"Tôi từng được một đội bóng Bồ Đào Nha đưa lời mời, nhưng từ chối để ở lại với tuyển nữ Việt Nam, vì tình cảm với các em, các cháu", HLV Mai Đức Chung tiết lộ trong cuộc giao lưu trực tuyến cùng báo Đại Đoàn Kết sáng nay 22/2.
Sau vinh quang có được cùng tuyển nữ Việt Nam với tấm vé dự World Cup 2023, tên tuổi HLV Mai Đức Chung đã được nâng lên tầm cao mới, dù vốn dĩ trước đó chiến lược gia người Hà Nội đã được trọng vọng với những chiến công cùng cả bóng đá nam và bóng đá nữ.
HLV Mai Đức Chung và bài học từ HLV Alfred Riedl
HLV Mai Đức Chung đã nhận được lời đề nghị huấn luyện từ một đội nữ ở Bồ Đào Nha. Trước đó, HLV 73 tuổi cũng được các đội V-League chào mời với mức lương hàng trăm triệu mỗi tháng. Tuy nhiên, ông Chung "gái" từ chối tất cả để ở lại theo đuổi giấc mơ World Cup vạch ra cùng bóng đá nữ 4 năm trước.
"Tôi luôn tâm niệm mình phải làm hết khả năng, đừng đứng núi này trông núi nọ. Tiền rất quý, nhưng tình cảm là thứ không thể mua được. Tôi xác định như thế. Các cầu thủ gọi tôi bằng bác. Tôi là người lớn tuổi nhất đội, có khi lớn hơn tuổi bố, tuổi mẹ của các em và các em rất tôn trọng tôi. Có bóng đá nữ mới có tên tuổi của HLV Mai Đức Chung. Mình phải vì mọi người trước khi mọi người vì mình.
Ở V-League, có những CLB mời tôi, nhưng tôi không đi. Đồng lương có thể nhiều hơn so với huấn luyện đội nữ, nhưng tình cảm, đam mê nghề nghiệp của tôi đã có sẵn trong người rồi. Tôi không thể đi đâu được nữa, cứ gắn bó với đội nữ. Mức lương hoặc tiền bạc của nhà hảo tâm thì rất nhiều, nhưng phải đọng lại điều gì đó.
Có khi nhiều chưa chắc đã tốt. Ở V-League, tôi từng dẫn dắt Bình Dương, Thanh Hóa, Navibank Sài Gòn,... Đãi ngộ cao đấy, nhưng thua 1, 2 trận có khi bị sa thải. Áp lực lớn, mà công việc không bền lâu. Tất nhiên áp lực dẫn dắt đội tuyển nữ cũng lớn, nhưng vì tình cảm mình dành trọn cho các em, các cháu rồi nên chúng ta tiếp tục dành trọn nốt", HLV Mai Đức Chung tiết lộ.
Chiến lược gia 73 tuổi cũng tiết lộ cách đối nhân xử thế giúp ông luôn điều hòa được tập thể bóng đá nữ - vốn phức tạp và nhiều vấn đề không kém so với bóng đá nam.
"Cầu thủ nữ luôn có phần ghen tỵ với nhau, đôi khi còn nhiều hơn bóng đá nam. Đơn cử như tôi mà ưu ái tiền đạo Phạm Hải Yến, có thể các cầu thủ khác sẽ không thích. Do đó, tôi luôn đối xử với các cầu thủ rất công bằng.
Cần trao đổi, nói chuyện với ai, tôi sẽ nói luôn ở trên sân cho tất cả cùng thấy. Mình làm công khai minh bạch, không giấu giếm. Tôi luôn đối xử với cả đội ai cũng như nhau. Đó là bài học tôi có được khi từng làm trợ lý cho HLV Alfred Riedl", HLV Mai Đức Chung chia sẻ thêm.
Cũng có mặt ở buổi tọa đàm, tiền đạo Phạm Hải Yến nhớ lại khoảnh khắc khi tuyển nữ Việt Nam vượt khó khăn dịch bệnh để mang về niềm tự hào cho người hâm mộ.
"Trong thời gian chuẩn bị thi đấu, phần lớn các cầu thủ đều mắc COVID-19, trước ngày thi đấu 1 ngày thì các cầu thủ có dấu hiệu bình phục, tất cả nhận xét nghiệm âm tính. Trước khi lên đường thi đấu, ban huấn luyện và HLV Mai Đức Chung có hỏi chúng tôi là: "Có muốn thi đấu hay không để còn xin thua rồi về nước?".
Lúc đấy, trong nhóm chat chung của các cầu thủ và đội trưởng Huỳnh Như, câu trả lời của toàn đội là quyết tâm dùng hết sức lực để thi đấu. Ngày đầu tiên bước sang Ấn độ, mọi người đồng lòng quyết tâm có bao nhiêu sức lực đều chơi hết cho trận đấu.
Bên cạnh đó, HLV Mai Đức Chung luôn dành thời gian nhắn nhủ, động viên: "Các em cứ chơi đi, trách nhiệm gì đã có chúng tôi" chính là động lực để tôi và các cầu thủ quyết tâm giành vé bước vào World Cup", Hải Yến kể lại.
Bóng đá nữ cần thêm doanh nghiệp chung tay
Theo HLV Mai Đức Chung tấm vé dự World Cup 2023 là cú hích để bóng đá nữ Việt Nam được quan tâm, đầu tư hơn nữa. Ông khẳng định:
"Bản thân chúng tôi trong cuộc không có bì tị gì với bóng đá nam. Giới nữ các bạn đã vượt qua rào cản để có những hình ảnh đẹp trong lòng người hâm mộ. Kỳ tích vừa rồi là cú hích để cho các bạn trẻ nữ tham dự bóng đá nữ nhiều hơn. Cần sự chung tay của tất cả mọi người trong đất nước cho chúng ta".
Cựu Tổng thư ký VFF Phan Anh Tú đồng ý với nhận định của HLV Mai Đức Chung khi cho rằng sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà tài trợ đầu tư vào bóng đá nữ là cần thiết để khai phá hết tiềm năng to lớn.
"Muốn bóng đá nữ Việt Nam phát triển, bên cạnh đầu tư của Nhà nước, cần có sự chung tay của các đơn vị doanh nghiệp. Tiềm năng của chúng ta rất nhiều. VFF cũng tổ chức nhiều đợt tuyển chọn cả nước. Tiền năng hiện nay của chúng ta ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên nhưng không khai thác được vì không có nhà tài trợ, đơn vị đồng hành.
Rất mong qua buổi toạ đàm này, một số địa phương tiềm năng, doanh nghiệp sẽ có sự quan tâm hơn cho bóng đá Việt Nam", ông Tú nói.
Bình luận