(VTC News) – Việc Him Lam xin 1.000 hécta đất tại các tỉnh Tây Nguyên để trồng cây mắc ca, quyết cùng các nhà đầu tư khác biến Việt Nam thành "thủ phủ cây tỷ đô mắc ca" bị cho là không khả thi và tham vọng quá đà.
Him Lam cùng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank) đã xây dựng đề án đầu tư phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên, tổng trị giá khoảng 20.000 tỷ đồng. Theo đề án, mắc ca là cây hứa hẹn mang lại tỷ đô.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về đề án phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Phóng viên VTC News đã trao đổi với TS Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Giá trị cao nhưng không dễ trồng
- Ông đánh giá thế nào về đề án của Him Lam? Cây mắc ca có thực sự có giá cao không, thưa ông?
Muốn đánh giá rõ đề án của Him Lam cần phải hiểu rõ về cây mắc ca.
Mắc ca là cây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cho Tổng cục Lâm nghiệp theo dõi về mặt nhà nước. Nhắc đến Tổng cục lâm nghiệp, mọi người sẽ nghĩ mắc ca là cây lâm nghiệp để lấy gỗ. Thế nhưng, mắc ca cũng là cây ăn quả dài ngày. Cây mắc ca có nhân. Nhân mắc ca sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm,… TS Nguyễn Trí Ngọc
Đây là cây đa chức năng, nhiều tác dụng.
Ở Việt Nam, cây mắc ca vẫn còn tương đối mới. Cây mắc ca mới đưa vào từ 1992, tới bây giờ mới gần được 20 năm. Cả trăm năm sau vẫn còn có thể khai thác được mắc ca. Là cây trồng trăm năm nhưng mới vào Việt Nam 20 năm nên chưa có gì để nói nhiều về mắc ca.
Phải hiểu đặc tính của cây mới có những nhận xét, đánh giá toàn diện được. Nếu chỉ nhìn nó như cây dài ngày hoặc ngắn ngày bình thường thì khó đánh giá.
- Với các đặc tính ông vừa nêu, dường như cây mắc ca có giá trị kinh tế cao?
Kết luận cây mắc ca có giá trị kinh tế hay không phải đặt trong một phép so sánh, phải tìm cây tương tự để so sánh. Cà phê là cây có nhiều điều kiện giống mắc, cũng là cây công nghiệp, lấy quả và hạt. Cây cà phê có nhiều chức năng nhưng không bằng cây mắc ca.
Tính trên đầu 1ha, cây mắc ca có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 đến 5 lần so với cây cà phê. So với chè, giá trị kinh tế của mắc ca còn cao hơn rất nhiều, cao hơn cả về đa dạng chức năng cũng như thời gian khai thác dài hơn.
Tuy nhiên, mắc ca cũng có những hạn chế so với các cây khác. Mắc ca là cây trồng mới du nhập vào Việt Nam nên cả giới khoa học và nông dân đều chưa hiểu nhiều về cây, chưa va chạm nhiều nên nói nôm na thì chúng ta chưa biết được cái sướng, cái khổ của trồng mắc ca như thế nào.
Ngay cả với cà phê, một loại cây vốn đã rất phổ biến ở Việt Nam, có nhiều người làm giàu nhờ cà phê nhưng cũng không ít doanh nghiệp “chết” vì cà phê. Cũng có người nông dân không thể làm giàu được từ cà phê ngay trên đất trồng cà phê, vùng trồng cà phê.
Nhiều vùng trồng cà phê như Tây Bắc cũng phải lao đao khốn đốn mới khẳng định được thương hiệu. Điều đó cho thấy, cây mắc ca dù có giá trị kinh tế cao nhưng không dễ dàng gì để kiếm lợi nhanh chóng.
- Điều gì cản trở cây mắc ca, thưa ông?
Tôi nói câu chuyện để khẳng định mắc ca là loại cây trồng như bao cây trồng khác, phải chịu tác động của hai yếu tố. Đó là thị trường và khí hậu, thời tiết. Vẫn còn chưa biết yếu tố nào tác động nhiều hơn tới cây mắc ca.
Thứ nhất, nếu coi mắc ca là sản phẩm, hàng hóa, thị trường sẽ là yếu tố quyết định. Trong đó, cầu rất quan trọng. Có cầu ắt có cung.
Về cầu, mắc ca mới chỉ đáp ứng phần rất nhỏ nhu cầu trên toàn thế giới. Thị trường cần 100 thì cung mới đáp ứng được khoảng 20. Cầu rất lớn ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Mắc ca đang trong tình trạng muốn mua nhưng không có mà mua.
Cung thấp vì vùng trồng mắc ca khá hạn hẹp. Ngoài một số nước như Australia, Nam Phi,… chỉ một vài nước châu Á, trong đó có Việt Nam có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng mắc ca. Cả thế giới mới có 80.000 ha đất dành cho mắc ca. Ở Việt Nam, vùng trồng mắc ca rất khiêm tốn, chỉ 2.000ha.
Thứ hai, nếu coi mắc ca là đối tượng cây trồng thì mắc ca phụ thuộc nhiều vào khí hậu. Mọi diễn biến thất thường của thời tiết đều tác động đến cây trồng. Ví dụ mấy ngày mưa phùn gió bấc gần đây tác động đến phân hóa mầm. Cây sẽ vẫn ra hoa nhiều nhưng ít đậu quả.
- Như vậy, đề án trồng cây mắc ca của Him Lam sẽ khó thành công?Hạt mắc ca có giá trị kinh tế cao
Đề án trồng cây mắc ca của Him Lam đang rất “nóng” trong dư luận. Tôi nhận thấy có rất nhiều ý kiến trái chiều. Bản thân tôi đánh giá đề án có nhiều vấn đề.
Thứ nhất, Him Lam là nhà đầu tư. Mà nhà đầu tư trước hết phải tính đến lợi nhuận. Có lợi nhuận mới có đầu tư. Muốn đầu tư phải có đất. Đất cũng là tài sản. Nhưng trước đây không ít doanh nghiệp lấy đất làm việc khác. Câu chuyện đó có rồi, đặc biệt với cây cao su. Vì vậy, cần hết sức tỉnh táo với câu chuyện đó để phân tích.
Thứ hai, tính đến lợi nhuận thì tính đến tiềm năng mắc ca. Đúng là mắc ca có tiềm năng, có thị trường. Him Lam xây dựng chuỗi giá trị khi xây dựng đề án cho mắc ca. Chuỗi giá trị bắt đầu từ giống, trồng trọt, chế biến và thị trường. Đề án đáp ứng được cái đó. Người ta cũng nêu rõ những thuận lợi, khó khăn.
Tôi đánh giá đây là đề án có cơ sở, đã được tính toán kĩ, đi đúng hướng. Bản thân nhà đầu tư lại là ngân hàng, có tiền. Làm cái này không thể không có tiền vì đầu tư dài ngày. Vốn cho 1ha mắc ca là 190 - 200 triệu đồng. Nông dân không thể có vốn lớn như vậy để tự làm.
Điều kiện cần và đủ (thị trường và tiền vốn) của đề án đã có, chỉ thiếu đất trồng và người trồng. Vì vậy, cần khuyến khích người dân hướng tới cây có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, khuyến khích thế nào đừng để nông dân ảo tưởng trở thành vỡ mộng.
"Thủ phủ mắc ca": Không khả thi
- Ông ủng hộ đề án này và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành “thủ phủ mắc ca”?
Sau 20 năm vào Việt Nam, mắc ca mới phát triển được 2.000ha. Đây là con số quá ít. Còn với mong muốn trở thành thủ phủ vùng trồng măc ca nhiều nhất thế giới, tôi đánh giá đây là mong muốn chính đáng. Ai chẳng muốn làm giàu. Đã giàu rồi, ai cũng muốn giàu hơn.
Mong muốn chính đáng nhưng khả thi hay không thì cần xem xét. Cần nhìn kỳ vọng sẽ phát triển diện tích trồng mắc ca ở Việt Nam từ nay đến 2030 hoặc sau 2030 lên 200.000 ha có khả thi không. Tôi cho rằng không khả thi.
20 năm qua chúng ta mới có 2.000ha. Muốn thành thủ phủ mắc ca trong 15 năm sau thì toàn quốc phải có 200.000ha. Quỹ đất thì có nhưng không khả thi vì mắc ca cây trồng đặc biệt khó tính. Chúng ta có thể trồng hàng loạt, cây vẫn ra hoa nhưng có thể không có quả. Mà không có quả thì không hiệu quả.Mong muốn Việt Nam trở thành thủ phủ mắc ca được đánh giá không khả thi
Vì vậy chúng tôi, với tư cách cả nhà khoa học và quản lý cho rằng Việt Nam chỉ đặt mục tiêu khoảng 100.000ha là vừa đủ sức. Diện tích trồng mắc ca như vậy đã bằng cả diện tích trồng mắc ca cả thế giới hiện nay.
- Ngoài quy mô, đề án còn phải xem lại vấn đề gì nữa không, thưa ông?
Đề án trở thành cường quốc mắc ca cần phải xem lại về mặt tiến độ, xem lại cả về mặt mục tiêu. Như thế quá lớn, tham vọng quá cao. Quy mô và tiến độ chưa sát thực tiễn, khó có tính khả thi. Đề án cần đi sát thực tiễn hơn, phải điều chỉnh cả quy mô, tiến độ.
Đó là vĩ mô, từ vi mô đi xuống vĩ mô, đề án cần xác định vùng nào trồng được cây mắc ca. Hiện nay đề án chưa làm được điều đó, chỉ xác định chung chung là Tây Bắc, Tây Nguyên. Mà ở Tây Bắc, Tây Nguyên có hàng triệu ha.
Vì vậy, cần phải phân vùng trồng cây. Vùng nào trồng chè đang có hiệu quả thì để nguyên, không thể phá chè trồng mắc ca được. Thậm chí có vùng còn trồng cây ngắn ngày như ngô. Vì vậy, cần rà soát kĩ quy hoạch, chi tiết.
Bên cạnh đó, mắc ca là cây dài ngày. Hiệu quả cao bao nhiêu thì rủi ro lớn bấy nhiêu. Rủi ro liên quan tới thị trường và thời tiết. Nông dân trồng cây được 10 năm rồi, đầu tư nhiều rồi mà lúc đó mới nói cây không hiệu quả thì “chết” luôn.
Yếu tố kỹ thuật cũng rất quan trọng. Hiện nay chúng ta chưa hiểu nhiều về cây mắc ca. Cây cao su có mặt ở đay hàng trăm năm rồi mà nhiều vấn đề kỹ thuật vẫn chưa được giải quyết triệt để. Rồi vấn đề giống thế nào để tái canh cho hiệu quả, xử lý phân bón thế nào,… cũng quan trọng. Cây mắc ca mới vào Việt Nam được 20 năm nên chúng ta chưa có nghiên cứu đầy đủ. Đề án trở thành cường quốc mắc ca cần phải xem lại về mặt tiến độ, xem lại cả về mặt mục tiêu. Như thế quá lớn, tham vọng quá cao. Quy mô và tiến độ chưa sát thực tiễn, khó có tính khả thi. Đề án cần đi sát thực tiễn hơn, phải điều chỉnh cả quy mô, tiến độ.
- Ông có lời khuyên nào cho nông dân - những người đang có kế hoạch trồng cây mắc ca.
Thông qua VTC News, tôi muốn phân tích cho hết sức khách quan, cũng như cảnh báo một số vấn đề để người nông dân không mắc phải.
Mắc ca là cây ăn quả dài ngày. Cây ăn quả dài ngày không được trồng thực sinh. Cây ăn quả về nguyên lý kỹ thuật phải ghép mới kết hợp được gốc ghép, mắt ghép mới cho năng suất cao từ việc sử dụng nguồn gen tinh túy của cả cây bố và mẹ.
Cây được trồng thực sinh từ hạt, hạt vẫn nảy mầm, cây vẫn sống, vẫn đơm hoa, kết hạt nhưng năng suất kém. Cây ghép sẽ cho năng suất cao, chất lượng tốt. Cây ghép khá phức tạp. Đầu tiên, phải trồng cây thực sinh, đến một khoảng thời gian nào đó mới cắt cành để ghép vì thế giá thành cao.
Ví dụ, giá thành cây thực sinh chỉ là 10.000 đồng thì giá cây ghép lên tới 30.000 hoặc 50.000 đồng. Người dân tham rẻ mua cây thực sinh và nghĩ rằng đây đúng là cây mắc ca rồi. Thời gian đầu, cây sinh trưởng bình thường nhưng phải 3,4 năm sau người dân mới chịu hậu quả.
Hiện nay, trong 1.600 ha ở Tây nguyên, không dưới 50% cây mắc ca được trồng là cây thực sinh. Hậu quả là năng suất kém, chất lượng kém rồi người dân đổ lõi đề án làm không tốt. Đã có bài học nhãn tiền rồi. Trước đó là cà phê, cao su,…
- Ngoài giống, nông dân còn chú ý gì nữa không, thưa ông?
Ngoài giống, người nông dân cần phải biết vùng đất mình định trồng mắc ca có phải vùng phù hợp không. Khi trồng mắc ca, nông dân đã có doanh nghiệp bao tiêu cho sản phẩm của mình chưa, cần phải gắn kết với doanh nghiệp ngay từ đầu.
Nếu cứ trồng mắc ca mà không có doanh nghiệp bao tiêu, tới khi thu hoạch, nông dân sẽ không biết bán sản phẩm cho ai.
Quan trọng không kém đó là nông dân phải kiên nhẫn. Trồng cây ăn quả là ông trồng cho cháu, cho thế hệ sau, ý nói phải mang tính bền vững. Mà cây trồng dễ không bền vững bởi ý thức con người thay đổi theo thời gian.
Tôi rất sợ trồng cây được 3 năm, sắp đến ngày ra quả thì nông dân lại nhổ đi trồng cây khác.
- Có nhiều tích cực và hạn chế, thế nhưng kết lại, ý kiến của ông về đề án này là gì?
Về phương diện chung, tôi rất hoan nghênh đề án này. Phải là doanh nghiệp có tâm và có tâm mới đầu tư vào nông nghiệp nông thôn vì lĩnh vực này có nhiều rủi ro. Trong những năm gần đây, nguồn vốn FDI vào nông nghiệp ngày càng giảm, giờ chỉ khoảng 1% vì không hiệu quả.
Khi xây dựng nông nghiệp nông thôn, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích bảo hộ, không thể để nông dân tiếp tục bơi trong vòng luẩn quẩn, bơi không có định hướng để chìm ngập trong biển cả thị trường.
Còn về đề án này hay bất cứ đề án nào, khi đánh giá phải cố gắng khách quan, nhìn cả mặt tích cực và hạn chế để tìm cách phát huy tích cực và kiềm chế hạn chế. Đừng để doanh nghiệp lợi dụng, làm mục tiêu này nhưng hướng tới mục tiêu khác. Câu chuyện đó đã xảy ra rất nhiều.
Thậm chí có trường hợp có một số đối tượng vì lợi ích nhóm đã thổi phồng các câu chuyện. Đằng sau đó là mảnh đất mảnh mỡ, bán giống rởm.
Bảo Linh
Bình luận