Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 21 m/s (cấp 9), An Nhơn (Bình Định) 12m/s (cấp 6), giật 19 m/s (cấp 8); Quy Nhơn có gió mạnh 11m/s (cấp 6), giật 16m/s (cấp 7); ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Chiều nay (06/10), sau khi đi vào vùng biển các tỉnh Bình Định – Phú Yên, bão số 7 đã suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 17 giờ ngày 06/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Bình Định – Phú Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) trong đêm nay (06/10) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Các tỉnh Bắc Tây Nguyên có gió giật cấp 6, cấp 7.
Ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa to đến rất to.
Tại Thừa Thiên - Huế, sáng 6/10, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế: Hiện nay, cơ quan thường trực – Bộ đội biên phòng tỉnh đã kêu gọi được 1.810 phương tiện tàu cá đánh bắt thủy hải sản có công suất từ 20CV trở lên đang đánh bắt tại những vùng biển chịu ảnh hưởng cơn bão số 7 vào bờ trú ẩn an toàn, với tổng số 9.053 lao động.
Trong đó, có 7 tàu cá/28 lao động của các tỉnh Bình Định và Bà Rịa – Vũng Tàu đang neo đậu an toàn tại các cảng biển Thừa Thiên – Huế.
Nhiều tàu cá đã vào bờ trú ẩn an toàn |
Trước đó, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân đang sinh sống trong vùng biển bị sạt lở, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Thị xã Hương Trà đi kiểm tra thực địa biển bị sạt lở nặng bờ biển, đoạn qua xã Hải Dương, Thị xã Hương Trà và chỉ đạo các địa phương cần sớm có phương án di dời dân khẩn cấp đến nơi an toàn.
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã xuất 100 khối đá hộc, 60 rọ thép, 700m2 vải lọc, 3.000 bao tải; Thị xã Hương Trà đã huy động 100 khối đá hộc với hàng trăm người dân tập trung xử lý tạm thời để tránh sạt lở.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực địa tại các nhà máy thủy điện Bình Điền, Hương Điền và A Lưới. Ngoài ra, Sở Công thương phối hợp với sở Tài chính, Ban chỉ huy PCLB cùng các đơn vị liên quan tổ chức Đoàn kiểm tra hàng hóa dự trữ tại các kho của doanh nghiệp để đảm bảo có đủ số lượng, chất lượng, chủng loại hợp đồng đã ký: 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền để tỉnh điều động khi cần thiết.
Hiện nay, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn vẫn đang tiếp tục theo dõi tình hình cơn bão số 7 để có biện pháp sớm triển khai phương án cho các địa phương ứng phó.
Do ảnh hưởng cơn bão số 7 đang tiến gần vào đất liền, trong rạng và sáng 6/10 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã bắt đầu có mưa lớn trên diện rộng.
Đến trưa 6/10, tâm bão số 7 có hướng di chuyển lệch về phía Nam tỉnh Bình Định, cách bờ biển các tỉnh Quãng Ngãi - Phú Yên khoảng 180km về hướng Đông.
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm hôm nay, tại các tỉnh miền Trung có mưa vừa mưa to trên diện rộng, lượng mưa đo được từ 30-60 mm, trong đất liền bắt đầu có gió giật cấp 3 cấp 4, vùng ven biển cấp 5 cấp 6.
Tại Quảng Ngãi, theo báo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này thì từ rạng sáng 6/10, địa bàn tỉnh có mưa trên diện rộng, lượng mưa đo được từ 15-20 mm. Từ trưa và chiều tối nay, lượng mưa sẽ tăng lên từ 150-300mm.
Di chuyển tàu thuyền vào bờ |
Tính đến sáng nay, tổng số tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động trên biển tại các khu vực là 489 phương tiện/4.826 lao động (giảm 128 phương tiện/1.220 lao động so với thời điểm 22 giờ ngày 5/10/2012).
Cụ thể: Vùng biển quần đảo Hoàng Sa có 5 phương tiện với 72 lao động; vùng biển quần đảo Trường Sa có 93 phương tiện với 1.971 lao động; vùng biển các tỉnh phía Bắc có 209 phương tiện với 1.670 lao động; vùng biển Đà Nẵng có 10 phương tiện với 58 lao động; vùng biển phía Nam có 143 phương tiện với 885 lao động; vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có 29 phương tiện với 170 lao động.
Sở chỉ huy tiền phương có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành việc huy động lực lượng, phương tiện để xử lý, đối phó khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn khi bão, lũ xảy ra. Theo dự kiến, chiều 6/10, Sở chỉ huy tiền phương sẽ tiến hành họp tại huyện Đức Phổ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Tại Bình Định, từ sáng sớm nay, bão số 7 cũng đã gây mưa trên diện rộng với lượng mưa đo được từ 30-60mm, gió mạnh dần lên cấp 5, cấp 6. Theo dự báo, từ chiều và tối nay, khi tâm bão đi sát vào đất liền sẽ gây mưa lớn gấp nhiều lần. Đất liền có gió giật cấp 7-8, có nơi cấp 9 cấp 10.
Nông dân gặt lúa sớm tránh bão |
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bình Định thì đến sáng 6/10, phần lớn các tàu, thuyền của ngư dân trong tỉnh đã di chuyển về bờ và vào các đảo để tránh, trú bão.
Trong sáng nay Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung xuống các địa phương chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão, yêu cầu các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện… để phục vụ cho công tác di dời các hộ dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, đồng thời kiểm tra, cử người túc trực 24/24 giờ tại các công trình xung yếu, kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Chèn chắn nhà cửa chống bão |
Trước thông tin bão số 7 nhiều khả năng đổ bộ vào Bình Định, Sở GD-ĐT tỉnh này đã quyết định cho hơn 345.000 học sinh các cấp ở 632 trường học trên địa bàn tỉnh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông nghỉ học ngày 6/10 để tránh bão và đảm bảo an toàn tính mạng cho giáo viên và học sinh.
Đồng thời Sở GD-ĐT Bình Định cũng đã yêu cầu các trường học trên địa bàn tỉnh bố trí lực lượng ứng trực tại các trường để bảo vệ tài sản, chủ động ứng phó kịp thời các sự cố có thể xảy ra khi bão số 7 đổ bộ vào, tránh thiệt hại do bão lũ gây ra.
Tại Phú Yên, trước thông tin tâm bão đang đi chệch hướng vào địa phận tỉnh, cán bộ và nhân dân nơi đây đang gấp rút tiến hành các phương án phòng chống bão khẩn cấp.
Sáng 6/10, các thành viên trong Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Phú Yên tiếp tục phối hợp chính quyền các địa phương trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng thanh niên xung kích, dân phòng giúp dân sơ tán đến những khu vực đã định sẵn, dự kiến hoàn thành trước 2 giờ chiều cùng ngày.
Các âu thuyền tấp nập tàu tránh bão |
UBND tỉnh Phú Yên cũng đã thông báo công điện khẩn yêu cầu bộ đội biên phòng kiểm tra nghiêm ngặt, cấm tàu thuyền ra biển, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn; thông báo cho 255 phương tiện với 1567 lao động còn hoạt động trên biển tìm nơi tránh trú.
Trước đó, vào trưa 5/10, chủ trì cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chỉ đạo các biện pháp ứng phó với bão số 7, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ những yếu tố nguy hiểm của cơn bão kèm mưa lớn, đường đi phức tạp, dự kiến bão sẽ đổ bộ vào đất liền vào sáng 7/10 và quyết định cử đoàn công tác vào Bình Định lập Ban Chỉ huy tiền phương phòng chống bão.
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát sẽ vào Bình Định để cùng Ban Chỉ huy tiền phương họp bàn phương án đối phó với bão số 7.
Nghĩa Bình – Thanh Khiết - Nguyễn Thu
Bình luận