"Hình ảnh cho thấy giống như một mảng tuyết lớn chưa ai từng khám phá, một giấc mơ cho những ai yêu kỳ nghỉ lễ", Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) viết lời bình đi kèm tấm ảnh được chụp bằng thiết bị Camera độ phân giải cao của Mars Express.
Miệng núi lửa Korolev với đường kính 82 km nằm gần vùng cực bắc của sao Hỏa, chứa lượng nước đóng băng tương đương với lượng nước trong hồ Great Bear ở miền bắc Canada với phần trung tâm dày tới 1,8 km.
Lý giải về hiện tượng đóng băng này, ESA cho biết phần sâu nhất của miệng núi lửa Korolev, những phần chứa băng hoạt động như một cái bẫy lạnh tự nhiên. Cụ thể, không khí di chuyển qua lớp băng lạnh rồi chìm xuống, tạo ra một khối không khí lạnh nằm ngay bên trong lớp băng. Lớp không khí này hoạt động như một tấm khiên ngăn cho băng không bị nóng lên và biến mất.
Mars Express được phóng từ bãi phóng Baikonur, Kazakhstan ngày 2/6/2003 mang theo sứ mệnh khám phá sao Hỏa, chụp ảnh toàn bộ bề mặt sao Hỏa ở độ phân giải cao, tạo ra bản đồ về thành phần khoáng vật cũng như hoạt động khí quyền trên hành tinh Đỏ.
Tới ngày 25/12/2003, Mars Express bay vào quỹ đạo của sao Hỏa. Đầu năm 2004, thiết bị gửi về ảnh có độ phân giải cao đầu tiên trên sao Hỏa cùng bản đồ khoáng vật bề mặt, âm thanh cấu trúc dưới mặt đất.
Do các thông tin khoa học đưa về có giá trị và hồ sơ nhiệm vụ linh hoạt, Mars Express nhận thêm một số nhiệm vụ mở rộng, mới nhất cho tới cuối năm 2020.
>>> Đọc thêm: Muốn sinh con trên sao Hỏa, con người phải chỉnh sửa gene
Bình luận