• Zalo

Hiệu trưởng trừ điểm vì không 'thả tim' Zalo lại bị tố thu chi không minh bạch

Tin tức - Sự kiệnChủ Nhật, 28/11/2021 14:50:33 +07:00Google News
(VTC News) -

Các giáo viên Trường THPT Vĩnh Lộc (TP.HCM) tiếp tục tố hiệu trưởng có nhiều sai phạm như không minh bạch thu chi, trừ điểm thi đua sai quy định.

Ngày 28/11, Báo điện tử VTC News nhận được đơn cầu cứu của các giáo viên Trường THPT Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP.HCM) tố Hiệu trưởng là bà Nguyễn Thị Nha Trang có nhiều sai phạm trong quản lý, tổ chức giáo dục tại trường.

Trước đó, bà Trang bị giáo viên tố trừ điểm thi đua khi giáo viên không "thả tim" vào nhóm Zalo và một số sai phạm liên quan xét thi đua. 

 Hiệu trưởng trừ điểm vì không 'thả tim' Zalo lại bị tố thu chi không minh bạch - 1

Trường THPT Vĩnh Lộc. (Ảnh: Mai Thúy)

Nhận phụ cấp sai quy định

Theo đơn, giáo viên tố bà Nguyễn Thị Nha Trang không đứng lớp dạy theo quy định nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp ưu đãi năm học 2019 - 2020 và 2020 - 2021.

Cụ thể, theo Điều 7, Thông tư 28 của Bộ GD&ĐT về “Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông”, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Định mức tiết dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cụ thể như sau: hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.

Quyết định 244 ngày 6/10/2005 của Thủ tướng “Về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập” quy định rõ: Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường THCS,THPT...

Tuy nhiên, trong học kì II của 2 năm học 2019 - 2020 và 2020 - 2021, bà Trang không trực tiếp đứng lớp giảng dạy mà vẫn nhận mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường THPT. 

Tài chính không minh bạch

Các giáo viên cho biết, bà Trang cho phép Trưởng ban đại diện phụ huynh học sinh các lớp vận động, quy định định mức, thu tiền quỹ Hội Phụ huynh học sinh không đúng quy định năm học 2020 - 2021.

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 2 của Thông tư 16 ngày 3/8/2018 của Bộ GD&ĐT quy định “Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo”. 

Nhưng bà Trang cho phép Trưởng ban đại diện phụ huynh học sinh các lớp quy định mức thu quỹ phụ huynh học sinh 500.000 đồng/học sinh/năm học. Ngoài khoản tiền tự nguyện này, còn có một số khoản thu khác được vận động thu thêm như tiền khuyến học, tiền sơn trường, tiền camera... 

“Hiệu trưởng nhà trường tạo áp lực cho giáo viên chủ nhiệm (GVCN) phải thu và chỉ đạo đóng tiền trực tiếp tại thủ quỹ nhà trường. Vì sao chúng tôi nói là tạo áp lực cho giáo viên chủ nhiệm phải thu? Vì nếu giáo viên chủ nhiệm thu ít hơn đồng nghiệp thì sẽ bị trừ điểm thi đua kiêm nhiệm chủ nhiệm và ảnh hưởng đến tiền thu nhập tăng thêm”, các giáo viên cho biết.

Theo một số giáo viên, bà Trang sử dụng kinh phí từ Ban đại diện cha mẹ học sinh để mua sắm thiết bị nhà trường, trái với quy định tại Thông tư 55/2011 và Thông tư 29/2012 của Bộ GD&ĐT .

Giáo viên cho hay, hiệu trưởng thu chi các khoản tiền không rõ ràng, minh bạch, chưa thể hiện số tiền chi cho các bộ phận là bao nhiêu. Cụ thể, giáo viên nêu dẫn chứng trong quy chế chi tiêu nội bộ năm 2020 - 2021, nhà trường không thể hiện chi tiết các kế hoạch thu chi buổi 2 là giáo viên trực tiếp giảng dạy 130.000 đồng/tiết; GVCN thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh, trách nhiệm là 480.000 đồng/tháng/GVCN.

Ngoài ra, theo đơn cầu cứu, giáo viên cho rằng, bà Trang có dấu hiệu vi phạm Luật Đấu thầu khi thực hiện Hợp đồng kinh tế số 52/2018/VBC-VL trị giá 151.525.000 đồng mua sắm bàn ghế học sinh và ghế họp hội đồng với Công ty VietComBo mà không thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo khoản 2, Điều 54 Nghị định 63/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên là 100 triệu đồng. Cũng theo Điều 73 Nghị định trên, việc mua sắm bàn ghế học sinh và ghế họp của Trường THPT Vĩnh Lộc thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.

"Theo quy định pháp luật, việc thực hiện hợp đồng trên bắt buộc phải thông qua đấu thầu. Tuy nhiên, bà Trang đã không tiến hành thực hiện đấu thầu mà tự ý ký kết hợp đồng kinh tế với đối tác. Không những vậy, bà Trang còn không thực hiện tiến trình chỉ định thầu theo quy định. Đây là hành vi sai phạm nghiêm trọng khi thực hiện quản lý tài chính của người đứng đầu cơ quan, tổ chức của bà Hiệu trưởng”, các giáo viên nêu trong đơn. 

Trừ điểm thi đua sai quy định

Ngoài các sai phạm liên quan đến tài chính, theo đơn cầu cứu, một giáo viên tố Bà Nguyễn Thị Nha Trang thực hiện không đúng quy định về đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.HCM.

Cụ thể, bà Trang ban hành bảng tiêu chí chấm điểm thi đua quý IV/2020 có một số tiêu chí khác với bảng thi đua quý III/2020 mà chưa thông qua chính thức tập thể hội đồng sư phạm nhưng vẫn áp dụng.

Bà Trang ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng quý theo hiệu quả công việc không đúng quy định của Quyết định số 4631 ngày 19/10/2018 và Quyết định số 3728 ngày 3/9/2019 của Chủ tịch UBND TP.HCM.

Về vệc này, theo khiếu nại của giáo viên lên Sở GD&ĐT TP.HCM, ngày 23/6/2021, Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời theo văn bản số 1566, Sở yêu cầu Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Lộc ban hành quyết định hủy bỏ kết quả đánh giá, phân loại theo hiệu quả công việc quý IV/2020 đối với giáo viên này. Đồng thời, xây dựng lại tiêu chí đánh giá chi tiết về đánh giá, phân loại viên chức theo quy định tại Quyết định 4631 ngày 19/10/2018 của Chủ tịch UBND TP.HCM.

Tuy nhiên, giáo viên cho biết, bà Trang chưa thực hiện văn bản 1566, cố tình không xây dựng lại tiêu chí đánh giá, phân loại công chức, viên chức theo chỉ đạo của Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM trả lời theo văn bản số 1566.

 Hiệu trưởng trừ điểm vì không 'thả tim' Zalo lại bị tố thu chi không minh bạch - 2

Văn bản 1566 của Sở GD&ĐT TP.HCM. (Ảnh: NVCC)

Về việc trừ điểm thi đua, có 6 giáo viên bị trừ điểm không đúng quy định, không đúng theo hướng dẫn của thành phố, bị trừ quá số điểm quy định.

Ví dụ, một giáo viên phạm lỗi kiểm bài không phát hiện một học sinh tô sai số báo danh bị trừ 3 điểm/lần; Bị đánh giá kiêm nhiệm chủ nhiệm loại B vì lớp chưa hoàn thành đầy đủ các khoản thu thì bị trừ 10 điểm. Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tuy nhiên việc thu tiền không thuộc quyền hạn và nghĩa vụ của GVCN).

Như vậy lẽ ra giáo viên này chỉ bị trừ 3 điểm (nếu như làm đúng theo văn hướng dẫn của thành phố) thì sẽ còn 97 điểm (Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ). Nhưng theo bảng xây dựng tại trường thì bị trừ 13 điểm còn lại 87 điểm (Hoàn thành tốt nhiệm vụ).

“Việc ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc của bà Trang không đúng theo hướng dẫn, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu nhập tăng thêm của giáo viên theo Nghị quyết 03 của thành phố”, các giáo viên cho hay.

Theo đơn cầu cứu, khi học sinh các lớp chưa hoàn thành đầy đủ các khoản thu tự nguyện như tiền quỹ cha mẹ học sinh, tiền khuyến học, tiền sơn trường, tiền camera hoặc thu ít hơn các lớp khác thì GVCN bị đánh giá và trừ điểm thi đua vào mục “vận động xã hội hóa giáo dục”.

“Các khoản đóng góp này đều gọi là tự nguyện nhưng GVCN chúng tôi phải chịu áp lực trừ điểm thi đua thông qua tiêu chí thi đua GVCN. Chính điều này làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ của GVCN. Từ đó ảnh hưởng đến kết quả thi đua toàn năm học và kết quả thi đua quý (I, II/2021) mất đi nguồn thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03, tạo áp lực và gây khó khăn cho cuộc sống của giáo viên”, các giáo viên cho biết.

Giáo viên tố bà Trang đánh giá xếp loại giáo viên không đúng mang dấu hiệu trù dập một số giáo viên có ý kiến đóng góp xây dựng nhà trường; có hành vi sách nhiễu, phiền hà, gây khó khăn, áp lực tạo tâm lí hoang mang, lo sợ cho tập thể giáo viên nhà trường trong quá trình quản lí và điều hành nhà trường, có những biểu hiện chưa chuẩn của một nhà giáo, người quản lí giáo dục.

"Bà Trang bắt buộc các giáo viên các môn Tin học, Công nghệ, GDCD (trừ khối 12), Thể Dục, Quốc Phòng phải lên trường điểm danh online trong 4 tuần học (1 tuần sau Tết Nguyên đán và 3 tuần cuối năm học 2020 -2021) trong thời điểm TP.HCM có yêu cầu giãn cách xã hội, tránh tập trung đông người do dịch COVID-19.

Hiệu trưởng cắt chức tổ trưởng chuyên môn của 4 tổ mà không thông báo trước và cũng không có một cuộc họp để thông báo rõ ràng lí do, không lấy phiếu tín nhiệm trong tổ, thiếu dân chủ, minh bạch, trong khi 4 tổ trưởng này không có sai phạm. Hành động này của bà Trang đã xúc phạm danh dự, uy tín đồng nghiệp khi thay đổi nhân sự nhưng không giải thích lí do trước tập thể nhằm hạ uy tín đồng nghiệp, danh dự, ảnh hưởng đến tâm lí giảng dạy đồng nghiệp", các giáo viên dẫn chứng trong đơn. 

MAI THÚY
Bình luận
vtcnews.vn