• Zalo

Hiệu trưởng trẻ nhất Việt Nam: Thành công là không gục ngã sau thất bại

Giáo dụcChủ Nhật, 15/02/2015 07:36:00 +07:00Google News

Vị hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam cho rằng một người không bao giờ chỉ có thành công, quan trọng họ đứng lên sau vấp váp như thế nào

(VTC News) – Vị hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam cho rằng một người không bao giờ chỉ có thành công, quan trọng họ đứng lên sau vấp váp như thế nào.

Hiệu trưởng đại học chỉ 35 tuổi

Năm 2014, sự kiện TS Đàm Quang Minh được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học FPT khiến nhiều người chú ý.

Anh Đàm Quang Minh đã trở thành vị hiệu trưởng trường đại học trẻ nhất Việt Nam khi mới 35 tuổi. Tân Hiệu trưởng Đại học FPT Đàm Quang Minh sinh năm 1979, là cựu học sinh khối chuyên Toán Tin, Đại học Tổng hợp.
Anh Đàm Quang Minh - hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam
Anh Đàm Quang Minh - hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam 
Anh Minh tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2001 và nhận bằng tiến sỹ về Khoa học Trái Đất của trường Đại học Tổng hợp Greifswald (Cộng hòa Liên bang Đức) năm 2007.
 
Vị hiệu trưởng này đã có hơn 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đại học, cao đẳng và hợp tác quốc tế với nhiều chức vụ như Giám đốc FPT Polytechnic Việt Nam, Viện Phó Viện đào tạo quốc tế FPT, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trợ lý cao cấp cho chủ tịch FPT, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE), Giám đốc Văn phòng đại diện công ty Moskito-GIS, Cộng hòa Liên bang Đức, giảng viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong thời gian dài, anh Minh tham gia thành lập và xây dựng FPT Polytechnic trở thành một trong các cơ sở đào tạo cao đẳng nghề chất lượng cao thành công nhất Việt Nam với hơn 6.000 sinh viên với 6 cơ sở đào tạo trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, anh Minh cũng góp phần quan trọng trong hoạt động quốc tế hóa của Đại học FPT với việc tham gia thành lập các đơn vị liên kết quốc tế với hàng ngàn sinh viên theo học cùng hàng trăm sinh viên quốc tế sang Việt Nam du học mở hướng mới cho chiến lược xuất khẩu giáo dục.

Chia sẻ về triết lý giáo dục của bản thân, TS. Đàm Quang Minh - hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam cho rằng các trường đại học cần tuân theo các tiêu chuẩn và thị trường quốc tế. Khi đó, các trường đại học mới có điều kiện quốc tế hóa và cơ hội giáo dục được mở rộng.

"Tại sao Việt Nam không thể là điểm du học trên thế giới, điều này có quá cao xa? Câu trả lời hoàn toàn có thể và nằm trong tầm tay của chúng ta. Hãy thử nhìn sang các nước láng giềng như Singapore, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc đang thu hút hàng trăm ngàn sinh viên quốc tế đến du học", vị hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam đặt vấn đề.

TS Đàm Quang Minh cho biết thêm, hàng năm Việt Nam mất khoảng 1,7 tỷ USD cho sinh viên đi du học, trong khi đó, số lượng sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập không đáng kể.

TS. Đàm Quang Minh cũng bày tỏ, trong “thị trường” giáo dục trong nước, Đại học FPT không muốn cạnh tranh với trường nào, bởi một năm trường có thể kiếm được 1 triệu USD từ sinh viên nước ngoài đến du học. Không những thế, ông Minh mong muốn có thể liên kết vớ nhiều trường đại học khác để thu hút và tuyển sinh càng nhiều du học sinh nước ngoài.

Ông Minh mong muốn trong tương lai không xa, các trường đại học ở Việt Nam có thể kiếm hàng tỷ USD nhờ du học sinh nước ngoài.

Chia sẻ đam mê


Để có được thành công như ngày hôm nay, Vị Hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam cũng không quên thời gian khi còn là thành viên Trung tâm tài năng trẻ FPT (FYT K1).

Ngày đó, FYT K1 là khóa duy nhất tuyển lên 35 sinh viên tài năng. Trung tâm được bố trí một phòng học với hàng chục chiếc máy tính và có nối mạng internet.
Đàm Quang Minh
Anh Đàm Quang Minh chia sẻ kinh nghiệm thành công với các bạn sinh viên tài năng (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Cách đây 15 năm, việc những cậu sinh viên tài năng được sử dụng máy tính có mạng internet cũng là “quá xa xỉ”. Ngoài thời gian đi học trên lớp, mỗi khi rảnh rỗi, anh Minh thường tìm lên trung tâm để được khám phá những kiến thức mới.

“Ngày đó ngoài thời gian thảo luận về tin học, chúng tôi hay chơi game. Điều đó giúp cho đội FYT K1 vẫn gặp nhau thường xuyên. Mỗi người có một con đường riêng. Trong FYT K1 có nhiều người đi nhiều con đường khác nhau như anh Vương Vũ Thắng, Vương Quang Khải, Nguyên Hồng Việt...”, anh Minh nhớ lại.

Anh Minh hồ hởi kể về những ưu đãi được trung tâm tạo điều kiện như có phòng học với máy tính được kết nối mạng internet.

“Chúng tôi được cấp học bổng 30USD/ tháng, thỉnh thoảng đi tụ tập ăn uống và nghe những nhân vật tầm cỡ nói chuyện. Tôi còn nhớ năm 2001 lương cơ bản là 400.000 đồng/tháng mà năm 1999, chúng tôi đã được cấp học bổng 420.000 đồng/ tháng”, anh Minh chia sẻ.

“Nhờ được tiếp xúc với những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nên đã biến đa phần chúng tôi từ người chỉ ham mê máy tính, lập trình thành một người có những suy nghĩ đa dạng, phong phú hơn”, hiệu trưởng ĐH FPT nhớ lại.

Anh Minh cũng hy vọng các bạn trẻ tìm được đường hướng phát triển của mình. Vị hiệu trưởng này chia sẻ: “Cơ hội học nước ngoài đến là đi, đó là quãng thời gian thay đổi tư duy rất nhiều.Tôi khuyên các bạn nếu  có cơ hội trải nghiệm quốc tế thì nên trải nghiệm vì nó sẽ giúp bạn đi xa rất nhiều”.

Đồng thời, mỗi người cần học hỏi bạn bè những kinh nghiệm thành công, thất bại... Vị hiệu trưởng này cũng khẳng định: “Những người thành công là những người không bị gục ngã sau thất bại. Hiếm thấy một người nào toàn thành công, quan trọng họ đứng lên sau vấp váp như thế nào”.

Vì vậy, anh Minh cũng khuyên bạn trẻ không nên lặp lại những thứ đã có sẵn dù quá trình tìm kiếm có mất nhiều thời gian. Sự sáng tạo, sự độc đáo chính là yếu tố giúp các bạn trẻ ngày nay có thể đến với thành công nhanh hơn những thế hệ đi trước. Câu chuyện của chàng trai lập trình Nguyễn Hà Đông với chú chim Flappy Bird là một trong những ví dụ điển hình nhất.

"Cái mà FYT mang lại cho các bạn là có một trí tuệ thông minh, có đầu óc sáng tạo, các bạn phải biến nó thành giá trị thật", anh Minh nhắn nhủ.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn