Vụ nam sinh tự vẫn ở trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) vì áp lực học tập đang thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận.
Dù học trong một ngôi trường có chất lượng thuộc loại tốt nhất cả nước, thành tích học tập cao (tổng kết kì 1 8,9 điểm) nhưng em T.T.C. (lớp 10E3) vẫn nhảy lầu tự vẫn vì không đáp ứng được nguyện vọng của gia đình (điểm số không đứng đầu khối).
Mặt khác dư luận cũng cho rằng việc áp lực từ ngôi trường có “kỉ luật thép” về học tập cũng như sinh hoạt đã khiến em C. không làm chủ được bản thân, nghĩ đến cách giải thoát.
Trước những thông tin trên, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Khuyến đã lên tiếng phủ nhận việc nhà trường chạy theo thành tích, áp dụng “kỷ luật thép” bắt học sinh phải làm theo.
“Khi nhận học sinh, nhà trường cố gắng tạo môi trường học tập tích cực, nâng cao lực học của học sinh để không phụ lòng phụ huynh. Nguyện vọng của phụ huynh khi gửi con vào trường để tốt hơn nên nhà trường phải làm được điều đó.
Tuy nhiên, chúng tôi không dám nghĩ đến thành tích. Mà nhiều năm nay trường đã có bằng khen nào đâu”, ông Tín cho hay.
Trước thông tin dư luận chỉ trích trường học hà khắc, lịch học dày đặc, thậm chí ngày Tết còn ra nhiều bài tập về nhà, ông Tín cho rằng lịch học nhà trường thực hiện đúng theo chỉ đạo của Sở Giáo dục - Đào tạo. Từng tuần, tháng, quý đều theo phân phối của Sở.
“Kiến thức sách giáo khoa thôi là chưa đủ, các giáo viên cho học sinh tiếp cận thêm nhiều dạng bài tập, khi thi cử sẽ dễ dàng xử lý. Muốn đạt kết quả tốt thì phải rèn luyện”, vị hiệu trưởng nói.
Thầy Tín cho biết: “Đối với trường Nguyễn Khuyến, việc kỷ luật giúp học sinh tiến bộ hơn, không bị nhờn nội quy.
Vị hiệu trưởng này phủ nhận thông tin “học sinh đến muộn bị phạt đứng chép bài ở hành lang, bị đổi chỗ ngồi và chuyển lớp”.
"Không có chuyện học sinh đến muộn bị phạt đứng chép bài ở hành lang, bị đổi chỗ ngồi và chuyển lớp. Một học sinh đi học muộn nhiều lần, nhà trường phải phạt hoặc nhắc nhở để các em khắc phục. Còn việc chuyển lớp, xuất phát từ những kỳ thi đánh giá năng lực học sinh. Học sinh có học lực tốt, cố gắng trong học tập nhưng theo học ở lớp không phù hợp với năng lực học tập thì cho học sinh đó chuyển lên lớp chất lượng tốt hơn.
Ngược lại, một học sinh ở lớp chất lượng tốt, nhưng lực học giảm sút sẽ điều chuyển xuống lớp khác để có chương trình học phù hợp.
Nhà trường thừa nhận, có những học sinh thuộc dạng “đặc biệt”, nhà trường chưa sát sao, chưa làm tròn bộn phận, để xảy ra những sự việc đáng tiếc, đó là lỗi của nhà trường”.
Thầy Tín cho biết, thời gian tới, nhà trường sẽ thay đổi phương pháp dạy học và quy định để phù hợp hơn.
“Nhà trường thay đổi chương trình học liên tục, chứ không phải có chuyện xảy ra mới thay đổi. Tuy nhiên, khi có hiện tượng thì thay đổi mau lẹ hơn để phù hợp với xã hội, xu thế chung của ngành giáo dục. Trường luôn chỉ đạo không để giáo viên vì thành tích mà ép học sinh phải học”, thầy Tín cho biết thêm.
Cũng theo thầy Tín, ngoài việc học, nhà trường còn thường xuyên tổ chức những buổi dã ngoại, văn nghệ, thể dục, thể thao. Tổ chức nhiều sân chơi kỹ năng như sân chơi văn học, robot, tiếng Anh.
Những thông tin bên ngoài, học sinh được biết thông qua các buổi chào cờ, các buổi giao lưu trong nhà trường, như cập nhật tình hình biên giới, biển đảo, bão lũ. Nhà trường phối hợp với bảo tàng mượn những thiết bị đưa về nhà trường, và cam kết không làm hư hỏng.
“Nhà trường không tách học sinh ra khỏi xã hội. Nhà trường chú trọng giáo dục trải nghiệm cho học sinh, giao đề tài để học sinh tự tìm hiểu và trải nghiệm”, thầy Tín khẳng định.
Trưa 12/4, thầy Lê Trọng Tín – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP.HCM) thông tin đến báo chí về vụ em T.T.C. (lớp 10E3) nhảy lầu tự vẫn tại trường.
Thầy Tín cho biết, vào khoảng 5h15 ngày 10/4, các thầy cô giáo nội trú và 2 em học sinh phát hiện em T.T.C. đứng trên mái tôn lầu 4 (dãy phòng học của trường) nên gọi em C. xuống nhưng em này không nghe.
Lúc này, thầy Hội (một giáo viên trong trường) lên tận nơi thuyết phục C. đi vào nhưng em này không nói gì mà đi xa ra mép tôn hơn.
Ngay sau đó, thầy Hội đã gọi toàn bộ giáo viên quản nhiệm em C., bảo vệ trong trường và cho 2 người bạn thân của C. lên thuyết phục. Còn bên dưới các thầy cô chuẩn bị sẵn chăn, nệm đỡ phía dưới.
Khi 2 bạn thân của C. lên thuyết phục, C. đã đi lùi vài bước (cách mép tôn 3m) vừa khóc vừa cười rồi bất ngờ quay lại chạy ra mép tôn lao mình xuống đất.
Các thầy cô lập tức đưa C. đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng em đã không qua khỏi.
Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường gọi công an phường, công an quận đến hiện trường làm việc đồng thời yêu cầu những người chứng kiến viết tường trình.
Trước khi nhảy lầu, em C. có để lại 2 bức thư tuyệt mệnh gửi cho cha mẹ và lớp học.
Video: Nam sinh nhảy lầu tự vẫn: Cha mẹ muốn con học giởi nhất khối.
Bình luận