Chương trình không gian Trung Quốc làm nên lịch sử sáng 3/1 khi Hằng Nga 4 thành công hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng khoảng 9h26 giờ Việt Nam, theo SCMP.
Tàu Hằng Nga 4 cũng truyền về hình ảnh chụp cận cảnh đầu tiên phần tối của Mặt Trăng qua vệ tinh chuyển tiếp dữ liệu Cầu Ô Thước.
Hằng Nga 4 được phóng trên một tên lửa Long March 3B ngày 8/12/2018 tại Trung tâm phóng vệ tinh Xichang ở tỉnh Tứ Xuyên, miền tây nam Trung Quốc. Tàu đi vào quỹ đạo Mặt Trăng 4 ngày sau. Phương tiện này mang theo bộ dụng cụ được thiết kế để ghi lại và xác định địa chất của khu vực cũng như để thực hiện các thí nghiệm sinh học.
Video: Hình ảnh đầu tiên từ tàu vũ trụ Trung Quốc
Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cho biết các nhiệm vụ khoa học của Hằng Nga 4 bao gồm quan sát thiên văn bằng sóng vô tuyến tần số thấp, khảo sát địa hình và dạng đất, phát hiện thành phần khoáng và cấu trúc bề mặt mặt trăng.
Tàu này còn có nhiệm vụ đo bức xạ neutron và các nguyên tử trung tính (neutral atoms – nguyên tử chứa số electron và proton bằng nhau), tìm hiểu về môi trường ở vùng tối, còn được gọi là vùng xa của Mặt Trăng.
Long Xiao, nhà địa chất học hành tinh tại Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc ở Vũ Hán, nói vùng hạ cánh được chọn cho Hằng Nga 4 nằm trong lưu vực Nam Cực-Aitken (SPA), nơi có cấu trúc chịu tác động lớn nhất, sâu nhất và lâu đời nhất trên Mặt Trăng. Các số đo độ sâu và trọng lực của khu vực này cho thấy có thể nó đã chịu tác động to lớn và lộ ra lớp phủ của Mặt Trăng.
Sự kiện trên đánh dấu chuyến thám hiểm đầu tiên trên thế giới đến một khu vực Mặt Trăng chưa bao giờ hướng mặt về phía Trái Đất. Tất cả các tàu thăm dò Mặt Trăng cho đến nay chỉ mới tiếp cận ở gần, bởi khu vực này dễ thiết lập và duy trì liên lạc vô tuyến trực tiếp hơn.
Thành công của Hằng Nga 4 cũng đánh dấu việc hoàn thành giai đoạn hai Chương trình khám phá Mặt Trăng của Trung Quốc (CLEP), một trong 16 chương trình công nghệ chủ chốt được nước này tập trung.
Theo CLEP, Trung Quốc có kế hoạch phóng một tàu vũ trụ có thể quay trở lại được gọi là Hằng Nga 5 vào năm 2020, trong giai đoạn ba và cuối cùng của kế hoạch. Hằng Nga 5 bao gồm một tàu đổ bộ Mặt Trăng và một thiết bị tự do có thể trở về Trái Đất sau khi thu thập các mẫu và thực hiện các cuộc khảo sát.
Ngoài các thiết bị khoa học mà Trung Quốc “tự trồng”, tàu Hằng Nga 4 cũng sử dụng các thành phần được phát triển bởi các nhà khoa học từ Hà Lan, Đức, Thụy Điển và Ả Rập Xê Út.
>>> Đọc thêm: Tàu vũ trụ Trung Quốc đáp thành công xuống vùng tối Mặt trăng
Bình luận