(VTC News) - Cho dù nhiều lần phóng viên bày tỏ mong muốn được tiếp xúc với đại diện HS lớp 9A4, để tìm hiểu vụ việc cô Châu Thị H.Đ tát vào má hơn 20 HS vì không thuộc bài, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bé (quận Bình Thạnh, TP.HCM) kiên quyết từ chối.
Cô Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Nguyễn Văn Bé, yêu cầu phóng viên nếu muốn tiếp xúc với HS lớp 9A4 cần phải có ý kiến chỉ đạo đồng ý từ lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh (Trưởng phòng, hoặc Phó phòng phụ trách khối Phổ thông).
Ngay cả sáng 19/4, khi phóng viên đang hỏi chuyện 1 nhóm HS nữ của lớp 9A4 trong giờ ra chơi, bảo vệ trường đã tiến đến và ngăn cản không cho chúng tôi trao đổi với các em. Thế nhưng, qua trò chuyện trực tiếp với em M.T (HS lớp 9A4), M.T xác nhận việc cô giáo Đ cũng đã từng gọi HS lên phạt bằng cách tát vào má hoặc nhéo vào tai. M.T này cũng cho biết: “Mức độ HS bị ít hơn, chứ không nhiều vài chục HS như cuối năm 2009”.
Trên diễn đàn tự xây dựng của trường Nguyễn Văn Bé, rất nhiều HS (trong đó có cả HS lớp 9A4) cho rằng: "Cô không làm gì sai vì các bạn HS bị cô phạt là các HS hư, không học bài". Nhiều em bày tỏ thái độ bênh vực cô Đ và mong muốn cô sớm vượt qua sự khó khăn này, sớm quay trở lại với trường, lớp.
Những hình ảnh vô cùng phản cảm mà cô Đ thực hiện đối với HS của mình hồi cuối tháng 12/2009 vừa qua (ảnh do trường Nguyễn Văn Bé cung cấp).
Tuy vậy, các em cũng cho biết, sau khi vụ việc được báo chí đăng tải, cô Đ đến lớp với thái độ lạnh nhạt, buồn và không nói một lời nào với HS. Cũng đã có rất nhiều PV các báo đến tìm gặp cô Đ tại trường, nhà riêng và cả trường học, nhưng đều bị cô từ chối tiếp xúc.
Về vụ việc này, Phó Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hồng Đức Nguyễn Bình Minh cho rằng "Đây là một phương pháp giáo dục cực kì cấm kị đối với nhà giáo, xúc phạm thân thể hay danh dự HS".
Dưới góc độ của một người đã đứng trong đội ngũ ngành giáo dục 33 năm, cô Bình Minh nhấn mạnh: “Nếu HS hư, khó dạy bảo, cần phải theo dõi trong những năm kế tiếp, GV có thể ghi vào sổ liên lạc hoặc học bạ. Những ghi chú này sẽ theo các em suốt quãng đời đi học, còn làm như cô Đ là sai rồi…”.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hồng Đức khẳng định, trong thời buổi có nhiều tiến bộ về KHKT hiện đại như hiện nay, vấn đề dạy dỗ HS luôn xuất phát từ gia đình. “Nếu các em là HS hư thì gia đình, nhà trường, thầy cô phải cùng chung tay góp sức giáo dục, dạy dỗ, răn đe chứ không bao giờ lấy chuyện roi vọt, đánh HS ra để trị HS được. Nếu các em cá biệt hơn thì tôi cho rằng mình cần phải có một phương pháp giáo dục riêng biệt…”
Với mong muốn được nghe tiếng nói từ cơ quan chủ quản của trường THCS Nguyễn Văn Bé, sáng 19/4, chúng tôi đến Phòng GD–ĐT quận Bình Thạnh để tìm gặp lãnh đạo cơ quan này, nhưng rất tiếc cả Trưởng phòng và Phó phòng đều đi họp bên ngoài. Một chuyên viên của phòng cũng thông báo rằng, lịch công tác của các thầy đều bận từ giờ cho đến hết tuần.
Phó GĐ Sở GD–ĐT TP.HCM Nguyễn Hoài Chương đánh giá, đây là một tai nạn đáng tiếc của ngành GD TP.HCM. Với vai trò là một TP lớn nhất cả nước, đang quản lý hơn 1,6 triệu HS, gần 2.000 các cơ sở trường học các loại thì: “Vai trò của Sở GD-ĐT là quá nặng, nên thỉnh thoảng cũng có những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc xáy ra như trường hợp cô Đ…”.
Việt Dũng
Bình luận