Chỉ 2 ngày sau khi môn bóng đá nam SEA Games 32 kết thúc, guồng quay của V-League sẽ tái khởi động bằng các trận đấu ở vòng 8. Các cầu thủ U22 Việt Nam sẽ trở lại đội bóng chủ quản, nhưng không phải cũng được đảm bảo một vị trí ra sân trong đội hình vì nhiều lý do khác nhau.
U22 Việt Nam chơi đầy quyết tâm nhưng chỉ giành được HCĐ ở SEA Games 32.
Khó khăn chờ đón
Ngay sau khi trở về từ Campuchia, tiền vệ Nguyễn Thái Sơn không có một phút nghỉ ngơi. Anh vội vã đáp chuyến bay đến Pleiku - nơi đội bóng chủ quản Thanh Hoá tập trung. HLV Velizar Popov yêu cầu học trò tập trung ngay cùng CLB. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Thái Sơn rất quan trọng hay là lời đảm bảo cho cơ hội thi đấu của tiền vệ sinh năm 2003.
Thái Sơn chơi nổi bật tại SEA Games 32. Nền tảng thể lực tuyệt vời giúp cầu thủ này luôn đạt chỉ số di chuyển từ 10,7 km đến 11,4 km trong tất cả các trận đấu được đá chính. Từ một cái tên vô danh, Thái Sơn nổi lên như trụ cột không thể thay thế ở hàng tiền vệ của U22 Việt Nam. Nhưng đó là câu chuyện ở đội tuyển, còn ở cấp độ CLB, Thái Sơn chỉ là người dự bị.
Trong tay ông Popov không thiếu các tiền vệ trung tâm có chất lượng tốt, thể lực không thua kém gì Thái Sơn như Lê Phạm Thành Long, Hữu Dũng, A Mít hay Ngọc Tân. Điểm chung của những cầu thủ này là họ đều có nhiều kinh nghiệm hơn so với tuyển thủ U22 Việt Nam. Thực tế rất phũ phàng, Thái Sơn vẫn phải dự bị và chỉ có cơ hội trong hiệp 2.
Tương tự như vậy, Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường hay Nguyễn Quốc Việt là những điểm sáng đáng chú ý trên hàng công của U22 Việt Nam. Nhưng quay về các đội bóng chủ quản, cơ hội ra sân của nhóm này còn ít hơn nhiều so với Nguyễn Thái Sơn. Làm sao có thể ép các HLV trưởng phải sử dụng cầu thủ trẻ khi họ chưa đáp ứng được yêu cầu và thành tích của đội bóng chưa tốt?
Đặt lên bàn cân so sánh, Văn Trường không thể thay thế Phạm Tuấn Hải, Lucao hay William Henrique. Hàng tiền vệ của Hà Nội FC thậm chí còn chật chội hơn. Kể cả khi Đỗ Hùng Dũng nghỉ thi đấu sau khi mổ ruột thừa, họ vẫn còn Nguyễn Hai Long, Đậu Văn Toàn, Trương Văn Thái Quý hay Phạm Thành Lương. Trường hợp của Khuất Văn Khang ở Viettel, Nguyễn Quốc Việt ở HAGL cũng không khá hơn là bao.
Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho U22 Việt Nam là Nguyễn Văn Tùng còn gặp nhiều khó khăn hơn. Việc cạnh tranh suất ra sân ở Hà Nội FC quá khó với các tiền đạo nội. Ghi 5 bàn ở SEA Games 32, nhưng dấu ấn của Văn Tùng ở CLB hoàn toàn mờ nhạt.
Số ít cầu thủ của U22 Việt Nam chắc suất đá chính ở CLB có lẽ chỉ là Lê Văn Đô, Huỳnh Công Đến, Phan Tuấn Tài, Nguyễn Thanh Nhàn,...lại chơi không mấy thành công ở SEA Games 32. Đó là nghịch lý tồn tại ở đội U22 Việt Nam thời gian qua.
Cầu thủ phải tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất
Bóng đá luôn khắc nghiệt và cơ hội dù là nhỏ nhất cũng cần được các cầu thủ trẻ tận dụng. Thời gian tới đây, Hà Nội FC chắc chắn không có được sự phục vụ của Nguyễn Văn Quyết, Hùng Dũng và Lê Xuân Tú. Văn Trường và Văn Tùng có thể được trao cơ hội, dù chỉ vài phút mỗi trận. Nhưng mỗi giây thi đấu ở V-League đều là trải nghiệm đáng quý mà họ cần tận dụng.
Thái Sơn, Tuấn Tài, Tiến Long, Văn Chuẩn, Duy Cương, Đinh Xuân Tiến hay Quốc Việt là phương án dự phòng quan trọng ở đội bóng của mình. Nhóm cầu thủ này cần cho thấy sự tiến bộ nhanh hơn, dấu ấn chuyên môn đậm nét hơn. Khi đó, họ mới có thể tạo ra đột biến cho sự nghiệp của mình.
Xu thế sử dụng cầu thủ trẻ vẫn đang hiện hữu ngày một rõ rệt hơn tại V-League. Khi tài chính của các đội bóng không còn dư dả để lao vào cuộc đua trên thị trường chuyển nhượng, giá trị cốt lõi như đào tạo trẻ và phát triển cầu thủ trẻ được chú trọng hơn. Nhưng cho dù ở hoàn cảnh nào, nội lực của cá nhân từng cầu thủ vẫn là quan trọng nhất để mỗi HLV hay đội bóng đưa ra quyết định về nhân sự.
Sức ép từ kì vọng từ yêu cầu thành tích của đội bóng có thể "bóp nghẹt" cầu thủ trẻ. HLV Bandovic có thể kiên nhẫn đến trận đấu thứ 3 hoặc thứ 4 nếu cầu thủ trẻ chưa đóng góp được nhiều. Nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy, người phải trả giá chính là HLV trưởng.
Bình luận