• Zalo

Hiến pháp mới sẽ được cụ thể hóa thế nào?

Thời sựThứ Sáu, 29/11/2013 02:12:00 +07:00Google News

(VTC News) - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội nói về việc cụ thể hóa Hiến pháp sửa đổi năm 1992 vừa được Quốc hội thông qua.

(VTC News) - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội nói về việc cụ thể hóa Hiến pháp sửa đổi năm 1992 vừa được Quốc hội thông qua.

Bên lề phiên họp Quốc hội sáng 29/11, ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội (ĐBQH Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với phóng viên VTC News.

Ông Đinh Xuân Thảo. (Ảnh: Quang Tùng) 
- Hiến pháp sửa đổi năm 1992 đã được Quốc hội thông qua, ông có thể đánh giá những điểm mới trong bản Hiến pháp này?


Bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua trở thành Hiến pháp mới, bản Hiến pháp thứ 5, đó là kết quả ý kiến đóng góp của toàn dân một cách trực tiếp và thông qua những người đại diện cho mình là đại biểu quốc hội. Bản Hiến pháp tiếp tục kế thừa phát triển, những nguyên tắc, nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992.

Có thể thấy, đây là tư tưởng lập hiến phù hợp với chủ nghĩa lập hiến hiện đại. Trước đây, cho rằng thông qua Hiến pháp thì nhà nước quy định cho nhân dân được thực hiện cái gì, làm cái gì, có nghĩa như là nhà nước ban ơn cho người dân.

Còn bây giờ, với nhận thức mới, thông qua bản Hiến pháp nhân dân lại trao cái quyền lực nhà nước của mình cho Nhà nước. Có nghĩa là tôi trao cho nhà nước, trao cho anh, anh có quyền làm gì, được làm đến đâu, còn một phần nhân dân giữ lại để thực hiện quyền dân chủ trực tiếp.

Hiến pháp lần này quán triệt chủ thuyết chủ quyền nhân dân, tức nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước, chủ thể cao nhất, chủ thể duy nhất về quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Điều này được thể hiện từ lời nói đầu và xuyên suốt bản Hiến pháp lần này.

- Quyền này được cụ thể hóa thế nào, thưa ông?

Trước tiên là nói đến vị thế, vị thế của công dân, chúng ta nói đến quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận. Nhà nước thông qua Hiến pháp này thừa nhận, ghi nhận, bảo đảm, tạo điều kiện tôn trọng quyền của công dân.

Về tổ chức quyền lực nhà nước, Hiến pháp tiếp tục khẳng định việc thực hiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tức, quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Theo đó, trong Hiến pháp xác định rõ Quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp. Chính phủ tiếp tục khẳng định là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, là cơ quan chấp hành của Quốc hội và thực hiện quyền hành pháp. Tòa án nhân dân, cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp. Như vậy, chúng ta thể hiện rạch ròi giữa 3 quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp. Đấy là mối quan hệ ngang chiều của cơ quan trung ương.

- Hiến pháp cũng đã thể hiện sự gắn kết giữa các chương điều với nhau, việc này được thể hiện thế nào?


 

Trước tiên là nói đến vị thế, vị thế của công dân, chúng ta nói đến quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận. Nhà nước thông qua Hiến pháp này thừa nhận, ghi nhận, bảo đảm, tạo điều kiện tôn trọng quyền của công dân.
 
Cái mới là giữa cơ quan trung ương và địa phương, theo tinh thần phân cấp, phân quyền, bằng việc xây dựng một chương mới là Chương Chính quyền địa phương.

Để bảo đảm mối liên kết giữa Chương II nói về Quyền con người, quyền nghĩa cụ cơ bản của công dân với các chương nói về Bộ máy tổ chức Nhà nước để nó bảo đảm sự kiểm soát quyền lực, kiểm soát giữa các cơ quan với nhau.

Và kiểm soát của nhân dân được quy định trong Chương 10 Thiết chế Hiến định độc lập, đấy là quy định về nội dung Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.

Nó có ý nghĩa quan trọng, là sự liên kết giữa nhân dân và bộ máy nhà nước để thực hiện trong việc kiểm soát quyền lực.

Chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu và nó không chỉ dừng lại ở các thiết chết này mà thêm các thiết chế khác không nằm ở trong nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhưng nó sẽ hỗ trợ cho hoạt động của lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng vẫn thể hiện quyền lực nhân dân.

Một cái mới nữa, về kinh tế- xã hội- văn hóa – khoa học công nghệ - môi trường trước đây chúng ta quy định hai chương, giờ gộp lại thành một chương và quy định rất ngắn gọn và chỉ mang tính nguyên tắc.

Bởi lẽ nội dung văn hóa, xã hội luôn luôn gắn chặt với kinh tế cho nên ghép nó lại với nhau cũng phù hợp, để bảo đảm sự ổn định lâu dài của bản Hiến pháp.

- Vậy những sự đổi mới này sẽ được vận dụng vào thực tiễn thế nào, thưa ông?

Như Nghị quyết thi hành Hiến pháp 2013 mà Quốc hội đã thông qua hôm qua (28/11/2013) thì Hiến pháp sẽ có hiệu lực sau khi được công bố, bắt đầu từ ngày 01/01/2014.

Và ngay sau khi có hiệu lực, Quốc hội và các cơ quan liên quan nhanh chóng bắt tay vào việc tuyên truyền phổ biến những nội dung Hiến pháp cho người dân, đồng thời các cơ quan công quyền có trách nhiệm phải cụ thể hóa, thể chế hóa những nguyên tắc của Hiến pháp thành các luật cụ thể và hoàn thành trước năm 2015 để từ năm 2016, nhiệm kỳ mới là phải thực hiện theo tinh thần của Hiến pháp mới.

- Đổi mới nhất trong Hiến pháp lần này được đánh giá về quyền con người, vậy điểm nhấn của vấn đề này là gì?

Những chương quan trọng, ấn tượng nhất của lần sửa đổi này, đạt được sự đồng thuận cao nhất ngay từ đầu là Chương II Quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân

Trong đó cũng có những nội dung mà Hiến pháp trước đây cũng đã quy định như quyền tự do về lập hội biểu tình, hội họp…nhưng 20 năm qua không thực hiện được vì không có luật hướng dẫn.

Lần này, với quy định thiết kế như ở trong luật, tức là về nội dung người dân được làm cái gì nhưng sau đó để thực hiện thì Quốc hội phải sớm ban hành luật. Đây là một điều mà trách nhiệm của nhà nước cũng phải làm khẩn trương để hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Về việc lập hội biểu tình, trong chương trình xây dựng luật pháp lệnh của Quốc hội khóa 13, đến hết nhiệm kỳ này sẽ xúc tiến xây dựng nhưng ưu tiên số một, đầu tiên là những luật về tổ chức.

Cũng có những nội dung sẽ áp dụng ngay nhưng cũng có những nội dung phải có bước quá độ nên có những quy định chuyển tiếp, khi chưa có luật mới ra đời thì sẽ áp dụng theo luật cũ, hiến pháp cũ.

- Về phát triển kinh tế -  xã hội, điều gì được quy định trong Hiến pháp mới có tác động cụ thể nhất?

Liên quan đến vấn đề sở hữu, tôn trọng cái sở hữu, tài sản hợp pháp của tổ chức cá nhân, quyền tự do kinh doanh, sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nó sẽ tạo ra một động lực cho sự phát triển của đất nước, thu hút đầu tư nước ngoài.

Liên quan đến đất đai, từ một nguyên tắc thu hồi đất và cụ thể hóa trong luật đất đai là quyền sử dụng đất đai đối với tổ chức cá nhân cũng sẽ tạo ra sự yên tâm để đầu tư, sản xuất ổn định.

Ví dụ, đất trồng cây hàng năm, trồng cây ngắn ngày trước đây chỉ được giao 20 năm thôi, bây giờ được đưa ra là 50 năm, để các nhà đầu tư có đủ một vòng quay của quá trình tái sản xuất, thu lại những đầu tư bỏ ra, có lời, có lãi.

- Thẩm quyền của Chủ tịch nước được quy địnhtrong Hiến pháp mới sẽ thể hiện thế nào trong thực tế?

Với vị trí đó thì phải có thẩm quyền tương xứng, Hiến pháp đã quy định Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc...

- Ông còn băn khoăn gì trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này?

Chúng ta mong muốn “tuổi thọ” của Hiến pháp có thể kéo dài 30-50 năm, nhưng có một số nội dung, ta quy định nó phù hợp với bây giờ nhưng hiệu lực của nó so với thời gian có thể sẽ chưa được dài. Nhưng sau một thời gian thực hiện, có đủ những điều kiện chín muồi thì chúng ta lại có được những cái điều chỉnh.

Ví dụ, quy định về chính quyền địa phương, nội dung mà chúng ta đã có nghiên cứu, đã làm thí điểm, như không tổ chức hội đồng nhân dân cấp huyện, phường hay chúng ta muốn xây dựng chính quyền đô thị, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì cái đó được đặt ra nhưng trong thực tế thời gian để kiểm nghiệm cũng chưa đủ, kết quả chưa thật rõ, chưa thật chín muồi cho nên buộc trong quy định của Hiến pháp chỉ là quy định mở.

Khi quy định mở như thế này, tôi biết chắc chắn khi mà làm luật về chính quyền địa phương sẽ không đơn giản, lại sẽ bàn cãi bởi vì những tiêu chí để đặt ra nó cũng chưa cụ thể, chưa rõ, dứt khoát sự cụ thể luật sẽ có những khó khăn.

- Hiến pháp gắn liền với thực tế bao giờ cũng thông qua luật, vậy vai trò của Quốc hội trong việc hiện thực hóa điều này thế nào?

Việc này, các đại biểu quốc hội thể hiện trách nhiệm của mình. Chính họ tham gia đóng góp ý kiến, ấn nút để thông qua Hiến pháp mới này cũng là những người có trách nhiệm để xây dựng luật phù hợp.

Với tư duy của mình, từ việc làm Hiến pháp dẫn dẫn đến luật phải cụ thể thế nào, đây cũng là một áp lực lớn, bởi thời gian cũng dài đến năm 2015. Phải sửa đổi, ban hành một loạt luật, nhưng cũng phải thực hiện để đảm bảo hiệu lực của Hiến pháp, sớm đi vào cuộc sống cũng là một áp lực.

- Hôm nay (29/11), kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 sẽ bế mạc, ông đánh giá thế nào về những cái được, cái chưa được của kỳ họp này?

Phiên họp này, chúng ta thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, thời gian kéo dài và là một áp lực lớn cho đại biểu quốc hội. Chúng ta cũng đã trải qua những phiên làm việc rất căng thẳng với nhiều nội dung quan trọng.

Có thể nói đây là kỳ họp quan trọng nhất, lịch sử nhất của khóa 13. Như luật đất đai chúng ta phải làm đến 3 kỳ họp mới có thể thông qua. Nếu làm không tốt thì thông qua cũng dở, mà không thông qua thì càng dở hơn.

Thứ hai, có nội dung về công tác nhân sự cũng quan trọng và các hoạt động giám sát liên quan đến chính phủ cũng tạo ra một áp lực lớn đối với chính phủ, các thành viên của chính phủ.

Như vậy, cho đến giờ phút này mục tiêu nhiệm vụ cho kỳ họp được hoàn thành tốt. Tuy nhiên, nếu có điều kiện cho đại biểu quốc hội thảo luận thật sự thoải mái, ai cũng được phát biểu, không hạn chế khi làm Hiến pháp, Luật đất đai thì sẽ tốt hơn.






Nam Minh (thực hiện)

Bình luận