia, là một trong những chứng nhân lịch sử góp mặt trong trận đấu kết nối bóng đá hai miền Tổ quốc. Nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, Báo điện tử VTC News có cuộc trò chuyện với cựu danh thủ của đội Tổng cục đường sắt.
- Thưa HLV Mai Đức Chung, thế hệ của ông là những cầu thủ đã chơi bóng từ trước khi đất nước thống nhất. Ông có thể kể cho độc giả của VTC News về bóng đá ở miền Bắc trước năm 1975 không?
Năm 1965 tôi vào trường văn hóa thể dục thể thao ở Từ Sơn nhưng được một thời gian thì có chỉ thị không tiếp tục lớp này nữa. Một số người chuyển sang làm vận động viên, một số khác tiếp tục học đại học. Tôi xin ở lại học tiếp, xong rồi bên xí nghiệp xe ca xin về đá. Danh thủ Bùi Nghẽn trực tiếp sang trường xin. Đến năm 1975 đội giải tán thì đội Tổng cục đường sắt lại nhận tôi về.
Bóng đá miền Bắc khi ấy hoạt động phong trào là chính, không có tư nhân. Toàn các xí nghiệp, cơ quan nhà nước có đội bóng rồi trích tiền quỹ phúc lợi để nuôi đội chứ không như bây giờ.
Trước năm 1975 là thời kỳ chiến tranh. Hồi ấy không được tập 2 buổi mỗi ngày đâu. Sáng đi làm chiều mới được tập mà đi làm là chính chứ không tập chuyên, gọi là tập duy trì thôi. Ăn cũng kham khổ, ăn chỉ được 3 hào tem phiếu vào mậu dịch. Khi nào đá giải được tập trung trước 1 tháng còn không thì ở cơ sở sản xuất.
- Các giải đấu được tổ chức như thế nào? Chúng tôi được nghe kể lại rằng thời kỳ đó vẫn có những đội bóng được ra nước ngoài giao lưu.
Giải bóng đá ở miền Bắc đều do Tổng cục TDTT tổ chức, khi ấy Liên đoàn chưa hình thành mà mới chỉ là bộ môn của Tổng cục. Bác Trần Bảy là trưởng bộ môn đứng ra tổ chức. Không phải là đá sân nhà sân khách như bây giờ đâu mà quy định ra 2 đội đá ở sân nào thì đến địa phương đó phục vụ bà con.
Giao lưu nước ngoài thì cũng có nhưng rất ít. Thỉnh thoảng Tổng cục mời các đội của Liên Xô, CHDC Đức hay các nước khác trong khối xã hội chủ nghĩa sang thi đấu và cũng đưa đội sang các nước đó.
Năm 1976 thì đội Tổng cục đường sắt được cử đi đấu ở Trung Quốc vào khoảng tháng 7, tháng 8. Mình cứ nghĩ được sang học hỏi giao hữu thôi, háo hức phấn khởi lắm vì được đi nước ngoài thi đấu. Đội TCĐS nhất giải tổng công đoàn đi Trung Quốc, đội Công an Hà Nội nhì thì sang Bulgaria. Đội TCĐS đá 7 trận, thắng 3 thua 4 cũng không kém cỏi lắm vì lúc ấy bóng đá Trung Quốc hơn mình rất nhiều.
- Cũng chính năm 1976 đội TCĐS được cử vào miền Nam tham dự trận đấu lịch sử của bóng đá nước nhà, trận đấu chính thức đầu tiên giữa 2 đội bóng của 2 miền sau khi đất nước thống nhất.
Chúng tôi vào miền Nam thì không tính chuyện ăn thua, phải thắng thế nào đâu. Chủ yếu là tinh thần phục vụ nhân dân.
HLV Mai Đức Chung
Đến tháng 11, Tổng công đoàn lao động Việt Nam có liên hệ với tổng công đoàn bóng đá TP.HCM cử đội TCĐS vô địch giải công nhân vào tham dự. Mình thấy vào Sài Gòn thi đấu bóng đá thì sung sướng lắm. Bao nhiêu năm bị chia cắt Tổ quốc như thế, bây giờ vào đá cho đồng bào miền Nam thì vinh dự lắm, sung sướng lắm.
Tôi hồi hộp đến không ăn không ngủ, còn hơn đi nước ngoài. Chỉ hơi lo một điều là Sài Gòn mới giải phóng, công tác an ninh tổ chức có thể chưa được tốt.
Ở ngoài này trước khi vào phải học tập chính trị đã. Đi đâu cũng phải học chính trị để biết tình hình như thế nào, tổ chức như thế nào, sinh hoạt tập thể như thế nào. Chúng tôi vào sân bay Tân Sơn Nhất bằng máy bay cánh quạt của Mỹ mà mình thu chiến lợi phẩm, bay lâu lắm.
Bước chân xuống sân bay cả đoàn được cổ động viên, vận động viên Sài Gòn ra tận nơi đón tiếp thì rất phấn khởi như anh em xa đi về gặp mặt. Họ bắt tay chào hỏi, giới thiệu đây là anh Cù Lắm, anh Cù Sinh... Chúng tôi vào miền Nam thì không tính chuyện ăn thua, phải thắng thế nào đâu. Chủ yếu là tinh thần phục vụ nhân dân.
- Không khí đón tiếp của nhân dân miền Nam đối với một đội bóng từ miền Bắc vào giao lưu chắc hẳn rất nồng nhiệt?
Khi mà ra sân Thống Nhất tập buổi đầu tiên, các khán giả ùa vào sân cứ sờ chân, sờ đùi cầu thủ rồi khen các chú trẻ khỏe thế này, đẹp trai thế này, to cao thế này mà người ta cứ bảo người miền Bắc gầy còm lắm, 7-8 người đu trên cọng đu đủ không gãy. Chúng tôi mới bảo lại là ở ngoài Bắc cũng được ăn tập, hôm nay vào để phục vụ bà con.
Sân tập đã đông thế, trận đá với Cảng Sài Gòn gần chiều tối mà ngay từ 12 giờ trưa đã đông nghịt khán giả, không có vé vào sân nữa rồi. Chúng tôi vào đến sân vẫn nghe tiếng súng bắn chỉ thiên ở bên ngoài vì người ta đang dẹp trật tự. Sân Thống Nhất chưa to như bây giờ, tôi ra sân cũng quen thi đấu quốc tế rồi, đi CHDC Đức, Liên Xô hay Bulgaria khán giả cũng đông nhưng vẫn không tưởng tượng được cảnh khán giả tràn xuống cả đường piste.
Cả đội đều hừng hực khí thế, khỏe lắm, chạy bao nhiêu cũng không mệt.
HLV Mai Đức Chung
- Đó có lẽ là lần đầu tiên mà ông và các cầu thủ khác vào miền Nam. Trước đó miền Nam và TP.HCM trong tưởng tượng của ông như thế nào?
Thú thật là tôi khi ấy chưa tưởng tượng được miền Nam như thế nào, chỉ biết miền nam em dừa nhiều, em dứa nhiều vì có bài hát như vậy. Chúng tôi được nghe đài nói Sài Gòn hoa lệ lắm, thành phố to lớn và khi vào thì thấy đúng thế thật. Nhà cửa cao hơn ngoài Hà Nội, khi ấy bị chiến tranh bị tàn phá thì làm gì có nhà cao đâu. Mình nhìn thấy ô tô, xe máy nhiều hơn cũng ngạc nhiên lắm.
Đội TCĐS lại được đi các tỉnh chứ không chỉ đá 2 trận ở Sài Gòn. Đi phục vụ mấy tỉnh trong Nam Bộ, đến đâu cũng được nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Người ta thấy đất nước về một nhà rồi, thanh niên Bắc khỏe mạnh thế này, ngày xưa nghe đồn đại không hay bây giờ tận mắt nhìn thấy người ta cũng vui mừng lắm.
Mọi người bảo các anh ngoài Bắc trẻ khỏe thế, chắc đá là thắng đấy. Chúng tôi nói rằng không, bọn tôi không nghĩ đến thắng lợi. Chúng tôi vào để phục vụ bà con, làm sao đá thật đẹp là được rồi.
- Nói về trận đấu lịch sử giữa Cảng Sài Gòn và Tổng cục đường sắt, ấn tượng của ông về đội Cảng Sài Gòn là gì?
Đội Cảng Sài Gòn có anh Tam Lang (Phạm Huỳnh Tam Lang - PV), Tư Lê, anh Ngôn (Nguyễn Văn Ngôn - PV), anh Thà (Dương Văn Thà - PV). Các anh cựu cầu thủ lúc ấy tuổi hơi nhích nhích rồi nhưng vẫn còn đá rất tốt. Anh Tam Lang được ca ngợi là bức tường thép, như anh Nguyễn Trọng Giáp ở ngoài này, hay anh Ngôn, anh Thà vừa nhanh vừa khéo như Ba Đẻn.
Trong ấy bóng đá rõ ràng chuyên nghiệp hơn ngoài này. Có các ông bầu có tiền đứng ra nuôi đội. Họ có đội sang đá giải Merdeka (ở Malaysia, chính HLV Mai Đức Chung từng dẫn dắt U22 Việt Nam vô địch năm 2008 - PV) từ năm 1965. Nghe tin được gặp các VĐV như thế thì sướng lắm, muốn xem trình độ các anh thế nào để học hỏi, cũng là để thể hiện khả năng của mình.
Đội TCĐS thì rất trẻ, chỉ có anh Phạm Kỳ Thụy là lớn tuổi nhất còn đâu toàn 27, 28 tuổi, lại vừa thi đấu ở Trung Quốc được ăn uống tốt nên sức bật tăng nhiều. Chúng tôi không nghĩ chuyện thắng thua chuyên môn đâu nhưng mà cả đội đều hừng hực khí thế, khỏe lắm, chạy bao nhiêu cũng không mệt.
- Trận đấu đó diễn ra như thế nào? Cá nhân ông được trực tiếp đối đầu với danh thủ nào trên sân?
Đội TCĐS hôm đó có thủ môn Trường Sinh, Lê Thụy Hải, Hoàng Gia, Phạm Kỳ Thụy, Nguyễn Minh Điểm… Tôi chơi tiền vệ và chính là người ghi bàn đầu tiên. Anh Minh Điểm tạt bóng từ bên phải, tôi nhảy lên đánh đầu ghi bàn. Khán giả người ta ào lên, thấy mình đá hay, hiện đại thời đấy. Đúng là mình sang Trung Quốc học được rất nhiều, không phải đưa bóng sát biên tạt lên nữa mà là ngay từ trên đã tạt rồi chứ không cần phối hợp xuống sát đáy biên cầu kỳ.
Bàn thứ hai là anh Lê Thụy Hải có bóng ở gần vòng cung giữa sân, sút một quả rất căng vào lưới. Đội chúng tôi thắng 2-0.
Tôi đối đầu trực tiếp với anh Tam Lang. Mình nghe nói anh Tam Lang như bức tường thép nên nghĩ chắc phải to cao lắm đây, khỏe lắm đây nhưng ra sân thì thấy hóa ra anh cũng không cao lắm đâu, thấp hơn tôi. Chính vì thế tôi mới đánh đầu ghi bàn được. Phải nói là tuổi trẻ không có sức ép gì cả, chỉ thấy khí thế hừng hực vì trên khán đài đông thế, còn gì sung sướng hơn khi đá bóng mà khán đài chật kín. Mình bốc lên đá rất hay.
- Cảm giác của ông khi ghi bàn thắng đầu tiên trong trận đấu mang tính lịch sử của dân tộc?
Rất thiêng liêng. Phải nói là thiêng liêng nhất trong cuộc đời VĐV. Được sách vở ghi lại dấu ấn cá nhân đó thì vinh dự lắm, không phải ai cũng được như thế, rất tự hào. Mình ghi bàn thắng bình thường đã sướng rồi, bàn thắng trong trận đấu giao lưu 2 miền Nam Bắc đầu tiên thì càng đặc biệt.
- Sau trận đấu giữa Cảng Sài Gòn và Tổng cục đường sắt hình như không có thêm trận giao hữu nào như vậy nữa?
Phải đến năm 1980 đá giải toàn quốc đầu tiên mới có. Trước đấy, năm 1978, 1979 có 3 giải Hồng Hà ở miền Bắc, Trường Sơn miền Trung và Cửu Long miền Nam. Hồi đấy máy bay chưa thông dụng như bây giờ, toàn phải đi ô tô, đi tàu cũng khó nên về phương tiện đi lại hơi khó khăn, phải tách ra 3 miền như vậy.
Riêng đội TCĐS vào Nam thi đấu thì nhiều. Năm 1977 chúng tôi có vào Nha Trang tập huấn. Ông Chín Lộc (Trần Vĩnh Lộc - PV), bố của Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn bây giờ, là phó giám đốc của TDTT đường sắt vào Nha Trang tập kết, mời đội TCĐS vào tập luyện hơn 1 tháng trời. Đến năm 1978 lại được Tổng cục TDTT cử vào Bình Định.
Các đội trong Nam ra thì rất ít. Thế rồi đến năm 1980 mới có giải đấu thống nhất 3 miền. Giải cũng chia 3 khu vực đá nhưng bốc thăm lẫn lộn các đội. Bảng A đá ở miền Bắc, bảng B đá ở miền Trung rồi bảng C đá ở miền Nam, sau đó đội nhất 3 bảng ra Hà Nội đá chung kết.
- Xin cảm ơn HLV Mai Đức Chung với câu chuyện ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!
Bình luận