Đào, phở và pianođang được xem là hiện tượng phòng vé chưa từng có của điện ảnh Việt. Khởi chiếu từ ngày 10/2 (Mùng 1 Tết), đến ngày 27/2, bộ phim do nhà nước đặt hàng vượt mốc 4 tỷ đồng doanh thu (theo Box Office Vietnam).
Tuy nhiên, cơn sốt này cũng cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong quá trình phát hành, quảng bá các bộ phim do nhà nước đặt hàng.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã có những chia sẻ với VTC News về vấn đề trên.
- Thời gian qua, “Đào, phở và piano” - bộ phim về chủ đề lịch sử do nhà nước đặt hàng, bất ngờ thành hiện tượng phòng vé, thu hút đông đảo khán giả đến rạp xem phim. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?
Tôi cho rằng đây là tín hiệu vui nhưng chưa phải là xu hướng tốt, bền vững. Chúng ta, dù rất vui mừng nhưng chưa nên lạc quan thái quá về việc các bộ phim do nhà nước đặt hàng sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, có doanh thu cao.
Chúng ta nên nhìn nhận rõ hơn về việc vận hành của nền điện ảnh nước nhà trong nền kinh tế thị trường, ở đó, phim do nhà nước đặt hàng vừa phải đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, thỏa mãn các quy luật cạnh tranh, cung - cầu, vừa phải thể hiện được tính định hướng, giá trị và thông điệp chính trị, lịch sử, văn hóa,... mà nhà nước mong muốn đối với phim được đặt hàng.
- Chuyên gia marketing và truyền thông Lê Quốc Vinh từng chia sẻ với VTC News rằng, ông cảm thấy rất lạ khi "Đào, phở và piano" được nhà nước đầu tư sản xuất với kinh phí sản xuất 20 tỷ đồng, tuy nhiên lại không có kinh phí quảng bá truyền thông.
Việc phim Đào, phở và piano được đón nhận bởi đông đảo khán giả đã chứng minh rằng hoạt động phát hành đối với những bộ phim do nhà nước đặt hàng có ý nghĩa quan trọng thế nào.
Rõ ràng chúng ta chưa chú ý đầy đủ đến việc phát hành phim. Đây là hệ quả từ thời kỳ rất dài khi mà chúng ta chưa nghĩ nhiều đến công nghiệp điện ảnh, đến việc tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, kể cả do nhà nước đặt hàng.
Trong một nền kinh tế thị trường, ở đó khâu phân phối, phát hành, quảng bá là rất quan trọng mà chúng ta mới chỉ nghĩ đến việc tạo ra những sản phẩm phù hợp với định hướng của nhà nước để phục vụ các nhiệm vụ về chính trị.
Chính vì chúng ta chưa chú ý đến các yếu tố thị trường cho các sản phẩm văn hóa nghệ thuật nên nó dẫn đến một thực trạng là có quá ít hoặc không có kinh phí cho việc phát hành. Đây là những yếu tố cản trở để các sản phẩm nghệ thuật nói chung và đặc biệt là các tác phẩm điện ảnh do nhà nước đặt hàng đến được với công chúng.
Bộ phim "Đào, phở và piano" gây sốt là hiện tượng để chúng ta suy nghĩ về quy trình sản xuất tác phẩm điện ảnh.
Bùi Hoài Sơn
Bộ phim Đào, phở và piano gây sốt là một hiện tượng để chúng ta suy nghĩ về quy trình sản xuất ra một tác phẩm điện ảnh phải đồng bộ và chuyên nghiệp. Nghệ sĩ phải lắng nghe được nhu cầu của thị trường. Sản phẩm nghệ thuật phải tìm được công chúng. Sản xuất phải gắn với quảng bá và phát hành.
- "Đào, phở và piano" được một số rạp tư nhân phát hành phi lợi nhuận, nhưng họ có thể hỗ trợ một phim chứ không thể phim nào cũng hỗ trợ. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để các rạp tư nhân tham gia vào phát hành các bộ phim do nhà nước đặt hàng?
Vấn đề mà chúng ta vướng mắc lâu nay là do chưa có được một cơ chế bảo đảm cho các bên liên quan đều có lợi ích khi phát hành các bộ phim do nhà nước đặt hàng, dẫn đến những khó khăn đưa phim ra rạp.
Hơn nữa, chúng ta cũng không có nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh các sản phẩm điện ảnh do nhà nước đặt hàng. Để kinh doanh, phát hành bộ phim do nhà nước đặt hàng vướng vào nhiều quy định khác nhau, như quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, quy định về đấu giá…
Điều này khiến cho việc phát hành những bộ phim do nhà nước đặt hàng gặp khó khăn, tạo ra rào cản về mặt tâm lý cho các nhà quản lý, các bên có liên quan còn ngần ngại, chưa thực sự sẵn lòng đưa các tác phẩm điện ảnh do nhà nước đặt hàng ra thị trường.
Cùng với đó, nó còn liên quan đến các rạp chiếu phim của nhà nước. Hiện tại chỉ có Trung tâm chiếu phim Quốc gia là cơ quan phù hợp thực hiện công việc này. Điều này cũng khiến cho nhiều khán giả không thể tiếp cận các bộ phim có giá trị.
Chúng ta cần phải có chính sách khuyến khích để có thêm các công ty phát hành, rạp chiếu phim, kể cả tư nhân và nước ngoài, tham gia tích cực hơn vào việc phát hành phim nhà nước đặt hàng.
Chỉ có như vậy, các bộ phim này mới không bị lãng phí về đầu tư và quảng bá tốt hơn những giá trị nhân văn, lịch sử cách mạng đến với đông đảo công chúng - đúng với mong muốn đặt hàng của nhà nước.
- Từ hiện tượng "Đào, phở và piano", ông nghĩ sao về khả năng cạnh tranh giữa các bộ phim do nhà nước đặt hàng với những bộ phim do tư nhân sản xuất?
Tôi nghĩ chúng ta không nên tập trung vào sự cạnh tranh giữa các bộ phim do nhà nước đặt hàng với các bộ phim tư nhân. Bởi mục đích làm phim, thị trường tương đối khác nhau. Đối với khán giả, họ cũng không quan tâm phim do nhà nước hay tư nhân làm, chủ yếu quan tâm chất lượng bộ phim. Mọi sự so sánh đều ở mức độ khập khiễng nhất định.
Điều quan trọng, chúng ta rất cần có những dòng phim về lịch sử cách mạng để đưa ra những thông điệp quan trọng mà Đảng và Nhà nước đã đề cao. Thị trường rất cần những món ăn đa dạng, phong phú. Khán giả ngày nay không chỉ cần xem những bộ phim giải trí, phù hợp thị hiếu mà còn cần cả những bộ phim khai thác đề tài lịch sử, cách mạng.
Chính vì lý do đó, chúng ta rất cần có sự xuất hiện của các bộ phim do nhà nước đặt hàng. Và điều này hiệu quả hơn nữa nếu như việc phát hành, quảng bá được thực hiện tốt hơn để tác phẩm có thể đến với đông đảo công chúng.
Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt chia sẻ với phóng viên VTC News: "Từ câu chuyện của Đào, phở và piano, chúng ta thấy rõ nhiều bất cập trong việc phát hành những bộ phim do nhà nước đặt hàng.
Theo quy định, toàn bộ doanh thu bán vé của phim phải nộp cho nhà nước. Trung tâm chiếu phim Quốc gia phải làm nhiệm vụ vì họ là đơn vị nhà nước dù tự chủ về tài chính. Tuy nhiên khi đặt vấn đề với những đơn vị tư nhân lớn, họ chắc chắn sẽ không nhận lời phát hành một bộ phim nhà nước nếu không có tỷ lệ ăn chia từ nhà sản xuất.
Thông thường khi phát hành bộ phim, các rạp phải nhận về 55 - 60% lợi nhuận. Họ không thể trao toàn bộ doanh thu cho đơn vị sản xuất. Trong tình huống này, chúng ta không thể trách các đơn vị sản xuất tư nhân.
Từ hiện tượng này, nhà nước nên chăng cần điều chỉnh chính sách. Khi một bộ phim được sản xuất phải đi kèm kinh phí phát hành, marketing. Đây là một trong những yếu tố cần và đủ để làm nên thành công của một phim. Một bộ phim hay phải đi kèm một chiến dịch quảng bá phù hợp, đúng mục tiêu để tạo nên sự cộng hưởng.
Bình luận