(VTC News)- Được đồng nghiệp nể trọng, nhưng với HLV Lê Công, những lúc ông thực sự là chính mình nhất vẫn là khoảng thời gian bên các học trò.
Ngoài việc dạy võ, ông còn phải dỗ, ông giữ vai trò người cha của rất nhiều đứa con. Con trai có, con gái có, đến từ mọi miền Bắc, Trung, Nam...
Ngoài việc dạy võ, ông còn phải dỗ, ông giữ vai trò người cha của rất nhiều đứa con. Con trai có, con gái có, đến từ mọi miền Bắc, Trung, Nam...
Hết ăn ở tập trung tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia I (Nhổn - Hà Nội), rồi lại ra nước ngoài thi đấu, mỗi năm không dưới 9 tháng trời ròng rã các VĐV phải xa nhà. Phải là một người HLV công bằng, tận tâm và biết chia sẻ thì mới có thể dung hoà được cả một đội ngũ nhiều hoàn cảnh, nhiều cá tính...
Không nghĩ gì đến chế độ đãi ngộ của bản thân, nhưng ông luôn là người "thu vén" cho VĐV. Ông tâm sự về điều mong mỏi nhất của mình: "Giá như các VĐV được đảm bảo tối đa về quyền lợi vật chất, học hành, được đảm bảo chắc chắn một tương lai sau này... Không bị phân tâm về nhiều thứ như vậy thì chắc chắn karatedo của mình còn tiến xa hơn nhiều"!
HLV Lê Công và học trò cưng Nguyệt Ánh |
Trong thể thao luôn có những khoảnh khắc đẹp. Với ông Lê Công, đó là giây phút được dang rộng cánh tay ôm chầm lấy hai cô học trò Vũ Kim Anh và Nguyễn Trọng Bảo Ngọc trên sàn đấu ASIAD Busan (Hàn Quốc) năm 2002.
Nghẹn ngào, sung sướng. Học trò khóc oà, mắt thầy cũng ngấn nước. Đó cũng là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của HLV Lê Công trong hơn 40 năm theo đuổi nghiệp karate, bên cạnh kỳ tích tại SEA Games 23 tổ chức trên sân nhà Việt Nam.
Cuộc đời huấn luyện của ông cũng không tránh khỏi không ít lần gặp tai nạn. Như khi trước lúc SEA Games 23 diễn ra vài tháng, ông bị tai nạn giao thông và chấn thương khá nặng ở vai, ông gọi đùa là “sã cánh”. Nhưng ông không bỏ một buổi tập nào. Không tự đi xe máy được, ông đành cất "con" Vespa yêu quý ở nhà, ngồi xe buýt lên Nhổn và chạy bộ gần 2 cấy số sang khu B. Ngày nào cũng như ngày nào.
Bất chấp cánh tay chỉ giơ lên thôi cũng rất khó khăn, ông vẫn nén đau, biểu diễn các tư thế thị phạm cho VĐV. HLV Lê Công là thế, không bao giờ tập “chay”. Trong tất cả các buổi tập, ông luôn hò hét rất nhiều, ra đòn rất nhiều, đứng làm bia chịu những cú đấm đá của học trò. Không ít lần, VĐV "dứt điểm" quá tay làm ông choáng váng (dù gì ông cũng đã 52 tuổi), nhưng ông cũng chẳng nề hà. Mồ hôi đầm đìa, mệt rã rời, nhưng phải thế ông mới cảm thấy... dễ chịu.
Hay như chỉ cách đây vài năm, do sơ ý mà ông bị đứt gân gót chân, máu chảy ra rất nhiều. Ấy vậy mà HLV Lê Công vẫn rất gan lì, không cần tới bác sỹ. Ông một mình băng bó vết thương, rồi hôm sau vẫn “lên lớp bình thường”. Buồn nhất là lúc ông bị nghi ung thư phổi, cả gia đình, người thân và các học trò đã rơm rớm nghĩ đến chuyện xấu nhất, nhưng ông vẫn lạc quan: “Con người có số cả”, và ông vẫn đều đặn lên Nhổn không bỏ một buổi nào, cho tới khi được các bác sỹ viện 108 kết luận là hoàn toàn khỏe mạnh.
Các học trò của HLV Lê Công luôn hết mình trên sàn đấu |
Ông cũng có quan niệm khác người: không thuê chuyên gia "ngoại", có chăng chỉ mời chuyên gia trong thời gian ngắn để nắm bắt thông tin và... tăng cường quan hệ quốc tế để phòng khi đánh giải ở nước ngoài. Theo ông, người Việt Nam có thể làm được tất cả.
Đích thân ông tổng kết, đúc rút kinh nghiệm mình thu thập được để viết giáo án huấn luyện. Chỉ có tập luyện, thi đấu, tìm ra những thiếu khuyết để rồi lại tập luyện, lại thi đấu... “Phải cọ xát với nhiều đối tượng, phải ứng phó với nhiều tình huống thì VĐV mới lớn lên được”.
Chỉ cần liếc qua là ông đã biết các VĐV đang trong trạng thái tâm lý như thế nào. Tại ASIAD 16 ở Quảng Châu, buổi tối trước ngày Nguyệt Ánh thi đấu, ông dặn các thành viên trong đoàn ngày mai cố thu xếp thời gian đến cổ vũ. Ông đã biết trước đối thủ chủ nhà của Ánh nặng ký và Ánh sẽ phải chịu thêm sức ép từ các khán đài. Hôm sau mọi chuyện diễn ra đúng như vậy, khi 4 khán đài nhà thi đấu đông nghịt. Khi dẫn Ánh ra sàn đấu, ông Công ngước nhìn lên khán đài như nhắn nhủ mọi người hãy tiếp thêm lửa.
Khi Ánh thi đấu, khán giả Trung Quốc cổ vũ rầm rầm, khiến gần 20 thành viên của đoàn Việt Nam phải khản cổ mới phần nào át đi tiếng của họ. Một trận đấu quyết liệt, vì không những phải chịu sức ép từ đối thủ, Nguyệt Ánh còn phải chịu áp lực từ trọng tài và các CĐV. Ánh đã thua và không thể thực hiện lời hứa: "Con sẽ đánh một trận thật hay để tối nay bác uống rượu...".
Sau khi võ sĩ Bích Phương giành HC vàng, cả đoàn thể thao Việt Nam vui phơi phới và HLV Lê Công cũng đãi các học trò bằng những chầu bia trên đất bạn và ông đã say sưa hát cho các học trò nghe. Những ngày gần đây, nhận thấy cô học trò nhỏ tuổi nhưng sớm có thành công lớn có vẻ căng cứng về mặt tâm lý, HLV Lê Công đã dùng liệu pháp tâm lý để Phương yên tâm tập luyện.
Thành công sớm khiến Phương chịu sức ép về mặt thành tích tại các cuộc thi đấu sau đó. Hiểu được điều này nên HLV Lê Công cử ngay Nguyệt Ánh "kèm cặp" thêm cho Bích Phương.
HLV Lê Công và Bích Phương |
Đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có hình bóng của một người phụ nữ. Điều ấy càng không sai với HLV Lê Công. Ông quan niệm: “Gia đình yên ấm, bạn bè nhiều, nghề nghiệp giỏi”, đó là ba điều ông cần nhất trong cuộc sống.
Gia đình ông không giàu tiền bạc, nhưng ông có một người vợ hiểu và thông cảm với những chuyến xa nhà biền biệt, những vết đau chỉ có thể thổ lộ với vợ con. Ông đặc biệt cảm ơn bà về sự đồng cảm với niềm đam mê karate khác người của mình.
Ít ai biết tại SEA Games 2003, bà đã âm thầm chuẩn bị gần 200 suất ăn trưa, kỳ cạch mang sang nhà thi đấu Gia Lâm để... chiêu đãi những khán giả đến cổ vũ cho đội tuyển. Ông cười vui: "Bà ấy không biết là nhà thi đấu lúc nào cũng chật kín, chứ nếu biết, khéo phải làm cơm thết... cả huyện". Vì thế mà chưa có bữa cơm nào ông “dám” ăn một mình. Ông thường đợi vợ con cho đông đủ, để được hưởng không khí gia đình.
Bạn bè, chiến hữu thì ông tính đến hàng ngàn. Ông luôn tự hào mình có thể đi chu du dọc đất nước mà không mất tiền nghỉ trọ. Trước SEA Games 22, người cựu chiến binh Lê Công đã làm một cuộc hành trình thăm lại chiến trường xưa, thăm lại đồng đội, cả những người còn sống và đã khuất. Ông làm điều đó như để tĩnh lại tâm mình trước trận đánh lớn.
Ngoài thú vui quanh nghiệp võ, ông thích chơi xe ôtô. Xe đầu tiên, ông mua nhầm phải chiếc Land Cruiser cũ, ăn xăng như uống nước, tới... 30 lít/100km. Sau đó, ông chuyển sang mua chiếc Zace rồi Innova cho tiện dụng và đỡ tốn xăng hơn. Gần đây ông tậu được một chiếc Renault thể thao của Pháp khá xịn. Chiếc này có nhiều tính năng và rất hiện đại khiến HLV Lê Công rất say mê.
Ông Công cũng thích đi ngao du đây đó. Năm nào ông cũng về thăm lại các đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường xưa và nhắn nhủ với họ rằng: bằng giờ này năm sau tôi lại về thăm các đồng chí. Chiến tranh đã qua nhiều năm, nhưng những ký ức về các đồng đội, nhất là các đồng đội đã ngã xuống ở một trung đoàn hai lần được phong anh hùng luôn "sống" trong ông. Ở nhà ông thường để sẵn một túi du lịch để có thể cùng vợ đi ngao du bất cứ lúc nào. Ông có thể phóng xe ôtô đi tới hơn nghìn km mà không cảm thấy mệt mỏi.
HLV Lê Công |
Ông còn có sở thích mặc võ phục và trang phục thể thao. HLV Lê Công rất tự tin với những trang phục kiểu này. Còn với bộ vest sang trọng, ông bảo không thấy thích hợp và nó làm cho ông không cảm thấy tự tin, thoải mái.
Nhà ở ngay trung tâm Hà Nội và lại có ôtô riêng nhưng chẳng mấy khi ông Công về nhà. Ông thường ở lại Trung tâm thể thao Nhổn để đồng kham, cộng khổ và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các VĐV.
Năm nay đã ở tuổi ngoài lục tuần, nhưng ngày nào HLV Lê Công cũng dành ra ít nhất 2 giờ đồng hồ để tập luyện. Nếu không làm như vậy, ông cảm thấy bứt rứt khó chịu vô cùng. “Khi nào các học trò cần, tôi vẫn còn đủ sức để lên tuyển”, ông cười vui như vậy khi chia sẻ về món quà của cuộc sống đã tặng cho ông.
Phạm Giang
Bình luận