Trả lời phỏng vấn VTC News sau chiến công giành vé dự World Cup 2023 lịch sử của tuyển nữ Việt Nam, HLV Mai Đức Chung trải lòng về nỗi nhớ gia đình, triết lý đối nhân xử thế trong nghề huấn luyện cùng niềm mong mỏi bóng đá nữ Việt Nam sẽ được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa trong tương lai.
Video: HLV Mai Đức Chung: 'Làm thầy cầu thủ, nhất định phải bao dung và tử tế'
Nỗi nhớ gia đình sau chiến công lịch sử
- Khi tiếng còi mãn cuộc trận Việt Nam gặp Đài Bắc Trung Hoa vang lên, đâu là suy nghĩ đầu tiên lóe lên trong ông?
HLV Mai Đức Chung: Tôi chưa nghĩ đến tấm vé dự World Cup ngay lúc đó, mà khi ấy chỉ nghĩ đến chiến thắng trước. Đó là vinh dự vẻ vang của đội tuyển nữ Việt Nam. Cách đây 4 năm, tuyển nữ Việt Nam cũng gặp Đài Bắc Trung Hoa, hòa 0-0 sau thời gian thi đấu chính thức và thua trên chấm luân lưu. Do đó, đây là chiến thắng để tuyển nữ Việt Nam "trả nợ".
Sau đó, tôi mới vỡ òa rằng chúng ta đã giành vé đi World Cup với vị trí thứ 5 châu Á. Lúc ấy cảm giác sung sướng lắm, hòa chung với niềm vui của cả đội, tôi thấy mình như đứa trẻ con, chỉ muốn chạy òa ra sân để vui chung với các cầu thủ.
- Khi ấy, HLV Mai Đức Chung muốn thông báo tin vui đến ai đầu tiên?
Tôi nghĩ đến vợ đầu tiên. Trước khi vào họp báo, tôi gọi điện về cho bà xã, báo tin rằng "đội đã chiến thắng, đội đã đi World Cup rồi em ạ". Vợ chỉ nói: "Ở nhà em cũng theo dõi, chúc mừng anh cùng cả đội đã thắng nhé".
Tuyển nữ Việt Nam xuất sắc giành vé dự World Cup.
- Hơn 30 năm huấn luyện đỉnh cao, từng nhiều lần cầm quân thi đấu xa nhà, nhưng đây có lẽ là cái Tết đặc biệt nhất của ông cùng bà xã?
Đây là cái Tết đặc biệt nhất đối với tôi. Không chỉ ăn Tết xa nhà, mà còn cùng đội nữ tham gia giải đấu rất quan trọng, quyết định số phận có được dự World Cup hay không. Đó là mơ ước suốt bao năm của tuyển nữ Việt Nam. Cái Tết này, ông trời cũng thương đội nữ của chúng ta. Cuối cùng, cả đội cũng có cái Tết dù xa nhà, nhưng rất ấm áp và đáng nhớ.
- Những ngày khó khăn ở Ấn Độ, HLV Mai Đức Chung đã rất bản lĩnh để động viên, dìu dắt học trò. Nhưng có lẽ ông cũng có những lúc đã thấy nản chí bởi có quá nhiều ca mắc COVID-19. Có lúc đội nữ chỉ có 3 người để tập luyện...
Có những lúc tôi báo cáo về VFF, có ý định xin không tham gia giải đấu nữa.
HLV Mai Đức Chung
Tôi động viên người khác, nhưng trong thâm tâm mình khi ấy cũng có những lúc dao động. Khi 20/23 cầu thủ mắc COVID-19, tình thế rất gay go và nan giải.
Có những lúc tôi báo cáo về VFF, có ý định xin không tham gia giải đấu nữa vì tình hình dịch như thế, và cũng vì sức khỏe của toàn đội.
Tôi có lúc chán nản, nhưng trong thâm tâm lại lóe sáng lên niềm tin. Hoàn cảnh tác động lên tôi như vậy, cũng phải đắn đo với suy nghĩ nhiều, nhưng hy vọng không tắt.
Tôi luôn tin rằng mọi khó khăn cũng chỉ là thử thách để mình hoàn thiện hơn. Tôi đã nghĩ như thế. Phải quay lại với niềm tin và quyết tâm hơn để vượt qua tất cả.
- Sau lễ mừng công, người ta thấy hình ảnh ông trở về phòng ăn, căn bếp quen thuộc và thưởng thức món canh măng vợ nấu. Sau vinh quang cùng những lời ca tụng, dường như thứ ông mong mỏi, nhớ nhung nhất lại là những thứ thân thuộc nhất, đó là hơi ấm gia đình?
Làm gì thì làm, sau cùng chúng ta cũng về với mái ấm gia đình, về với vợ con. Chúng ta có cái Tết cổ truyền mà phải xa nhà, thì cũng như xa người thân, xa những nét văn hóa, xa những món ăn thân thuộc. Tôi nhớ những điều đó lắm.
Ở Ấn Độ, dù khách sạn đã phục vụ đội nữ chu đáo, nhưng không hợp khẩu vị nên không thể ăn được. Tôi muốn về nhà ăn bữa cơm vợ nấu, với những món bình dị thôi nhưng cứ rời xa là nhớ khôn nguôi như canh măng, bánh chưng dưa hành, nộm...
Những món ăn ấy đã đi cùng tôi trong cuộc sống hàng ngày, đi xa là nhớ lắm. Về nhà rồi, tôi mới lại được thưởng thức. Tôi hạnh phúc với bữa ăn ấy, bên cạnh những người thân yêu nhất.
HLV phải cư xử khéo léo và bình đẳng
- Trở lại với câu chuyện chuyên môn. Tấm vé dự World Cup đã có thể coi là đỉnh cao chói lọi nhất trong sự nghiệp huấn luyện của ông?
Đó là đỉnh cao nhất của tôi. World Cup trước đây luôn là giấc mộng xa vời, không phải lúc nào cũng đạt được, nhưng tôi đã may mắn chạm tới trong đời huấn luyện của mình. Cùng đội nữ dự World Cup là mong muốn cuối cùng trong sự nghiệp của tôi và không ngờ mong muốn ấy cuối cùng đã thành. Đó là thành quả lớn lao lắm.
Tuyển nữ Việt Nam từng được huấn luyện bởi nhiều chiến lược gia khác nhau. Mỗi người mang một phong cách, màu sắc triết lý riêng. Tôi chỉ là một người Việt Nam bình thường. Lợi thế của tôi là hiểu được tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của cầu thủ Việt Nam.
Tất nhiên, tôi là phái nam, còn cầu thủ là phái nữ nên có những khác biệt nhất định về tư tưởng, đôi khi không hiểu hết được. Nhưng sau nhiều năm làm việc cùng đội nữ, tôi cũng dần nắm bắt được tâm tư, suy nghĩ của học trò.
Tôi chỉ động viên cầu thủ làm hết sức, coi cầu thủ như con, em, người thân của mình, như thế thì cầu thủ sẽ thi đấu hết sức vì mình. Đã làm việc thì phải làm hết sức, hết trách nhiệm, còn không làm thì thôi. Tính tôi là thế, không thể cứ làm như chơi, vừa làm vừa chơi được. Ngoài ra, tôi cũng phải giúp cầu thủ thoải mái. Như thế, họ sẽ thi đấu với 100% khả năng.
- Ông từng chia sẻ bài học của HLV Alfred Riedl đã giúp ông biết cách đối nhân xử thế hợp lý, giữ hòa khí trong một tập thể đầy phức tạp như đội tuyển nữ. Quãng thời gian cộng tác cùng cố HLV Alfred Riedl đã góp phần định hình phong cách huấn luyện của Mai Đức Chung hôm nay?
HLV Alfred Riedl rất giỏi. Tôi đã làm với chiến lược gia này trong nhiều năm khi cả hai cùng gắn bó với đội tuyển nam, thi đấu ở các giải lớn. Trong tất cả HLV ngoại, tôi đánh giá ông Riedl rất cao. Tôi luôn coi ông là tấm gương để học hỏi về chuyên môn. Một trong những yếu tố tôi học được từ ông là sự dứt khoát, đồng thời tôn trọng cầu thủ. Mỗi cầu thủ, mỗi chúng ta đều có tự trọng riêng. Tôi phải biết lúc nào phải gặp người ta để nói, lúc nào động viên được, lúc nào phê bình được, mà phê bình trên cương vị là HLV trưởng cần thế nào cho khéo. Đừng nên mạt sát họ, mà họ cũng là con người. Ai cũng muốn mình tốt, mình đúng, không ai muốn sai. Ai cũng có lúc sai, tôi cũng vậy thôi.
Phê bình cầu thủ thì cần nhắc khéo, nhắc nhẹ, như thế cầu thủ mới thấm thía lâu. Nếu mạt sát, chửi bới người ta, thì trước mặt có thể cầu thủ nể, nhưng sau lưng thì chưa chắc. Họ có thể nghĩ HLV đối xử với mình theo cách "hàng tôm hàng cá" như thế thì chỉ sợ chứ không nể. Chúng ta phải cư xử khéo léo, như thế cầu thủ mới nhớ lâu.
Mỗi khi cầu thủ có thiếu sót, tôi không phê bình trước đội, mà chỉ nói chung chung thôi. Tuy nhiên, sau đó tôi sẽ gọi riêng cầu thủ đó ra để góp ý, như thế tất cả cầu thủ đều thấy. Không ai thắc mắc, bì tị được với nhau.
Tôi không có ý phân biệt, song cầu thủ nữ có những suy nghĩ khác nam giới, nên chúng ta phải có đặc thù ứng xử riêng để nhắc nhở họ làm tốt hơn.
- Động lực nào giúp HLV Mai Đức Chung từng từ chối rất nhiều CLB V-League, lắc đầu với mức đãi ngộ cao để kiên trì gắn bó với bóng đá nữ?
Bất kể công việc gì, tôi đã xắn tay vào làm là sẽ làm hết sức, hết trách nhiệm. Không thể đứng núi này, trông núi nọ. Có những CLB mời tôi với mức lương cao hơn đội nữ rất nhiều, nhưng tôi không vì đồng lương cao mà bỏ trách nhiệm của mình.
Tiền thì ai cũng quý, nhưng mình phải cố gắng làm hết khả năng để không ai có thể đánh giá không tốt về mình. Đó là trách nhiệm chung. Tôi luôn muốn ở lại với đội nữ. Tôi cần cầu thủ, các cầu thủ cũng cần tôi.
- Bóng đá nữ Việt Nam từng 2 lần lỡ hẹn với World Cup, rồi có không ít những va vấp, thất bại trong bối cảnh không được quan tâm như bóng đá nam. Đã bao giờ ông nghĩ đến chuyện dừng lại để vui hưởng tuổi già?
Nếu muốn dừng lại thì tôi đã không làm. Tôi đã làm hết sức, tận tâm với công việc. Ngay trong hôm bốc thăm vòng bảng Asian Cup 2022, đội nữ Việt Nam cũng rơi vào bảng khó khăn. Có ai nghĩ chúng ta sẽ vượt qua để vào World Cup, ở bảng đấu có Hàn Quốc, Nhật Bản và Myanmar?
Video: Việt Nam 2-1 Đài Bắc Trung Hoa
Trong khi đó, Thái Lan lại nằm ở bảng đấu dễ thở với Australia, Philippines, Indonesia. Chúng tôi đã nghĩ Thái Lan sẽ lại đi World Cup. Để rồi, Thái Lan phải đá tiếp vòng play-off với các châu lục khác để nuôi hy vọng, còn chúng ta giành vé đi thẳng.
Trong bóng đá luôn có những bất ngờ, không thể nói trước điều gì. Khi dự lễ bốc thăm, tôi chỉ nghĩ tuyển nữ Việt Nam sẽ gặp khó khăn, nhưng tôi từng nói bóng đá luôn khó lường. Thường có những bảng không có đội nào dự World Cup, có bảng chỉ có 1, 2 đội, nhưng bảng C có đến 3 đội giành vé đến vòng chung kết là Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam chúng ta.
Tôi rất mừng khi toàn đội đã phấn đấu, nỗ lực và chiến đấu không ngừng. Tinh thần người phụ nữ Việt Nam đã rực sáng để chúng ta có thành công này.
- Ông luôn nói kiên cường là phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam. Nếu không kiên cường, các tuyển thủ nữ không thể làm nên kỳ tích với mức lương chỉ vài triệu như thế suốt nhiều năm?
Tôi không so sánh bóng đá nam hay bóng đá nữ, bởi thực trạng đó trên thế giới cũng như thế. Ở Việt Nam, Nhà nước đối xử với hai đội tuyển như nhau, không có sự phân biệt nào. Dù vậy, có những nhà tài trợ, những cổ động viên thích xem bóng đá nam hơn. Chúng tôi không bì tị đâu. Với các học trò, tôi chỉ nói họ phải cố gắng phấn đấu, đạt thành tích tốt thì cổ động viên sẽ đến với chúng ta. Khi tuyển nữ Việt Nam có thành tích, dư luận sẽ để ý đến. Đội nữ đã nhận rất nhiều phần thưởng từ Nhà nước, VFF, doanh nghiệp cũng như các bộ, ban, ngành trong thời gian qua. Đó là công lao đội nữ bỏ ra đã nhận được tưởng thưởng xứng đáng.
- Tuyển nữ Việt Nam từng nhiều lần giành chiến công, được tung hô rồi lại… đâu vào đấy. Nhưng lần này, tấm vé dự World Cup sẽ là cú hích quan trọng để bóng đá nữ thực sự đổi đời?
Tôi chỉ là một người, một hạt cát nhỏ bé trong xã hội rộng lớn. Tôi chỉ muốn tạo ra những tác động nhất định để phần nào giúp bóng đá nữ đi lên. Vừa qua, các lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước, VFF, Tổng cục TDTT đã quan tâm đến tuyển nữ Việt Nam rất nhiều.
Tấm vé dự World Cup là bước đệm để tất cả thấy được nỗ lực cầu thủ. Bóng đá nữ cần được thúc đẩy, phát triển nhanh hơn với những đầu tư có nền tảng. Còn nếu hiệu ứng chỉ xuất hiện trong một giải đấu rồi chóng qua đi thì rất khó.
Hiện nay, nhiều gia đình không muốn con mình theo nghiệp bóng đá. Phải ra ngoài chơi, thi đấu dưới nắng mưa vất vả như thế, đâu ai muốn cho đi. Chúng tôi muốn nhân đà này để đẩy mạnh bóng đá nữ, giúp cho các gia đình thấy được tương lai bóng đá nữ phát triển, được đầu tư quan tâm đúng mức, họ sẽ cho con gái đi theo sự nghiệp bóng đá. Khi ấy, chúng ta sẽ có thêm nhiều lựa chọn cho đội tuyển.
- HLV Mai Đức Chung từng gây bất ngờ khi gọi Phí Minh Long lên tuyển, dù thủ môn này vừa mắc lỗi ở SEA Games. Ông cũng gọi lại Phạm Hoàng Quỳnh lên tuyển, dù học trò từng vướng vào sự cố xô xát trên sân cỏ. HLV Mai Đức Chung rất bao dung với học trò và không bao giờ khép lại cánh cửa với bất cứ ai?
HLV là người dẫn dắt cầu thủ, nên cần có sự bao dung, độ lượng và tử tế. Phí Minh Long là cầu thủ trẻ, mới vấp váp một chút với sai lầm về chuyên môn ở ngưỡng tuổi còn chưa hoàn toàn trưởng thành, tại sao chúng ta không thể tha thứ? Tôi gọi Minh Long lên tuyển dù cậu ấy mắc sai lầm ở SEA Games, bởi muốn tạo điều kiện cho Minh Long tiếp tục phấn đấu. Cậu ấy còn trẻ, tại sao chúng ta lại vùi dập tài năng của Minh Long?
Hoàng Quỳnh cũng là trường hợp mà tôi lưu tâm. Quỳnh đã có gia đình, có chồng con, nhưng có ý chí, tinh thần rất cao để quay lại với bóng đá. Thường là cầu thủ nữ có chồng con sẽ xin nghỉ đá, nhưng Hoàng Quỳnh một mực quay lại thi đấu, Đó là tinh thần cống hiến cho bóng đá.
Hoàng Quỳnh nhỏ người, nhưng có kỹ thuật tốt, cộng với ý chí không từ bỏ như thế thì không lý do gì tôi không gọi lên tuyển. Tại Asian Cup 2022, Hoàng Quỳnh chơi tốt, cùng với đội vượt qua những trận rất khó khăn để giành vé dự World Cup.
Một trường hợp khác tôi từng gọi lại đội tuyển là tiền đạo Nguyễn Anh Đức. Tại sao Anh Đức lại không lên tuyển nữa? Đó là câu hỏi tôi đặt ra ngay khi ngồi ghế tạm quyền. Khi tôi gọi, Anh Đức đã trở lại để hỗ trợ tôi cùng tuyển Việt Nam. Khi tôi không làm nữa, HLV Park Hang Seo vẫn giữ Anh Đức. Đó là quyết định đúng đắn của ông ấy.
Mục tiêu số 1 là SEA Games
- Bóng đá nữ Việt Nam có đủ tiềm năng để thu hẹp cách biệt với nhóm đầu châu lục? Chúng ta sẽ chuẩn bị những gì cho World Cup 2023?
Vấn đề đầu tiên là phải nâng cao chất lượng đào tạo trong nước, sau đó là tận dụng được nguồn lực cầu thủ Việt kiều để hỗ trợ đội tuyển, nhờ đó tạm thời giữ được thành tích. Có thành công đã khó, giữ được thành công còn khó hơn, đừng để mai một nền tảng, nghĩ rằng được dự World Cup thế này đã là thỏa mãn rồi.
Bóng đá nữ Việt Nam cần tiếp tục đào tạo trẻ, phát triển phong trào ở địa phương, thúc đẩy các CLB. Ngoài ra, còn những yếu tố khác như kinh tế, cuộc sống hậu sự nghiệp bóng đá của vận động viên,... chúng ta phải chăm sóc, từ đó tạo thêm động lực để các cầu thủ vững tâm với nghề.
- Cầu thủ nữ Việt Nam từng nhận nhiều lời đề nghị sang nước ngoài thi đấu, nhưng chẳng thể đi vì hai chữ “cơ chế”, cùng nhiều rào cản vô hình khác. Ông có chờ đợi trong tương lai, các học trò có thể chơi bóng ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước châu Âu?
Khi tuyển nữ Việt Nam đã góp mặt ở World Cup, đó là điểm chấm phá để các nước châu Âu, châu Á để ý đến cầu thủ nữ Việt Nam, từ đó mời sang tập luyện, thi đấu. Đó cũng là động lực để các cầu thủ thêm nỗ lực, nếu cố gắng đủ nhiều sẽ được sang nước ngoài thi đấu, rồi trở về phục vụ cho ĐTQG.
- Tuyển nữ Việt Nam sẽ có nhiều giải đấu quan trọng trong năm nay. Ông và học trò hướng tới những mục tiêu cụ thể gì cho SEA Games, AFF Cup và ASIAD?
Mục tiêu của chúng tôi là SEA Games, AFF Cup và ASIAD. Cả 3 giải đều quan trọng. Đội nữ Việt Nam sẽ phấn đấu ở các sân chơi, đặt mục tiêu cụ thể cho từng giải, trước tiên là bảo vệ tấm huy chương vàng SEA Games trên sân nhà. Đó là mục tiêu quan trọng. Giữ được thành tích này sẽ là nền tảng để tuyển nữ chơi tốt hơn ở các giải sau.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Bình luận