Như VTC News đưa tin, vừa qua, nhiều giáo viên Trường THPT Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP.HCM) cùng tố Hiệu trưởng có nhiều sai phạm trong quản lý, làm trái các chỉ đạo của thành phố.
Hiệu trưởng còn đánh giá xếp loại thi đua không đúng quy định, mang tính trù dập; có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, áp lực tạo tâm lý hoang mang, lo sợ cho giáo viên; đồng thời có những biểu hiện chưa chuẩn của một nhà giáo, người quản lý giáo dục.
Không những vậy, Hiệu trưởng còn trừ điểm thi đua của những giáo viên không "thả tim" vào các thông báo trong nhóm Zalo gây nhiều bức xúc; hay yêu cầu giáo viên phải thu tiền quỹ hội cha mẹ học sinh và trừ điểm thi đua vì thu không đủ các khoản tiền nhà trường đưa ra. Giáo viên cũng gặp áp lực, quá tải khi dạy học trực tuyến nhưng theo thời khóa biểu học trực tiếp.
Có quy định trừ điểm thi đua nếu không thả tim vào Zalo
Trả lời VTC News, bà Nguyễn Thị Nha Trang, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Lộc cho biết, những thông tin mà giáo viên khiếu nại, tố cáo chưa đúng sự thật.
Về nội dung phải “thả tim” trong nhóm Zalo, bà Trang khẳng định có sự việc. Hiện mọi thông tin, văn bản trong chỉ đạo, các thông báo trong hoạt động quản lý nhà trường được gửi qua tin nhắn nhóm Zalo nội bộ của trường.
Nội dung thi đua này được bàn bạc và đã thông qua trong Hội đồng sư phạm nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chung của nhà trường, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc cập nhật thông tin, văn bản đầy đủ, kịp thời là điều rất quan trọng tại mỗi đơn vị, trong đó có trường học.
“Việc “thả tim” mà chúng tôi trao đổi ở đây, chính là một cách phối hợp thực hiện nhiệm vụ, đó cũng là biểu hiện trong văn hóa ứng xử nơi công sở, đặc biệt trong giai đoạn trực tuyến hiện nay. Nếu giáo viên không đọc, không quan tâm, không phản hồi thì không thể phối hợp thực hiện cho tốt được.
Việc "thả tim", bấm nút like mang tính phản hồi từ phía người nhận là đã đọc, đã xem. Ngoài ra, việc này còn thể hiện sự tôn trọng và tương tác với người quản lý”, bà Trang cho hay.
Theo bà Trang, trường hợp không phản hồi tại trường không nhiều, những cá nhân đã xem/chưa xem không phản hồi, không nắm tình hình, làm chậm tiến độ trong thực hiện nhiệm vụ chung của trường rất ít.
“Đưa tiêu chí này vào thang điểm thi đua ở bất kỳ đơn vị nào nói chung và Trường THPT Vĩnh Lộc nói riêng là điều khiến chúng tôi ái ngại, bởi lẽ khi phải trừ điểm thi đua đối với điều đơn giản nhất trong văn hóa giao tiếp (phản hồi sau nhận tin) ngay trong trường học là điều không đáng có.
Đến nay, vẫn chưa có ai bị trừ điểm thi đua vì lỗi này, thông báo chỉ mang tính nhắc nhở, cảnh báo và mong thầy cô cần có phản hồi để phối hợp tốt về mặt thông tin, hoạt động trong trường”, bà Trang nói.
Giáo viên thấy bị xúc phạm, coi thường
Trước câu trả lời của Hiệu trưởng, nhiều giáo viên cho rằng "bị xúc phạm và coi thường", vì bản thân họ là những nhà giáo, những người được đào tạo bài bản, tốt nghiệp đại học rồi đi dạy học, có hiểu biết nên việc không thả tim vào thông báo trong nhóm Zalo bị quy kết lỗi không đọc văn bản là vô lý và coi thường nhà giáo.
Trao đổi với VTC News, một giáo viên cho biết, có Tổ (chuyên môn) trừ điểm nếu giáo viên không thả tim vào thông báo trong Zalo, nhưng có tổ không trừ vì không đồng ý với tiêu chí thi đua này.
"Đâu phải tôi bấm like, thả tim là coi như đã đọc văn bản, nhiều khi tôi không thả tim nhưng tôi đã đọc văn bản rồi, đọc kỹ nữa. Giáo viên không đồng ý nhưng ở Tổ , Tổ trưởng lại trừ điểm vì làm theo cấp trên. Có người không thả tim 3 lần trừ 3 điểm, không thả tim 25 lần trừ 25 điểm, vô lý, vô duyên và lãng nhách.
Tôi kiên quyết không trừ điểm, không đồng ý, nếu trừ 1 điểm tôi cũng khiếu nại, tố cáo. Trong Group có rất nhiều nội dung, nào là kế toán, nào là thông báo xã hội... nhiều khi không liên quan đến tôi, liên quan chuyên môn, chẳng hạn thông báo của khối lớp 12, tôi thì không dạy 12 nên có lúc không để ý. Nhiều khi đọc rồi nhưng không thả tim, thả like, sao trừ điểm như này được", một giáo viên bức xúc nói.
Một giáo viên khác cho hay, tiêu chí thả tim vào thông báo trong nhóm Zalo chưa thông qua một cuộc họp nào lấy ý kiến giáo viên nhưng vẫn đưa vào tiêu chí chấm điểm hàng quý. Việc này Hiệu trưởng tự chỉ đạo, thông báo và áp đặt.
"Đôi khi giáo viên sót, Group Zalo là ai cũng đưa thông tin lên, thông tin bên ngoài, văn bản, dịch COVID-19, thậm chí là cả trách móc giáo viên... nhiều nên nó trôi đi chứ không hẳn là văn bản chỉ đạo hay thông báo của nhà trường.
Giáo viên vẫn nắm văn bản, làm đúng tiến độ, không ảnh hưởng đến các hoạt động nhà trường, đưa vào thi đua đánh giá nhiệm vụ là vô lý, trẻ con và coi thường chúng tôi", một giáo viên khác cho hay.
Cũng liên quan tới bà Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nha Trang, mới đây các giáo viên tiếp tục gửi đơn tố cáo tới VTC News, về việc Hiệu trưởng không đứng lớp dạy theo quy định nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp ưu đãi năm học 2019 - 2020 và 2020 - 2021.
Cụ thể, theo Điều 7, Thông tư 28 của Bộ GD&ĐT về “Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông”, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Định mức tiết dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cụ thể như sau: hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.
Quyết định 244 ngày 6/10/2005 của Thủ tướng “Về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập” quy định rõ: Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường THCS,THPT...
Tuy nhiên, trong học kì II của 2 năm học 2019 - 2020 và 2020 - 2021, bà Trang không trực tiếp đứng lớp giảng dạy mà vẫn nhận mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường THPT.
Các giáo viên cho biết, bà Trang cho phép Trưởng ban đại diện phụ huynh học sinh các lớp vận động, quy định định mức, thu tiền quỹ Hội Phụ huynh học sinh không đúng quy định năm học 2020 - 2021.
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 2 của Thông tư 16 ngày 3/8/2018 của Bộ GD&ĐT quy định “Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo”.
Nhưng bà Trang cho phép Trưởng ban đại diện phụ huynh học sinh các lớp quy định mức thu quỹ phụ huynh học sinh 500.000 đồng/học sinh/năm học. Ngoài khoản tiền tự nguyện này, còn có một số khoản thu khác được vận động thu thêm như tiền khuyến học, tiền sơn trường, tiền camera...
Bình luận