Sau hơn 14 năm gắn bó với HAGL, HLV Guillaume Graechen đã nói lời chia tay học viện của bầu Đức. Ông nhận một nhiệm vụ mới tại một học viện khác ở Việt Nam và thuộc hệ thống JMG toàn cầu.
Di sản của ông ở HAGL lứa cầu thủ khóa I, khóa II với những tên tuổi nổi bật như Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh. Đó là ký ức đẹp của lứa U19 tài hoa hồi 2013-2014 cùng tư duy kiên định về một thứ bóng đá tận hiến. Zing có cuộc trao đổi với HLV Guillaume Graechen không lâu trước khi ông chia tay HAGL.
"Bầu Đức đã thay đổi cuộc đời tôi"
- Ở giải U17 Quốc gia tháng 9/2020, người ta thấy ông dẫn dắt đội trẻ Nutifood mà không phải HAGL. Đó có phải là dấu hiệu sớm cho một cuộc chia ly?
Khi đó, trên lý thuyết, tôi vẫn còn ràng buộc với HAGL. Tuy nhiên về cơ bản, HAGL và JMG đã không còn hợp tác trong một khoảng thời gian. Do vậy, tôi tạm chuyển sang Nutifood JMG để hỗ trợ Franck Durix. Nutifood JMG đồng thời mượn một số cầu thủ từ HAGL JMG sang tập cùng do quân số ở đây hơi mỏng.
Như mọi người thấy, tôi và các cầu thủ trẻ Nutifood đã cùng nhau tham dự VCK U17 Quốc gia. Đây đều là những em được tôi giảng dạy, chỉ bảo từ tấm bé. Tôi không muốn xa rời các em khi khóa huấn luyện chưa khép lại.
Chất lượng của lứa Nutifood này không hề thua kém hai khóa đầu HAGL JMG. Dù không có nhiều nhân tố nổi bật, lứa này lại có một sức mạnh tập thể tuyệt vời. Các chàng trai này vẫn đang chờ ngày ra mắt chính thức. Nó sẽ giống như một vụ nổ vậy (cười).
- Rắc rối hợp đồng ấy có khiến công việc của ông bị ảnh hưởng trong thời gian cuối ở HAGL?
Có chứ. Tôi rất muốn HAGL, Nutifood và JMG cùng ngồi lại để đưa ra một câu trả lời dứt khoát về tương lai của mình. Nếu HAGL muốn dừng, tôi sẽ về Nutifood. Như vậy sẽ tốt hơn cho các bên.
Tôi hoàn toàn không có chút lo lắng nào khi rời HAGL JMG. Nếu JMG ngừng hợp tác với HAGL, tôi có thể sang châu Phi làm việc. JMG có một học viện ở đó. Nếu phải đi, tôi sẽ đưa cả gia đình theo.
- Ngoài Nutifood JMG, ông từng nhận được đề nghị nào từ các trung tâm đào tạo hoặc CLB chuyên nghiệp Việt Nam chưa?
Một số đội bóng V-League và các trung tâm đào tạo trẻ đã ngỏ lời nhưng tôi chỉ muốn gắn bó với JMG thôi. Khi nào hợp đồng hết hạn, tôi sẽ suy nghĩ về những đề nghị này.
- Hơn một thập kỷ làm việc ở HAGL, điều gì khiến ông hài lòng và tiếc nuối nhất?
Trước nhất, tôi phải nói lời cảm ơn một lần nữa với bầu Đức. Dự án của ông ấy đã làm thay đổi cuộc sống của tôi. Nhờ mối quan hệ hợp tác giữa HAGL và JMG, tôi có cơ hội khám phá ra một đất nước, một xứ sở mà tôi ví như quê hương thứ hai. Bên cạnh đó, tôi được gặp người vợ hiện tại của mình.
Về chuyên môn, tôi cảm thấy hãnh diện với các sản phẩm đầu ra ở khóa I và II như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh. Thành công của họ khiến tôi rất mãn nguyện. Tôi không có điều gì để phàn nàn về cuộc sống lẫn sự nghiệp huấn luyện tại Việt Nam.
Còn nói về tiếc nuối, có lẽ là những danh hiệu. Chúng tôi thua nhiều trận chung kết quá. Chúng tôi cùng nhau vào chung kết nhiều lần nhưng chỉ thắng một (chung kết U21 Quốc tế 2014 - PV).
- Một vài học trò cũ từng cùng ông "làm mưa làm gió" ở lứa U19 Việt Nam ngày nào giờ đang có dấu hiệu chững lại. Ông có cảm thấy tiếc cho họ?
Đây là một phần của bóng đá chuyên nghiệp. Có rất nhiều lý do dẫn tới sự chững lại của một cầu thủ. Nó có thể liên quan tới vấn đề thể hình, chấn thương hoặc thậm chí các lựa chọn khác về mặt nghề nghiệp.
Thi thoảng, tôi cũng tiếc cho vài em vì sự thiếu tập trung cho bóng đá khi đến tuổi trưởng thành. Nhưng đó là lựa chọn của họ và nó quyết định thành bại của mỗi người.
Tôi có một bảng theo dõi chi tiết về sự nghiệp của từng học viên cũ và gửi báo cáo này về cho JMG mỗi 6 tháng. Không còn làm việc cùng nhau nhưng tôi vẫn theo dõi hành trình của họ và tôn trọng con đường của mỗi người.
- Ông có thể kể về mối quan hệ giữa mình và các học trò cũ hiện tại?
Tôi làm việc và sinh hoạt tại Trung tâm Bóng đá Hàm Rồng. Thế nên sau khi rời đội một, một số học trò vẫn thường xuyên liên lạc. Cứ sau mỗi trận đấu, họ đến gặp tôi và xin lời khuyên. Tất nhiên, tôi luôn giữ sự tôn trọng cho công việc của từng HLV trưởng HAGL và không đưa ra những góp ý quá chi tiết.
Trước đây, giữa chúng tôi tồn tại mối quan hệ thầy và trò, có một khoảng cách trên dưới nhất định. Còn bây giờ, nhiều người đã trưởng thành, lập gia đình và trở thành một người cha, một người đàn ông đúng nghĩa. Họ xem tôi như một người bạn.
Mối quan hệ giữa chúng tôi vẫn có sự tôn trọng nhưng gần gũi và thoải mái hơn trước. Chúng tôi gặp nhau hàng ngày và vẫn chào hỏi vui vẻ.
- Còn với bầu Đức thì sao?
Mối quan hệ giữa tôi và ông ấy vẫn ổn mà (cười). Tôi rất biết ơn bầu Đức. Nhờ ông ấy, tôi mới có được cuộc sống này. Chỉ là hiện tại, chúng tôi không có nhiều cơ hội gặp nhau vì điều kiện công việc.
Khi nói chuyện với truyền thông, tôi vẫn luôn nhấn mạnh vai trò của bầu Đức với bóng đá Việt Nam. Ông ấy đã thổi một ngọn lửa lớn vào công tác đào tạo và góp phần tạo ra thay đổi bước ngoặt. Chúng ta không bao giờ được phép quên công lao của ông ấy.
Giấc mơ xuất khẩu cầu thủ dang dở
- Ngày ra đời, HAGL định hướng xây dựng lò đào tạo để xuất khẩu cầu thủ đi Nhật Bản, châu Âu. Nhưng giấc mơ ấy không bao giờ trở thành hiện thực. Là kiến trúc sư trưởng, ông đánh giá thế nào về thành bại của chương trình?
Chuyện này không phải không khả thi đâu. Vấn đề là CLB phải tạo điều kiện tốt nhất để cầu thủ xuất ngoại. Khi anh ta chơi tốt, CLB sẽ có tiền.
Trước khi sang Bỉ, Công Phượng từng nhận được lời mời từ Clermont ở Pháp (mùa 2020/21 chơi ở Ligue 2, mới thăng hạng Ligue 1). Mọi thủ tục cần thiết đã được hoàn tất. Đội bóng này từng chiêu mộ 4 cầu thủ của JMG. Họ hiểu Công Phượng và muốn lấy cậu ấy hoàn toàn vì yếu tố chuyên môn. Tuy nhiên, thương vụ này gặp khó ở chuyện nên cho mượn hay bán đứt và không thể hoàn thành vào phút cuối.
Tôi rất tiếc cho Phượng. Ở Bỉ, cậu ấy gần như không có cơ hội. CLB Sint-Truidense có tới 7 cầu thủ chơi ở vị trí của Phượng, trong đó một người đang là đội trưởng. HLV trưởng Sint-Truidense không biết rõ về Phượng. Cần phải thực tế, họ chiêu mộ cậu ấy để phục vụ mục đích thương mại.
- Đào tạo một cầu thủ tốt tốn rất nhiều thời gian, tiền của. Thế nên hầu hết CLB Việt Nam sẽ không dễ để người của mình ra nước ngoài theo dạng cho mượn miễn phí hoặc bán đứt với giá rẻ. Đó có phải rào cản khiến cầu thủ Việt khó ra nước ngoài?
Tôi có thể hiểu được tâm lý này. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận sự việc theo hướng lâu dài. Đúng là CLB Clermont muốn mượn Công Phượng miễn phí, nhưng họ cần cậu ấy vì mục đích chuyên môn chứ không phải để làm thương hiệu.
Nếu sang Pháp, cậu ấy sẽ có cơ hội thi đấu. Nếu tỏa sáng, giá trị của Phượng sẽ tăng lên và HAGL có thể thu về khoản phí đáng kể nếu bán cậu ấy vào năm sau nữa.
Đó là cách JMG đang kiếm tiền từ việc đào tạo cầu thủ. Chúng tôi gửi cầu thủ đến các CLB và đính kèm những điều khoản thanh toán rõ ràng. CLB không cần phải bỏ ra số tiền ngất ngưởng để mua cầu thủ mà chi tiền dựa trên đóng góp thực tế của anh ta. Nó căn cứ trên số lần ra sân, số bàn thắng, pha kiến tạo, sự xuất hiện ở cúp châu Âu hay % từ việc chuyển nhượng cầu thủ sau này.
Phương án này mang đến sự công bằng cho các bên. Các CLB không cần bỏ ra một khoản tiền lớn để mua đứt một cầu thủ mà họ chưa chắc anh ta có hòa nhập và tỏa sáng ở môi trường mới. Còn JMG vẫn có thể thu về lợi nhuận lâu dài từ những người thậm chí đã hết hạn hợp đồng. Tôi đã nói điều này với HAGL rất nhiều lần, nhưng họ không tán thành.
Bản thân tôi và JMG luôn hành động vì tương lai cầu thủ. Khi chọn đội bóng cho cầu thủ, điều đầu tiên chúng tôi nghĩ tới phải là yếu tố chuyên môn chứ không phải tài chính. Nhưng chúng tôi đã không có được sự ủng hộ từ đối tác.
- Những lần xuất ngoại không thành công ít nhiều làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của Công Phượng. Ông có nghĩ vậy không?
HAGL kiếm được một vài khoản tiền từ các lần cho mượn cầu thủ. Nhưng chuyện này có giúp ích được gì cho sự nghiệp của cầu thủ? Với những người trẻ, thi đấu dưới dạng cho mượn giúp họ tích lũy kinh nghiệm. Nhưng với những cầu thủ đã 24, 25 tuổi, sự ổn định và phát triển mới là điều cần được hướng tới.
Với Công Phượng, chúng ta chỉ giữ chân cậu ấy nếu có một kế hoạch phát triển rõ ràng, mang lại lợi ích cho đội bóng lẫn cầu thủ. Bằng không, ta nên giải phóng để tạo cơ hội cho các bên. Nên nhớ, một cầu thủ trưởng thành bị kìm hãm ở đội một sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng xuất hiện của các tài năng kế cận.
- Ông đã nhắc tới Công Phượng rất nhiều. Tiền đạo xứ Nghệ dường như là cậu học trò mà ông tâm đắc nhất?
Công Phượng là nỗi tiếc nuối lớn nhất của tôi nhiều năm qua. Cậu ấy có phẩm chất kỹ thuật, tư duy chơi bóng và ý chí mạnh mẽ. Trong những sản phẩm của HAGL JMG, Phượng là người sáng cửa ra nước ngoài nhất. Cậu ấy đáng ra đã có một sự nghiệp tốt hơn nếu được lựa chọn con đường đúng đắn.
Ngoài các đội bóng châu Âu, cậu ấy cũng được các CLB ở Bắc Mỹ để mắt. Cách đây vài năm, bằng những mối quan hệ sẵn có, Montreal Impact đã liên hệ với chúng tôi để chiêu mộ cả Công Phượng và Văn Toàn. Tuy nhiên, vì nguyên nhân nào đó, HAGL không đồng ý để thương vụ này xảy ra.
Tôi thật sự rất muốn thấy Phượng thành công ở nước ngoài. Bởi nếu điều này xảy ra, HAGL và nhiều đội bóng Việt Nam sẽ nhìn thấy một hướng đi giàu tiềm năng và sẵn lòng mở cánh cửa xuất ngoại cho các cầu thủ của mình.
- Ngoài Công Phượng, ông còn tâm đắc với cầu thủ nào nữa không?
Tất nhiên, ngoài Công Phượng, HAGL JMG cũng có vài cái tên đáng chú ý khác. Nhưng họ không có sự đặc biệt như Phượng.
Với riêng khóa I và II, tôi nghĩ những cầu thủ như Vũ Văn Thanh, Nguyễn Văn Toàn, Lương Xuân Trường hay Nguyễn Tuấn Anh hoàn toàn có thể chơi bóng tại nước ngoài. Ở đẳng cấp cao thì khó nhưng với các CLB trung bình khá của Pháp, Bỉ hay Bồ Đào Nha, đó không phải vấn đề với họ. Điều quan trọng nhất vẫn là thời điểm và sự phù hợp về triết lý chơi bóng. Tôi nghĩ độ tuổi lý tưởng nhất để xuất ngoại là 21 hoặc 22.
Bình luận