• Zalo

Hiệu trưởng ở Mỹ phải đảm bảo những tiêu chuẩn nào?

Giáo dụcThứ Tư, 07/02/2018 11:08:00 +07:00Google News

Chuyên gia giáo dục chỉ ra mối quan hệ giữa lãnh đạo trường học và quá trình học tập của học sinh ở Mỹ để làm tư liệu tham khảo cho Việt Nam.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư quy định chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. Đây là một trong những tiêu chuẩn, tiêu chí để hiệu trưởng tự đánh giá, tự phấn đấu…

Nhân nội dung này, TS.Ngô Thị Thùy Dương - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) nêu bài học từ chuẩn ở Mỹ như một nguồn tham khảo cho Việt Nam.

Theo TS. Dương, ở Mỹ - người ta xây dựng mối quan hệ giữa lãnh đạo trường học và quá trình học tập của học sinh theo hướng lấy người học làm trung tâm.

hoc-sinh-my

Các học sinh tại quận Cam (Mỹ) trong một giờ học.

Nghiên cứu của TS. Ngô Thị Thùy Dương cho thấy các tiêu chuẩn nghề nghiệp năm 2015 của Mỹ đối với các nhà lãnh đạo trường học thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên cơ sở thực tế về mối quan hệ giữa lãnh đạo trường học với việc học tập của học sinh.

Bà Dương cho rằng để đẩy mạnh quá trình học tập của học sinh cần có một cái nhìn toàn diện của người lãnh đạo nhà trường. Các nhà lãnh đạo trường học phải tập trung vào việc để thúc đẩy quá trình học tập, thành tích, phát triển thể chất và tinh thần của mỗi học sinh.

Các tiêu chuẩn 2015 phản ánh về nhiều khía cạnh phụ thuộc lẫn nhau, cả về phẩm chất và giá trị của lãnh đạo, và một số khía cạnh không thể thiếu đối với sự thành công của học sinh.

Trong thực tế, các khía cạnh này không hoạt động một cách độc lập mà là một hệ thống các hoạt động phụ thuộc lẫn nhau nhằm thúc đẩy học sinh đạt được sự thành công trong học tập.

"Các khía cạnh này có thể được chia thành 4 nhóm như sau: Nhóm 1 gồm: Phát triển chương trình, giảng dạy và đánh giá, sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng đối với học sinh;

Nhóm 2 gồm: Phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên, nhân viên trong trường học, xây dựng cộng đồng học tập và môi trường sư phạm cho giáo viên, nhân viên, sự tham gia có ý nghĩa của gia đình và cộng đồng, và các hoạt động và quản lý;

Nhóm 3 gồm: Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi, đạo đức và chuẩn mực nghề nghiệp, công bằng và tôn trọng văn hóa;

Nhóm 4 là đổi mới và phát triển trường học, nhóm này ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh khác, phản ánh lý thuyết về sự ảnh hưởng của cách thức giáo dục đến thành quả học tập của học sinh", TS Thuỳ Dương phân tích.

so do

Sơ đồ: Mối qưan hệ giữa lãnh đạo trường học và quá trình học tập của học sinh.

Bà Dương cũng cung cấp sơ đồ mối qưan hệ giữa lãnh đạo trường học và quá trình học tập của học sinh. Sơ đồ trên thể hiện học sinh được học tập trong môi trường giáo dục lấy người học làm trung tâm, với sự quan tâm của các nhà lãnh đạo trường học, luôn đươc đảm bảo sự an toàn, được cung cấp hệ thống giáo trình, giảng dạy và đánh giá chặt chẽ.

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi các nhà lãnh đạo trường học phải xây dựng và củng cố mạng lưới hỗ trợ, các tổ chuyên môn của giáo viên, cộng đồng nghề nghiệp, huy động gia đình và cộng đồng tham gia hiệu quả vào quá trình hoạt động và quản lý nhà trường.

Trong tất cả các công việc, các nhà lãnh đạo trường học được định hướng bởi các giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn của nhà trường. Đó là hành động có đạo đức và chuẩn mực nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo trường học phải thúc đẩy công bằng và tôn trọng văn hóa.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo trường học hiệu quả luôn luôn tin trường học có thể đổi mới và phát triển nhà trường tốt hơn. Để nhận ra tầm nhìn của trường học, học sinh và những giá trị cốt lõi, các nhà lãnh đạo trường học quan tâm đến mọi lĩnh vực của nhà trường để cải tiến chất lượng, bao gồm cả phát triển bản thân và công việc của họ.

Các nhà lãnh đạo trường học là những người sáng tạo, kiên trì truyền cảm hứng và sẵn sàng vượt qua những rủi ro, khó khăn để giúp trường học phát triển, học sinh thành công.

Theo dự thảo, Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông bao gồm 5 tiêu chuẩn, với 21 tiêu chí như sau:

Tiêu chuẩn 1: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống

Hiệu trưởng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực.

Tiêu chí 1 - Phẩm chất chính trị: Gương mẫu chấp hành và tổ chức triển khai có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong nhà trường.

Tiêu chí 2 - Đạo đức: Công bằng, bao dung, vị tha, tôn trọng người khác; trung thực, trách nhiệm với công việc.

Tiêu chí 3 - Lối sống: Lối sống lành mạnh, chân thành, giản dị, gần gũi với đồng nghiệp, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng.

Tiêu chuẩn 2: Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học

Hiệu trưởng phải vững vàng về chuyên môn; am hiểu nghiệp vụ sư phạm, quản trị nhà trường; sử dụng được ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường.

Tiêu chí 4 - Trình độ chuyên môn: Đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.

Tiêu chí 5 - Nghiệp vụ sư phạm: Có kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm, hỗ trợ giáo viên phát triển nghiệp vụ sư phạm.

Tiêu chí 6 - Sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với hiệu trưởng công tác ở vùng dân tộc thiểu số) và tin học: Sử dụng được ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số) và ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc.

Tiêu chuẩn 3: Năng lực quản trị nhà trường

Hiệu trưởng điều hành các hoạt động của nhà trường có kế hoạch, quy trình thực hiện chuyên nghiệp và hiệu quả.

Tiêu chí 7- Lập kế hoạch phát triển nhà trường

Tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường gồm: phân tích tình hình, mục tiêu, kết quả, hoạt động và điều kiện thực hiện phù hợp với bối cảnh cụ thể của nhà trường, của địa phương và định hướng của ngành.

Tiêu chí 8 - Quản lý hoạt động dạy học, giáo dục học sinh: Chỉ đạo đổi mới hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Tiêu chí 9 - Quản trị tổ chức, hành chính: Xây dựng tổ chức, bộ máy nhà trường; chỉ đạo các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các thành viên trong nhà trường thực hiện nhiệm vụ hiệu quả; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

Tiêu chí 10 - Quản trị nhân sự: Đề xuất để tuyển dụng được giáo viên, nhân viên có phẩm chất và năng lực chuyên môn tốt; tạo được động lực, cơ hội phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên cho giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Tiêu chí 11 - Quản trị tài chính: Chỉ đạo lập dự toán, thực hiện thu chi, báo cáo, kiểm tra, công khai tài chính của nhà trường minh bạch, đúng quy định; khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính hợp pháp phục vụ nâng cao chất lượng giáo dục học sinh.

Tiêu chí 12 - Quản trị cơ sở vật chất - thiết bị giáo dục: Tổ chức huy động và khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị trong nhà trường phục vụ nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục học sinh.

Tiêu chí 13 - Quản lý chất lượng giáo dục: Tổ chức kiểm tra, đánh giá, liên tục cải tiến và chịu trách nhiệm giải trình về các hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường; chất lượng giáo dục học sinh được nâng lên.

Tiêu chí 14 -  Quản lý sự thay đổi, giải quyết vấn đề và ra quyết định: Tổ chức và quản lý các hoạt động trong nhà trường dựa trên nguyên tắc quản lý sự thay đổi, khuyến khích các ý tưởng và hành động đem lại sự thay đổi tích cực, định hướng thích ứng và lựa chọn ưu tiên giải quyết những khó khăn nhà trường gặp phải trong quá trình thực hiện sự thay đổi.

Tiêu chuẩn 4: Năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ

Hiệu trưởng chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nếp sống văn hóa trong nhà trường chuẩn mực, bền vững.

Tiêu chí 15 - Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong trường học: Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong nhà trường hiệu quả, tạo điều kiện cho các chủ thể trong nhà trường tham gia, giám sát và có ý kiến về các hoạt động giáo dục.

Tiêu chí 16 - Xây dựng nếp sống văn hóa trong nhà trường: Chỉ đạo xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, lề lối làm việc, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức lối sống trong nhà trường phù hợp với bản sắc dân tộc địa phương, quốc gia và hội nhập quốc tế.

Tiêu chuẩn 5: Năng lực phát triển quan hệ xã hội

Hiệu trưởng tổ chức hiệu quả các hoạt động xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhà trường với các bên liên quan trong giáo dục học sinh, phát triển nhà trường và cộng đồng.

Tiêu chí 17 - Phát triển mối quan hệ với cấp quản lý ngành: Tổ chức thực hiện, báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp có tính khả thi với cơ quan quản lý cấp trên về các hoạt động của nhà trường theo quy định.

Tiêu chí 18 -  Phát triển mối quan hệ với cha mẹ học sinh: Tổ chức phối hợp, tư vấn, huy động cha, mẹ, người thân của học sinh tham gia các hoạt động giáo dục học sinh, phát triển nhà trường theo quy định.

Tiêu chí 19 -  Phát triển mối quan hệ với chính quyền địa phương: Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư các nguồn lực phát triển nhà trường và tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng địa phương.

Tiêu chí 20 -  Phát triển mối quan hệ với các cá nhân, tổ chức xã hội: Tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia các hoạt động xã hội và huy động các cá nhân, tổ chức xã hội hỗ trợ các hoạt động giáo dục học sinh, phát triển nhà trường.

Tiêu chí 21 - Thông tin, truyền thông: Tổ chức thông tin và nhận phản hồi từ các bên liên quan về hoạt động, kết quả giáo dục của nhà trường thông qua các kênh thông tin, truyền thông đa dạng nhằm kịp thời điều chỉnh các hoạt động của trường.

Dự thảo này được Bộ GD-ĐT tham khảo ý kiến góp ý đến hết ngày 5/4/2018.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn