• Zalo

Hiệu trưởng ĐH trẻ nhất Việt Nam muốn kiếm tỷ USD từ du học sinh

Giáo dụcThứ Sáu, 17/10/2014 07:16:00 +07:00Google News

(VTC News) - TS. Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Đại học FPT mong muốn các trường đại học ở Việt Nam có thể liên kết để đón nhiều hơn du học sinh nước ngoài.

(VTC News) - TS. Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Đại học FPT  mong muốn các trường đại học ở Việt Nam có thể liên kết để đón nhiều hơn du học sinh nước ngoài, mang về ngoại tệ cho đất nước.

Chia sẻ về triết lý giáo dục của bản thân, TS. Đàm Quang Minh - hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam cho rằng các trường đại học cần tuân theo các tiêu chuẩn và thị trường quốc tế. Khi đó, các trường đại học mới có điều kiện quốc tế hóa và cơ hội giáo dục được mở rộng.

TS Đàm Quang Minh cho biết thêm, hàng năm Việt Nam mất khoảng 1,7 tỷ USD cho sinh viên đi du học, trong khi đó, số lượng sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập không đáng kể.
ts đàm quang minh
TS Đàm Quang Minh băn khoăn đặt câu hỏi tại sao Việt Nam không thể là trung tâm du học của khu vực và thế giới (Ảnh: Phạm Thịnh)
"Tại sao Việt Nam không thể là điểm du học trên thế giới, điều này có quá cao xa? Câu trả lời hoàn toàn có thể và nằm trong tầm tay của chúng ta. Hãy thử nhìn sang các nước láng giềng như Singapore, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc đang thu hút hàng trăm ngàn sinh viên quốc tế đến du học", vị hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam đặt vấn đề.

Việt Nam cần phải biến thành một trung tâm của trí tuệ, một cái chợ về tri thức để 3-5 năm tới có 10% sinh viên và 15% giảng viên là người nước ngoài đến học và giảng dạy.

Để biến mục tiêu " xuất khẩu giáo dục" thành hiện thực, TS Đàm Quang Minh cho rằng để quốc tế hóa phải có chương trình quốc tế (nhiều trường đã có), phải có giảng viên quốc tế (đã có), phải có sinh viên quốc tế và dạy bằng tiếng Anh (đã có). Đặc biệt, Việt Nam phải có Campus (cơ sở ở nước ngoài) - điều này chưa trường đại học nào ở Việt Nam làm được.

Nhìn ra các nước, bài học ở Singapore và Malaysia thì lãnh đạo đất nước khao khát biến đất nước thành trung tâm của thế giới cả về kinh tế và giáo dục, đất nước họ xây Campus và mời các trường đến.

"Hay như ở Vương quốc Anh, đất nước bán thương hiệu quốc gia về giáo dục, coi đó là ngành kinh tế xanh mang lại của cải cho đất nước.


Với Trung Quốc và Philipin đó là cách làm giáo dục ở sự khác biệt và năng động. Hai nước này luôn có nhiều sinh viên nước ngoài tới theo học", vị hiệu trưởng này ví dụ

Nhìn về các trường đại học ở Việt Nam, TS. Đàm Quang Minh cho rằng chúng ta chưa chú trọng tới chất lượng giáo dục đại học, không xây dựng được thương hiệu, chỉ chú trọng tuyển sinh cho thật nhiều sinh viên, tính cạnh tranh kém, do đó chất lượng đào tạo kém. Điều đó được minh chứng tỷ lệ thất nghiệp phần lớn rơi vào người mơi ra trường.

“Tôi có nhiều bà con ở quê, có con học xong về làm may, do đó mất nhiều thời gian, nhiều nhà vay nợ cho con đi học, nhưng học xong không có việc làm. Nếu không giải quyết được việc này sẽ lãng phí cho xã hội”.

Về việc trang bị kỹ năng cho sinh viên ở thế kỳ 21, TS. Đàm Quang Minh cho rằng ở thời đại này tất cả những gì chúng ta dạy học trò đều vô nghĩa và sắp trở nên vô nghĩa. Vậy cần có một kỹ năng thay cho việc học kiến thức nhất định.

"Kiến thức trước đây là bác học và hiện nay với thời đại công nghệ thì ai cũng có thể là bác học", ông Minh nêu quan điểm.

 
Vị tân hiệu trưởng Đại học FPT cho rằng phải triển khai được phương pháp mới, phương pháp đó là đào tạo theo dự án, học thuyết kiến tạo, học tập định hướng đầu ra chứ không quan tâm đầu vào.

TS. Đàm Quang Minh cũng bày tỏ, trong “thị trường” giáo dục trong nước, Đại học FPT không muốn cạnh tranh với trường nào, bởi một năm trường có thể kiếm được 1 triệu USD từ sinh viên nước ngoài đến du học. Không những thế, ông Minh mong muốn có thể liên kết vớ nhiều trường đại học khác để thu hút và tuyển sinh càng nhiều du học sinh nước ngoài.

Ông Minh mong muốn trong tương lai không xa, các trường đại học ở Việt Nam có thể kiếm hàng tỷ USD nhờ du học sinh nước ngoài.

Sinh viên Quốc tế tại Đại học FPT
Sinh viên Quốc tế tại Đại học FPT 
Theo chia sẻ của TS. Đàm Quang Minh, nhận chức hiệu trưởng của một trường ngoài công lập, trường đào tạo về lĩnh vực công nghệ nên phải đi nhiều.

Là người trẻ, tự xác định cho mình còn nhiều thời gian gắn bó với trường, từ đó cách làm giáo dục sẽ dài hơi hơn, đầu tư hơn. Muốn làm giáo dục dài hơi theo quan điểm của TS. Minh phải có người trẻ, cần nhiều người trẻ để làm mới, đưa những giá trị mới.


Nói về quốc tế hóa giáo dục, Đại học FPT là một trong những trường đi tiên phong đón nhận sinh viên nước ngoài đến du học hoặc trao đổi sinh viên với các trường ở nước ngoài.

TS. Đàm Quang Minh cho rằng, đã chấp nhận quốc tế hóa là bị lỗ nhiều, bởi hàng năm trường phải đi ra thế giới để quảng bá.


Vị tân hiệu trưởng Đại học FPT cũng thông tin “Chưa biết làm được gì hay không khi cứ đi Châu Âu, Châu Phi là toi 100 triệu, mỗi năm vài lần như vậy. Nhưng quá trình đó cần phải làm, Đại học FPT sẵn sàng chia sẻ nguồn lực này muốn các trường hợp tác với nhau.

Bởi trước đây tính hợp tác giữa các trường đại học ở Việt Nam rất kém, sinh viên học năm 2 muốn chuyển trường khác không được. Đáng nhẽ các trường phải trao đổi, giúp đỡ, chia sẻ với nhau thì mới hội nhập được. Quốc tế hóa mặc dù không rẻ nhưng quyết tâm thì vẫn làm được” .

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn